'Chống trượt' cho học sinh yếu

Giáo viên nỗ lực “chống trượt” cho học sinh yếu. Ảnh: Diệp An
Giáo viên nỗ lực “chống trượt” cho học sinh yếu. Ảnh: Diệp An
TP - Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần. Với mong muốn học sinh thi đạt kết quả tốt nhất, các trường THPT đưa ra rất nhiều giải pháp để “chống trượt” cho học sinh yếu. 

Lớp học “chống liệt”

Thầy Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết, phòng tâm lý học đường của trường có các đợt khảo sát tâm lý để biết học sinh đang lo lắng, băn khoăn thế nào, qua đó phối hợp với đội ngũ giáo viên có biện pháp hỗ trợ học sinh. Năm nay, trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm có 543 học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT. Nhiều học sinh có tâm lý chỉ chăm chăm cho các môn thi ĐH mà quá lơ là các môn còn lại nên nhà trường phải có một lớp gọi vui là lớp “chống liệt”.

Lớp học này có một thời gian biểu và kế hoạch phụ đạo đặc biệt. Sau mỗi đợt khảo sát của trường, những học sinh nằm trong nhóm nguy cơ sẽ được nhà trường bố trí ôn tập mỗi tuần thêm 1 buổi. Vì số lượng học sinh ít, giáo viên đều là những người có kinh nghiệm nên học sinh không ngại chia sẻ những khó khăn đang gặp phải. Vì vậy, giáo viên rất hiểu học sinh đang yếu, đang hổng phần kiến thức nào để bổ sung. “Có nhiều em chỉ học một, hai buổi là ổn. Hiện trường có 1 lớp môn Toán, 1 lớp môn Văn, và 2 lớp môn tiếng Anh “chống liệt” để hỗ trợ học sinh”, thầy Nam cho hay. 

Cô Vũ Thị Hậu, Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho biết, sau kỳ khảo sát đầu tiên dành cho học sinh lớp 12 của TP Hà Nội, nhà trường đã “lọc” ra vài chục học sinh có nguy cơ điểm liệt ở một số môn. Không chỉ bổ sung kiến thức, giáo viên còn phải làm công tác tâm lý cho học sinh. Một trong những giải pháp tâm lý mà trường đưa ra là cho học sinh nghỉ tự ôn một thời gian, nhưng trước kỳ thi 1 tuần học sinh được khuyến khích đến trường ôn tập trực tiếp với thầy cô. Đây là thời gian quan trọng để hệ thống hóa lại toàn bộ kiến thức, củng cố kỹ năng làm bài thi cũng như tâm lý phòng thi cho học sinh.

Từ nhiều năm nay, trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ) triển khai cách ôn tập khá đặc biệt, ngoài thực hiện đại trà, nhà trường còn phân nhóm học sinh có học lực tốt và nhóm học sinh học lực yếu để có biện pháp phù hợp.

Nhà trường gọi “nhóm đầu cao”, “nhóm 24+” với những học sinh được lựa chọn trên cơ sở điểm bài khảo sát có 3 môn theo tổ hợp xét tuyển truyền thống đạt 24 điểm trở lên. “Nhóm 3+” là học sinh có điểm môn khoa học tự nhiên và tiếng Anh thấp; “nhóm 5+” dành cho học sinh có điểm môn khoa học xã hội thấp. Nhóm này được giáo viên tập trung ôn tập trong khoảng 1 tiếng mỗi buổi, sau khi ôn tập đại trà.

Vì học sinh vùng  khó

Tại trường THPT số 2 Bảo Thắng (Lào Cai)  hiện học sinh  khối 12 vẫn tới trường và ôn tập 4 tiết/ngày, giải đề thi trực tuyến 1 môn văn hóa. Trên cơ sở kết quả giải đề thi, trường điều chỉnh cách dạy của giáo viên cho phù hợp với học sinh. 230 học sinh  khối 12 của trường đã trải qua 4 lần kiểm tra, thi khảo sát. Với nhóm học sinh có điểm học lực yếu, nguy cơ không đủ điều kiện đỗ tốt nghiệp, trường lọc riêng, giao giáo viên giàu kinh nghiệm động viên, kèm cặp… đồng thời kết hợp nhóm học sinh học lực giỏi cùng giúp đỡ, bổ trợ.

Còn tại trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị), hơn 90% học sinh là người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Đời sống kinh tế khó khăn nên nhận thức và ý thức về học tập của học sinh chưa tốt. Dù trường tổ chức ôn tập miễn phí nhưng cũng chỉ có 50% trong tổng số 92 học sinh khối 12 đến ôn tập. Tuy vậy, mỗi tuần 3 buổi, học sinh dù tham gia không đông nhưng trường vẫn tổ chức lớp để củng cố kiến thức cho những học sinh đang nỗ lực, cũng là cách để duy trì ý thức học tập của học sinh trong giai đoạn ôn thi.

Học sinh trường THPT Hướng Phùng đã tham gia kiểm tra chất lượng 2 lần và tỷ lệ đạt tốt nghiệp ở mức 30% - 40%. Tuy nhiên, Ban giám hiệu nhà trường vẫn kỳ vọng với sự nỗ lực ôn tập của thầy và trò ở thời điểm “nước rút”, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp toàn trường sẽ tăng lên ít nhất 50%.

Không chỉ nỗ lực “vực” học sinh về mặt kiến thức, các trường vùng khó còn tìm mọi giải pháp hỗ trợ học sinh của mình trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Năm nay, học sinh trường THPT số 2 Bảo Thắng sẽ thi cụm thi cách xa trường 12km. Nhà trường lên phương án thuê xe ô tô đón đưa học sinh đến điểm thi.

Ngoài ra, Ban giám hiệu nhà trường tham mưu cho UBND huyện trong việc chỉ đạo trường nội trú huyện lo chỗ ăn ở cho học sinh có nhu cầu ở lại trong những ngày thi. Học sinh ở khu nội trú được miễn phí chỗ ở, điện nước, tiền ăn 3 bữa thu với giá hỗ trợ (15.000 đồng/suất ăn sáng, từ 20.000 - 25.000 đồng/suất ăn trưa). UBND huyện sẽ cử trung tâm vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra, giám sát thực phẩm, suất ăn của học sinh hằng ngày.

Với những học sinh nhà gần, bố mẹ đưa đón trong những ngày thi, nhà trường yêu cầu đi theo nhóm từ 3 - 4 gia đình, tránh đi đơn lẻ để có thể hỗ trợ nhau trong những tình huống bất ngờ (xe hỏng, học sinh ngủ quên quá giờ thi...).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT: 130 cơ sở giáo dục đại học tham gia thanh tra 

Bộ GD&ĐT vừa ban hành quyết định về việc phân công cơ sở giáo dục ĐH tham gia đoàn kiểm tra công tác coi thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Theo đó, Bộ yêu cầu 130 cơ sở giáo dục ĐH lập danh sách cán bộ, giảng viên đủ điều kiện tiêu chuẩn để làm công tác này với 7.010 người. Trong đó, số người dự phòng là 490, số tham gia chính thức là 6.520 người, cao hơn số lượng Bộ dự kiến trước đó.

Quyết định cũng nêu rõ, tiêu chuẩn của những người sẽ làm công tác kiểm tra, gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực công minh, khách quan; không có người thân tham dự kỳ thi này; không trong thời gian bị kỷ luật hoặc đang trong quá trình xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực thi cử; đã tham gia công tác tập huấn và được đánh giá đạt yêu cầu; người được cử làm trưởng đoàn, phó đoàn phải là lãnh đạo trường. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ, giảng viên trước khi lựa chọn, lập danh sách gửi về Bộ.

Các Sở GD&ĐT có trách nhiệm phối hợp với các trường được Bộ GD&ĐT giao đến làm nhiệm vụ kiểm tra công tác coi thi tại hội đồng  thi của Sở, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy chế.

N.HUÊ

MỚI - NÓNG