Chồng không bao giờ cho tôi cầm quá 50.000 đồng

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - “Có mấy chục nghìn mà chồng nó cũng không đưa cho để cầm mà đóng à, chồng gì mà chắc hơn cả két sắt thế?”. Trước khi đi, chị nhân viên còn buông lại một câu như xát muối vào lòng tôi.

“Em đừng để chị phải đi đi lại nhiều nhiều lần như thế chứ, có mấy chục nghìn tiền nước mà 4 lần đến nhà em chưa thu xong. Ai cũng như nhà em thì bọn chị chết hết”, tiếng chị nhân viên thu tiền nước xoe xóe khiến tôi ngượng chín mặt với hàng xóm xung quanh, chỉ biết lí nhí vừa giải thích, vừa khất thêm lần nữa “em nhắc chồng em rồi, chị thông cảm cho em với”.

“Có mấy chục nghìn mà chồng nó cũng không đưa cho để cầm mà đóng à, chồng gì mà chắc hơn cả két sắt thế?”. Trước khi đi, chị nhân viên còn buông lại một câu như xát muối vào lòng tôi.

Hai vợ chồng lấy nhau được 3 năm, chúng tôi cũng đã có một con trai được gần 2 tuổi. Ngày còn yêu nhau, qua bạn bè tôi cũng biết anh thuộc dạng kỹ tính, chặt chẽ trong chi tiêu, nhưng sinh viên nghèo, lại cũng chẳng liên quan gì đến nhau trong chuyện tiền bạc ngoài thỉnh thoảng đi ăn vặt vỉa hè hay đi uống nước cùng bạn bè theo kiểu “lệ quyên” nên tôi cũng chẳng mấy để ý đến chuyện này.

Chỉ đến trước ngày cưới, khi tôi bàn với anh chuyện mua sắm thứ nọ thứ kia để chuẩn bị cho cuộc sống riêng của hai vợ chồng, rồi chuyện thuê xe đón dâu, trang trí phông màn, hoa cưới... thì mới “lộ” dần ra cái tính “đo lọ muối, đếm củ dưa” của anh.

Ai đời vợ chồng trẻ mà đồ đạc trong phòng (chúng tôi ở cùng bố mẹ chồng nhưng nhà rộng rãi nên được ông bà bố trí cho ở riêng một tầng) anh bảo không phải mua sắm gì cho tốn tiền, để dành tiền làm nhiều việc lớn hơn.

Rồi anh thống kê rằng cái tủ quần áo, bộ bàn ghế làm việc, cái tivi anh đã có sẵn. Cần nhất là cái giường đôi thì chị gái anh vừa xây nhà mới, thay đồ nội thất nên anh xin được cái giường cũ của nhà chị gái về, gỗ tốt nên còn dùng tha hồ.

Bàn phấn trang điểm của tôi anh bảo không cần thiết, vừa chật nhà, vừa dùng chẳng bền vì giờ họ toàn đóng bằng vật liệu linh tinh, rẻ tiền.

Còn xe hoa, phông màn cưới thì anh chọn gói giá rẻ nhất, anh bảo hoa cắm xong rồi vứt đi chứ có phải để được vĩnh viễn đâu mà chọn loại tốt.

Váy cưới cô dâu tôi chọn mặc hai chiếc để thay đổi thì anh bảo cần một chiếc thôi, thay đi thay lại rườm rà, mất thời gian.

Ấm ức vì bị chồng sắp cưới “gạt” hết những khoản mà mình định sắm sửa, tôi xịu mặt xuống thì anh gắt um lên “việc lớn nhất là mua cái nhà riêng, ổn định cuộc sống rồi còn lo cho tương lai của con thì không tính, cứ muốn tốn tiền vào ba cái lặt vặt vớ vẩn”. Vậy là dù buồn phiền, tôi vẫn phải cố gắng nín nhịn, cho qua bởi không muốn trước ngày cưới vợ chồng đã lục đục, tiếng bấc tiếng chì.

Cưới xong tôi có bầu ngay, thấy tôi ốm nghén vật vã, đi làm buổi đực buổi cái, chồng bảo tôi xin nghỉ việc ở nhà dưỡng thai, sau này khi sinh xong thì ở nhà chăm con một vài năm bởi tiền thuê người giúp việc quá tiền lương tôi đi làm, đợi khi con cứng cáp rồi đi làm sau cũng được.

Nghe chồng nói có lý, tôi xin nghỉ việc ở nhà mà không hề biết rằng chính tôi đã tự đưa mình vào con đường khổ sở.

Không đi làm nữa, không có lương nên mọi chi tiêu trong nhà tôi đều phụ thuộc vào chồng.

Hàng ngày anh đưa tôi vài chục để chợ búa, cơm nước. Cần mua khoản gì lớn hơn, tôi nói với anh và anh sẽ đích thân đưa tôi đi mua, “duyệt” xem món đồ hay thực phẩm đó có thật sự cần thiết không, rồi anh trả tiền.

Khi sinh con cũng vậy, sữa, bỉm, rồi vô số đồ dùng của hai mẹ con, chồng tôi cũng tự tay mua về.

Mỗi sáng đi làm, anh để tiền chợ đủ dùng trong ngày cho tôi, không thừa thêm bất cứ đồng nào.

Nhiều khi đi chợ thấy món đồ xinh xinh, muốn mua một cái quần, áo gì đó cho con, cho mình hay mua quà gì gửi biếu bố mẹ ở quê, tôi đều phải đợi chồng về, trình bày, nếu anh đồng ý mới “xuất tiền” cho tôi đi mua.

Nhiều lúc tôi thấy mệt mỏi, chán nản, thấy mình là vợ mà sống phụ thuộc không bằng nổi người giúp việc.

Cứ kéo dài mãi thế này, tôi không biết mình sẽ chịu đựng được bao lâu nữa. Tôi cũng đã vài lần nói chuyện với chồng về việc mình muốn được đi làm, muốn được tự chủ về kinh tế thì anh gạt phắt đi, bảo tôi “lắm chuyện, ở nhà chồng nuôi sướng như vua còn bày đặt nọ kia”.

MỚI - NÓNG