Chống sạt hay 'xẻ thịt' tài nguyên?

Một góc chân núi Phướn bị đào khoét nham nhở tạo vách dốc đứng.
Một góc chân núi Phướn bị đào khoét nham nhở tạo vách dốc đứng.
TP - Lấy danh nghĩa chống sạt cho núi Phướn (thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, Hải Phòng), chủ khai thác đất đã đào khoét nham nhở ngọn núi này để lấy đất đá bán cho các dự án san lấp. Cả vạt đồi rộng bị băm nát tạo vách dốc đứng, hàng triệu mét khối đất đã bị khai thác trái phép.

Đào khoét ngổn ngang

Từ thị trấn Trường Sơn theo tỉnh lộ 357 về hướng trung tâm huyện An Lão chừng vài trăm mét, núi Phướn (núi Xuân Sơn) hiện ra với cả vạt đồi mênh mông bị đào khoét nham nhở. Màu xanh cây cỏ đã biến mất, chỉ còn trơ màu nâu sậm của đất đá bị cày xới. Con đường đất gồ ghề dẫn vào chân núi mù mịt bụi đất bởi những xe ben quay đi đảo lại chở đất. Chân núi bị đào khoét nham nhở tạo thành vách dốc cùng những hố sâu hoắm. Khu vực này như một đại công trường khai thác đất, 2 chiếc máy xúc hối hả xúc đất lên cho đoàn xe ben nườm nượp vào ra. Chỉ hơn 30 phút đã có chừng cả chục chiếc xe ben chở đất rời đi.

Theo người dân, công trường khai thác đất này mọc lên 3-4 năm nay, sau khi núi Phướn xuất hiện vết nứt dài khoảng 30m cách chân núi 20m. Với lý do cấp bách chống trượt, huyện An Lão đã “thả cửa” cho phương tiện, máy móc vào khu vực để bốc xúc đất đá. Kể từ đó đến nay, máy xúc, xe ben rầm rập hoạt động, biến núi Phướn thành khu vực khai thác đất đá san lấp quy mô lớn. Cả vạt đồi rộng mau chóng bị “xẻ thịt”, sườn đồi bị cày xới ngổn ngang, lòng núi ngày càng bị khoét sâu, tạo vách dốc đứng.

Những người dân khu vực cho hay, “cầm chịch” hoạt động khai thác đất tại đây trước nay là ông T. “sứt”, một trùm bán đất san lấp. Chị N.T.L., một người chuyên nhận thầu san lấp cho hay, với nhu cầu san lấp lớn trong khi nguồn cung đất đá ở Hải Phòng khan hiếm, khu vực núi Phướn đã trở thành “mỏ vàng” để gia đình ông T. “sứt” khai thác với giá bán 30-50 nghìn đồng/m3, tuỳ theo cung đường vận chuyển.

“Bật đèn xanh” cho khai thác trái phép?

Mặc dù huyện An Lão để cho hoạt động đào khoét đất đá tại núi Phướn rầm rộ từ lâu nhưng phải đến tháng 11/2015, UBND TP Hải Phòng mới phê duyệt phương án chống sạt lở tại đây. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư hơn 11,8 tỷ đồng vốn ngân sách, do UBND huyện An Lão làm chủ đầu tư. Phương án thi công mà thành phố phê duyệt là cắt tầng khu vực sườn núi dài 100m từ độ cao +60m xuống chân núi, mỗi tầng có độ cao 10m, bề mặt rộng 5m. Đất đá bóc từ trên núi dùng để đắp đê cao 2m, dài 100m, dưới chân núi. Liên danh nhà thầu Công ty TNHH xây dựng thương mại Hoa Phượng Đỏ và Tổng công ty xây dựng Lũng Lô thi công.

Để ngăn chặn việc khai thác đất đá trái phép mang bán, trước đó, ngày 30/10/2015, UBND TP đã có văn bản yêu cầu huyện An Lão chỉ đạo các cơ quan lập phương án, tổ chức thi công, trong đó có nội dung “nghiêm cấm việc vận chuyển đất, đá ra khỏi khu vực chống sạt để bán”.

Tuy nhiên, trái với quyết định phê duyệt và chỉ đạo của UBND TP, công trình chống trượt mãi chưa thấy đâu, chỉ thấy các phương tiện máy móc hối hả đào bới mang theo đất đá từ núi Phướn đi san lấp khắp nơi. Khu vực chân núi vẫn tiếp tục bị khoét sâu tạo vách dốc đứng. Theo người dân, người đứng ra đào bới, bán đất vẫn là ông T. “sứt”. Không biết có bao nhiêu triệu mét khối đất đá đã bị chở đi bán cho các dự án san lấp, chỉ biết rằng hàng chục héc-ta sườn núi đã bị đào khoét.

Trả lời câu hỏi vì sao càng chống sạt, chân núi Phướn càng bị khoét sâu tạo vách dốc đứng, ông Lê Hồng Phong, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện An Lão, vẫn cho rằng việc chống sạt đúng phương án đã được phê duyệt. Trước thông tin hàng đoàn xe ben chở đất đi bán cho các dự án san lấp, ông Phong biện bạch rằng UBND TP đã đồng ý cho bán. Tuy nhiên, ông Phong thừa nhận đến nay việc bán đất này vẫn chưa được phép vì chưa đủ trình tự thủ tục. Ông Phong không thể trả lời câu hỏi ai đang khai thác đất trái phép mang bán tại khu vực núi Phướn.   

Dư luận nghi ngờ

Hoạt động khai thác đất đá trái phép rầm rộ vượt ngoài ranh giới tại khu vực núi Phướn đã sớm bị Sở TN-MT phát hiện. Tháng 5/2016, Sở TN-MT đã có văn bản báo cáo UBND TP Hải Phòng trong đó khẳng định quyết định phê duyệt phương án chống sạt của UBND TP không có nội dung nào cho phép UBND huyện An Lão bán đất đá ra ngoài; chủ đầu tư là Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện An Lão không có chức năng kinh doanh, không được bán đất đá.

Tháng 10/2016, thực hiện kiểm tra thực địa, Sở TN-MT phát hiện hoạt động khai thác, vận chuyển đất đá ra khỏi khu vực, nhưng đơn vị này vẫn chỉ ra văn bản yêu cầu huyện An Lão thực hiện đúng phương án thi công, có văn bản đăng ký để cấp quyền khai thác khoáng sản. Trong khi đáng lẽ Sở này phải đề xuất dừng hoạt động tại đây để bảo vệ khoáng sản theo quy định. Điều này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ có sự ngoắc tay, bao che cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại đây?

MỚI - NÓNG