Chống tham nhũng 'nhân văn nhưng đủ răn đe, ngăn ngừa'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được coi là "điểm sáng" nổi bật trong năm 2023. Đáng lưu ý, trong cuộc chiến chống "giặc nội xâm" này, bên cạnh sự quyết liệt, nghiêm minh còn có tinh thần nhân đạo, nhân văn, nhân ái, đủ ngăn ngừa, cảnh tỉnh, răn đe.

“4 chữ nhân”

Tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng, cho đến nay có thể khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được làm “nhân văn, nhân ái, nhân tình, nhưng vẫn đủ răn đe, giáo dục, ngăn ngừa là chính, song nếu phải xử lý thì nghiêm minh, đúng pháp luật và phù hợp với lương tâm, tình cảm của con người”.

Tinh thần nhân văn, nhân đạo đã được cụ thể hóa trong “chùm án” Việt Á cũng như nhiều vụ án khác. Nói về vụ án này tại một cuộc họp báo, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương từng chia sẻ, để đảm bảo khoa học, nhân văn, nhân ái, nhân tình nhưng cũng nghiêm minh, Ban Chỉ đạo đã có chủ trương phân loại đối tượng để xử lý.

Với những người có chức vụ, chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định, đem lại lợi ích bất hợp pháp cho Việt Á, chiếm số tiền lớn thì phải nghiêm trị. Tuy nhiên, với những người thuộc nhóm thứ yếu, thực hiện theo mệnh lệnh, ở tuyến đầu chống dịch, không có động cơ vụ lợi và không vụ lợi, dù có vi phạm nhưng vì việc chung, thì được xem xét tha miễn.

“Không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ đã nói, phải cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ khi tiếp xúc cử tri Hà Nội

Chia sẻ với báo chí, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đều có chung nhận định, chính vì tinh thần quyết liệt nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, nên phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được sự đồng tình, ủng hộ trong đảng viên và nhân dân. “4 chữ nhân” này chính là truyền thống từ ngàn đời xưa.

Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên tinh thần chỉ ra sai phạm, tự soi, tự sửa để chỉnh đốn Đảng. Dù rất quyết liệt, nghiêm minh nhưng vẫn hướng tới lòng thương yêu, quý trọng con người, hướng con người đến cái thiện, rời xa cái ác.

Cán bộ gương mẫu, tự soi, tự sửa

Liên quan đến vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương cũng bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Đảng về việc "có vào, có ra; có lên, có xuống".

Theo Tổng Bí thư, điều này thể hiện tinh thần kiên quyết, gương mẫu, nghiêm minh, nhân văn, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên; đồng thời đã khẩn trương chỉ đạo kiện toàn các nhân sự lãnh đạo thay thế, được dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, đánh giá rất cao.

“Chúng ta cũng đã tạo ra được sự chuyển biến rất tích cực, với nhiều dấu ấn nổi bật trong việc kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn hơn giữa "xây" và "chống", toàn diện hơn trên các mặt công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt là, công tác cán bộ tiếp tục được coi trọng hơn, đúng mức hơn với vị trí, vai trò là "then chốt của then chốt".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Khi tiếp xúc với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chia sẻ, cái gốc của phòng, chống tham nhũng không chỉ là chống sự câu kết, móc ngoặc với nhau để chia chác mà phải làm sao chống suy thoái về tư tưởng, chính trị. Bởi nếu anh có đạo đức, tư tưởng tốt thì tham ô, tham nhũng làm gì? Thậm chí, phải biết khinh bỉ cái đó, biết đó là cái xấu để tránh xa ra. Với cán bộ đã vi phạm và thấy tay nhúng chàm rồi thì tốt nhất xin thôi, như thế là nhẹ nhàng, nhân văn, tiến bộ.

Tại Hội nghị tổng kết công tác ngành nội chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai viện dẫn, trong 83 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, có 59 cán bộ vi phạm do các nhiệm kỳ trước đây, nhưng cũng có 24 cán bộ vi phạm trong nhiệm kỳ này. Từ đó dẫn đến dư luận đặt câu hỏi: Các nhiệm kỳ gần đây, dù đã đẩy mạnh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, nhưng tại sao vẫn còn những vi phạm? “Cán bộ chưa biết sợ hay do lòng tham không đáy, để vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nghiêm trọng phức tạp”, bà Mai nêu.

Theo Thường trực Ban Bí thư, từng cơ quan, tổ chức, từng địa phương, cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu phải hết sức coi trọng việc tự rèn luyện, tự soi, tự sửa, gương mẫu, nói phải đi đôi với làm. Cán bộ, đảng viên phải luôn tự rèn luyện sự liêm chính và càng làm cao, càng phải gương mẫu để tạo ra sự lan tỏa tích cực, mạnh mẽ.

MỚI - NÓNG