Trả lời báo chí, bà Vũ Thị Ánh chủ công trình Panorama nói rằng công trình này không đáng bị đập bỏ, bà chỉ thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư của địa phương. Bà còn cho rằng công trình này không phải do bà xây dựng vụng trộm. Chuyện thiếu hồ sơ, giấy phép thì bà sẽ hoàn thiện. Bà Ánh còn dọa nếu công trình bị đập “chỉ còn nước nhảy xuống sông Nho Quế”.
“Không nên lôi sinh mệnh của cá nhân tạo áp lực ngược với luật pháp. Khi sai thì nhận thức cái sai để khắc phục sửa chữa. Đã doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường được ăn thua chịu, không thể khi thua do vi phạm pháp luật lại bắt xã hội gánh chịu”, ông Nguyễn Thái Bình nói.
Trong báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang dẫn ra nội dung hướng dẫn, chỉ đạo sử dụng chất liệu thân thiện môi trường khi xây dựng điểm dừng chân. Ông Nguyễn Thái Bình phân tích, trong trường hợp này chủ đầu tư Panorama Mã Pì Lèng cố tình vi phạm pháp luật.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, ngành du lịch ủng hộ các công trình, điểm dừng chân phục vụ du khách, tuy nhiên các công trình này trước hết phải tuân thủ quy định của pháp luật.
Ngày 8/10, đoàn kiểm tra do Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) lên Hà Giang tận thấy công trình “chui” trên Mã Pì Lèng.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang Hoàng A Chinh cho biết theo quy định nếu công trình không hoàn thiện giấy tờ cần thiết phải yêu cầu đình chỉ. Nếu hoàn thành rồi thì xem xét hướng xử lý: Có thể phải tháo dỡ, hoặc xem xét bỏ phần nào ảnh hưởng di sản, môi trường, giữ một phần là điểm dừng chân và chụp ảnh cho du khách theo hướng phù hợp với cảnh quan.
Hà Giang sẽ họp liên ngành để tham mưu với UBND tỉnh Hà Giang phương án xử lý.
“Chúng tôi chưa khẳng định sẽ cho tồn tại công trình hay không, vì còn phải họp với các ngành chức năng, huyện Mèo Vạc và đặc biệt cơ quan văn hoá là cơ quan quản lý di sản. Theo tinh thần của Nghị định 39, bây giờ không còn việc phạt cho tồn tại, một là giữ hai là tháo dỡ”, ông Hoàng A Chinh nói.