Chống sốc, lo thức ăn cho 'cụ' Rùa

Nước trong hồ sẽ thẩm thấu một chiều vào lồng, hầu hết sinh vật phù du sẽ bị giữ lại bên ngoài hệ thống gọi là “giai”, giảm nguy cơ tác động lên cụ Rùa
Nước trong hồ sẽ thẩm thấu một chiều vào lồng, hầu hết sinh vật phù du sẽ bị giữ lại bên ngoài hệ thống gọi là “giai”, giảm nguy cơ tác động lên cụ Rùa
TP - Đề nghị đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cứu chữa Rùa Hồ Gươm, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực thủy sản lưu ý cần có biện pháp chống sốc và chuẩn bị thức ăn thích hợp cho cá thể đặc biệt này.

 >> Ráo riết cứu 'cụ' Rùa

Nước trong hồ sẽ thẩm thấu một chiều vào lồng, hầu hết sinh vật phù du sẽ bị giữ lại bên ngoài hệ thống gọi là “giai”, giảm nguy cơ tác động lên cụ Rùa
Nước trong hồ sẽ thẩm thấu một chiều vào lồng, hầu hết sinh vật phù du sẽ bị giữ lại bên ngoài hệ thống gọi là “giai”, giảm nguy cơ tác động lên cụ Rùa . Ảnh: Q.D

TS Lê Thanh Lựu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (RIA1), cho rằng, với hiện trạng sức khỏe cụ Rùa những ngày gần đây và với diễn biến thời tiết ngày càng ấm lên, nếu không khẩn trương hơn nữa, tình huống xấu nhất rất có thể xảy ra.

“Trời lạnh thì còn hy vọng làm chậm lại quá trình phát triển tảo trong Hồ Gươm và làm chậm tiến triển các bệnh do nấm, ký sinh trùng (nếu có). Ngược lại, với xu thế thời tiết ấm như mấy hôm nay, các loại tảo và nấm độc phát triển nhanh và mạnh hơn, ô nhiễm hồ còn nặng nề hơn và bệnh tật của rùa cũng có nguy cơ trầm trọng hơn”- TS Lựu phân tích -“Nên rút gọn một số công đoạn vì giờ không còn là lúc để cầu toàn nữa”.

Qua Tiền Phong, TS Lê Thanh Lựu đề xuất một phương án khẩn cấp với ba lưu ý chính mà ông hy vọng Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ Rùa Hồ Gươm có thể tham khảo.

Chống sốc

Trước hết, lưu giữ rùa cần đi đôi với chống sốc. Sau khi bắt để trị thương, việc để rùa vẫn ở trong môi trường nước Hồ Gươm là đúng. Vấn đề là môi trường nước ấy phải được cải thiện đáng kể, loại bỏ các thành phần tảo độc, nấm và vi khuẩn gây bệnh.

Song, kinh nghiệm cho thấy, thay đổi đột ngột, dù sang môi trường nước sạch đến mấy, có thể gây stress và kết quả là giảm khả năng miễn dịch của cá thể, thậm chí, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. RIA1 sẵn sàng cử chuyên gia tham vấn, thậm chí, điều hành khâu này nếu được yêu cầu, nhằm giúp tránh gây sốc do chuyển môi trường sống đột ngột.

Nhằm tiết kiệm thời gian trong giai đoạn cấp bách hiện nay, có thể tạm thời thiết kế một lồng như sau (xem hình minh họa): Lồng hình vuông hoặc tròn, rộng khoảng 50m2, khung bằng ống nhựa HDPE đường kính 30cm. Lưới lồng làm bằng lưới lọc thực vật phù du vốn không khó kiếm, và được nâng cao 0,3- 0,4m trên khung lồng để rùa không bò ra ngoài được.

Nguyên lý lọc nước hồ Hoàn Kiếm có lẽ cũng giống một số giải pháp mà Ban chỉ đạo của UBND TP Hà Nội đã phê duyệt. Đấy là nước trong hồ sẽ thẩm thấu một chiều vào lồng, hầu hết thực vật, động vật phù du sẽ bị giữ lại bên ngoài hệ thống gọi là giai, giảm nguy cơ tác động lên sức khỏe và các vết thương của rùa. Lồng được cố định ở một điểm nào đó, có thể là một vùng nước ở một góc Tháp Rùa, nơi có đáy sâu, ít ô nhiễm, ít người thăm viếng.

Để chống sốc cho rùa, cũng nên giảm tập trung đông người, không chỉ người xem, mà cả người tham gia chữa trị. Việc chữa trị tạm thời cho rùa ngoài gò Tháp Rùa có thể giảm được yếu tố nguy cơ đông người và tiếng ồn bởi phương tiện giao thông.

Nhưng nếu không tính toán kỹ, tập trung quá nhiều chuyên gia tại gò cũng sẽ là bất lợi. Chỉ cử số lượng tối thiểu người ra can thiệp trực tiếp trong quá trình chữa trị và chăm sóc rùa. Còn lại, nên thiết lập hệ thống camera để chuyên gia trong bờ có thể cùng tham gia hội chẩn.

Chuẩn bị thức ăn thế nào?

Về thức ăn cho rùa trong quá trình trị thương và dưỡng thương, trong lúc chưa biết chính xác món khoái khẩu của cụ Rùa là gì, cách chuẩn bị tối ưu là dựa trên tập tính loài của rùa và kinh nghiệm nuôi ba ba.

Theo đó, ngày đầu tiên, có thể thả một số loài cá khá hiền lành, không có vây quá cứng kiểu như cá rô, yếu tố nguy cơ có thể khiến rùa bị hóc. Các loài cá đáp ứng mấy yêu cầu đó có thể là cá mè, cá trôi giống chẳng hạn, loại nhỏ bằng ngón tay. Cũng có thể thả một ít ốc để thăm dò khẩu vị. Bằng cách nào đó, cũng nên bổ sung vitamine C và premix vitamine vào thức ăn giúp tăng khả năng kháng thể cho rùa.

Cần thành lập một nhóm chuyên gia thủy sản, chứ không phải là y tế, theo dõi phản ứng của rùa với thức ăn qua hệ thống camera. Việc theo dõi 24/24 giờ được ghi chép, phân tích cẩn thận và liên tục, để điều chỉnh thích hợp, sao cho các món ăn của các ngày sau đáp ứng tối ưu tập tính và khẩu vị.

Cần theo dõi và vệ sinh thường xuyên lồng nuôi để nước có thể dễ dàng lọc qua lưới. Kể cả hệ thống lồng cũng như sau này chuyển vào bể thông minh, đều có máy sục khí đặt ở các vị trí cần thiết để tăng hàm lương ôxy trong lồng hoặc bể. Trường hợp không thể kéo điện tới thì dùng ôxy từ các bình ôxy để sục thẳng vào lồng hoặc bể nuôi.

Ông Timothy McCormack, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á, cho biết: Tại hội thảo quốc tế về rùa tổ chức ở Singpapore mới đây, nhiều chuyên gia cử ra “một nhóm chuyên gia quốc tế soạn thảo một bộ khuyến cáo để khẩn cấp bảo vệ Rùa Hồ Gươm và nhấn mạnh, cho dù bất cứ việc gì được tiến hành, sẽ không có gì đảm bảo chắc chắn thành công”.

Quốc Dũng
Lược ghi

Lộ trình cứu chữa cụ Rùa

Toàn bộ công việc can thiệp cứu chữa Rùa Hồ Gươm gồm ba giai đoạn chính:

Giai đoạn một, gồm cải thiện môi trường Hồ Gươm, chế tạo dụng cụ bẫy rùa và bể nổi giữ rùa. Việc cải thiện môi trường Hồ Gươm gồm hai đầu việc chính là thu dọn vật cứng và bổ cập nước. Thu dọn vật cứng dự kiến kéo dài ba ngày (theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 26-2). Bổ cập nước kéo dài 20 ngày (theo kế hoạch, bắt đầu từ 23-2 và kết thúc vào giữa tháng ba).

Có hai lựa chọn chế tạo bể nổi giữ rùa. Nếu dùng bể bơi sẵn có kiểu như bể thông minh, toàn bộ công việc giai đoạn một (không kể hoạt động cải thiện môi trường Hồ Gươm) dự kiến kéo dài 10 ngày. Còn nếu dùng bể nhân tạo tại hồ, diện tích 250 m2, tổng thời gian giai đoạn một có thể lên đến 30 ngày, do phát sinh các việc mới như chế tạo, vận chuyển, hạ thủy xuống hồ, v.v...

Giai đoạn hai, tổ chức bắt và đưa lên chữa trị. Thời gian bắt liên quan đến loại lưới và cách bắt. Nếu dùng lưới vét, giai đoạn này dự kiến kéo dài 5 ngày. Nếu dùng bẫy thụ động, tức chờ rùa bò vào, giai đoạn này có thể kéo dài 15 ngày.

Giai đoạn ba, chữa trị và đánh giá kết quả. Quá trình chữa trị gồm có chữa sơ bộ, lấy mẫu, phân tích bệnh, hội chẩn, phác đồ điều trị triệt để. Toàn bộ giai đoạn ba dự kiến kéo dài khoảng 90 ngày.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG