Chống tham nhũng đi liền với phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Bên cạnh phòng, chống tham nhũng, vấn đề kinh tế cũng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh trong các bài phát biểu sau nhậm chức. Suy cho cùng, tất cả đều phải vì lợi ích chính đáng của người dân. Xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng cũng nhằm mục đích phát triển kinh tế, phát triển đất nước”, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) trao đổi với Tiền Phong.

Phiếu tuyệt đối thể hiện sự đoàn kết, thống nhất rất cao

Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp và bầu Chủ tịch nước Tô Lâm giữ chức Tổng Bí thư với số phiếu tuyệt đối 100%. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Trước tiên, việc Trung ương bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước Tô Lâm giữ chức Tổng Bí thư với số phiếu tuyệt đối đã thể hiện sự đoàn kết, thống nhất rất cao trong Đảng. Đó cũng là mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng... Trước đây, nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến tinh thần đoàn kết và đoàn kết chính là sức mạnh.

Chống tham nhũng để phát triển kinh tế

Phát biểu sau nhậm chức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định quyết tâm của Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Ông đánh giá gì về nội dung này?

Trong phát biểu nhậm chức cũng như trả lời tại họp báo và bài viết của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh rất nhiều về việc tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có lẽ, đây cũng là sự quan tâm rất lớn của hàng triệu đảng viên và người dân. Lâu nay, đảng viên và nhân dân cũng bày tỏ băn khoăn, không biết sau này công cuộc chống tham nhũng sẽ ra sao? Khi ông Nguyễn Phú Trọng không còn làm Tổng Bí thư, cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” sẽ thế nào?...

Theo tôi, phân vân của đảng viên và người dân là có cơ sở. Vì cuộc đấu tranh chống tham nhũng rất khó khăn, gian khổ, cũng rất khác với đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đấu tranh chống “giặc nội xâm”, là cuộc đấu tranh trong nội bộ, trong lòng chúng ta, khó khăn hơn nhiều so với chống giặc ngoại xâm. Lịch sử mách bảo rằng, người cầm quân trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” phải có “tâm sáng, bàn tay sạch”. Vì thế, chúng ta rất hiểu mối quan tâm này của đảng viên và của người dân.

Về điều này, phát biểu sau nhậm chức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh đến việc tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Trong đó, ông khẳng định tinh thần kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, với phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Trên thực tế, phòng, chống tham nhũng đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược.

Sau ba nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra một di sản rất lớn về mặt thể chế. Lâu nay, chúng ta mới chỉ thấy hàng trăm cán bộ cấp cao bị xử lý ở các mức độ khác nhau. Nhưng mặt khác, qua đấu tranh chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo sửa đổi, hoàn thiện hàng chục bộ luật, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tăng cường giám sát và kiểm soát quyền lực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại một di sản lớn, cả về phòng ngừa, ngăn chặn và chống tham nhũng, tiêu cực, đúng với tinh thần “nhốt quyền lực trong lồng thể chế”.

Chống tham nhũng đi liền với phát triển kinh tế ảnh 1
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Ảnh: Nhật Bắc

Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu ra hoàn toàn có cơ sở khoa học, cũng thể hiện quyết tâm lớn của Đảng ta. Thực tế, ngay tại Hội nghị vừa qua, sau khi xem xét, Trung ương đã đồng ý cho một phó thủ tướng, một bộ trưởng, hai bí thư tỉnh ủy thôi chức vụ trong Đảng.

Thưa ông, có lẽ điều đông đảo người dân quan tâm hơn cả là việc phòng, chống tham nhũng sẽ tác động và mang lại hiệu quả như thế nào cho sự phát triển kinh tế - xã hội?

Quả đúng là như vậy. Bên cạnh phòng, chống tham nhũng, vấn đề kinh tế cũng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh trong các bài phát biểu vừa qua. Bởi suy cho cùng, tất cả đều phải xuất phát và đều vì lợi ích chính đáng của người dân. Xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng cũng nhằm mục đích phát triển kinh tế, phát triển đất nước.

Chống tham nhũng đi liền với phát triển kinh tế ảnh 2

PGS.TS Lê Văn Cương

Do vậy, bên cạnh phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh đến việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, mở rộng không gian phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân… Đây cũng là mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong bối cảnh mới, điều kiện mới. Điều đó cho thấy sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, bằng mọi biện pháp phải duy trì và phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Có thể nói, phát biểu nhậm chức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dù ngắn gọn, nhưng lại có thông điệp mới, thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh tình hình mới. Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sẽ làm cho người dân và đảng viên ngày càng tin tưởng hơn.

Trân trọng cảm ơn ông !

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Nhiều nhiệm vụ, công việc lớn

Sau khi được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương (T.Ư) Đảng khoá XIII, trong phát biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, bao quát toàn bộ các vấn đề lớn mà T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư tập trung chỉ đạo thời gian tới. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh việc rà soát các nhiệm vụ, chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, việc gì đã thực hiện tốt, việc gì còn phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa. Chỉ còn hơn 1 năm nữa là đến Đại hội XIV của Đảng, nên việc này cần tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt.

Trên thực tế, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, dù có đại dịch COVID-19 tác động nặng nề, nhưng đất nước ta phục hồi kinh tế tốt, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, đời sống của người dân được nâng lên. Đạt được những thành tích như thế là ngoạn mục, rất đáng tự hào. Hiện nay, chúng ta cần tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, là phải phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn nữa, đảm bảo vững chắc an ninh, quốc phòng, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tiếp tục công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nhấn mạnh công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, thực hiện tốt Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý việc đảm bảo chất lượng các văn kiện trình Đại hội và chuẩn bị nhân sự Đại hội. Trong chiều 3/8, T.Ư đã cho 4 Uỷ viên T.Ư Đảng thôi giữ chức, điều đó cho thấy thực tế có nhiều cán bộ dính vi phạm, sai phạm phải bị xử lý, rời khỏi chức vụ. Vì thế, công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV cần phải đặc biệt lưu ý, làm sao thực hiện cho tốt. Đại hội XIV phải lựa chọn, tìm kiếm được những nhân sự nổi trội, có năng lực, trình độ, đạo đức để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển đất nước – đó là vấn đề rất lớn.

Trường Phong

MỚI - NÓNG