Ban Chỉ đạo thống nhất, khai báo gian dối sẽ bị xử lý. Đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, công dân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam vừa phải tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế, vừa phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Do đó, nếu người nước ngoài vào Việt Nam khai báo y tế bắt buộc không đúng theo quy định của Việt Nam về kiểm soát dịch bệnh thì sẽ phải chịu các hình thức xử phạt, thậm chí gây lây nhiễm trong cộng đồng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Các hãng hàng không của Việt Nam phải bắt buộc hành khách đeo khẩu trang từ khi ngồi trên máy bay cho đến khi vào Việt Nam và làm thủ tục nhập cảnh phải đeo khẩu trang. Với các hãng hàng không nước ngoài, phải có khuyến nghị mạnh mẽ. Theo đó, khi hành khách đã vào cảng hàng không làm thủ tục nhập cảnh, bắt buộc phải đeo khẩu trang. Các cảng hàng không sẽ phát khẩu trang miễn phí cho hành khách.
Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp quản lý chặt chẽ khách quá cảnh tại Việt Nam. Cụ thể, yêu cầu các cảng hàng không quốc tế bố trí khu riêng phục vụ khách quá cảnh. Trong thời gian chờ bay, hành khách nếu thuộc diện nghi ngờ, tuổi cao, có bệnh nền, người có triệu chứng dịch tễ tuyệt đối không được nhập cảnh. Các trường hợp còn lại muốn nhập cảnh phải khai báo y tế bắt buộc… Bộ Giao thông vận tải khuyến nghị, lái xe các phương tiện giao thông công cộng (đặc biệt là taxi) phải đeo khẩu trang, yêu cầu hành khách đeo khẩu trang.
Việt Nam quyết định tạm dừng thực hiện chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha, áp dụng từ 0h ngày 12/3. Việt Nam đã thông báo quyết định này cho các quốc gia nói trên và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức và đối tác quốc tế. Đây là những biện pháp tạm thời nhằm phòng chống, ngăn chặn sự bùng phát, lây lan dịch bệnh.
Về một số đặc điểm dịch Covid-19 tại Italia, Ban Chỉ đạo cho biết, trong số các trường hợp tử vong có 56% trên 80 tuổi, 67% mắc từ 3 bệnh lý nền trở lên. Italia đã xác định đồng thời có 4 biến chủng của virus SARS-CoV-2, khác với chủng của virus được xác định tại Vũ Hán, Trung Quốc. Bên cạnh đó, ghi nhận bệnh nhân số 17 từ Italia về Việt Nam và bệnh nhân số 20 lây nhiễm từ bệnh nhân số 17 có biểu hiện viêm phổi rõ nét (bao gồm viêm phổi kẽ), biểu hiện bệnh cũng nặng hơn so với bệnh nhân đến từ Anh (có triệu chứng mờ nhạt).
Hiện cơ quan chức năng đã có thông tin nơi ở/nơi lưu trú và lộ trình di chuyển của tất cả số hành khách (201 người) trên chuyến bay số hiệu VN0054 từ Anh (London) về Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 4 giờ 30 ngày 2/3. Đến 10/3, Việt Nam đã ghi nhận 13 ca dương tính với Covid-19 trên cùng chuyến bay này, trong đó: Khoang hạng C: 2 ca người Việt, 9 ca người nước ngoài; Khoang phổ thông: 2 ca người nước ngoài.
Kiên định cách ly tập trung 14 ngày
Ban Chỉ đạo thống nhất tiếp tục kiên định thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Ban Chỉ đạo đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn, tập huấn cụ thể cho các địa phương về việc giảm mật độ cách ly và tổ chức cách ly tại cộng đồng. Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về giảm mật độ cách ly. Theo đó người đang cách ly tập trung, sau 3 ngày cách ly tập trung đã xét nghiệm âm tính thì có thể chuyển về cách ly tại cộng đồng và giám sát chặt chẽ, đồng thời tiến hành lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo kiểm tra, giám sát người cách ly tại nhà.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 11/3, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 4 trường hợp xác định mắc Covid-19 đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Tại 11 bệnh viện trực thuộc Sở đã tiếp nhận 233 trường hợp tiếp xúc gần với ca dương tính từ các quận, huyện chuyển đến và những trường hợp có triệu chứng và có các yếu tố dịch tễ để cách ly. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tiến hành điều tra dịch tễ lập danh sách những người tiếp xúc gần (F1) với các bệnh nhân dương tính và những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2). Đến thời điểm hiện tại đã có danh sách F1 là 191 người và F2 là 569 người.
Theo kế hoạch của Sở Y tế Hà Nội, số giường bệnh điều trị cách ly hiện tại (theo cấp độ 1 và 2 dịch bệnh) của 41 bệnh viện công lập và 3 bệnh viện ngoài công lập trực thuộc ngành là 650 giường. Khi dịch bệnh ở cấp độ 3, số giường bố trí điều trị cách ly sẽ là 1.290 giường. Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn, ngành Y tế Hà Nội có thể bố trí đến 4.040 giường bệnh (50% số giường bệnh kế hoạch của các bệnh viện đa khoa).
Tối 11/3, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 có công văn gửi các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc cách ly, theo dõi sức khỏe với trường hợp có liên quan đến hành khách của Vietnam Airlines từ Anh về Việt Nam rạng sáng 2/3. Theo đó, đối với người tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính cách ly trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc.
Trong thời gian cách ly, cơ quan y tế tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm, theo dõi, giám sát sức khoẻ. Trong trường hợp xét nghiệm âm tính vẫn tiến hành cách ly cho đủ 14 ngày. Đối với người tiếp xúc với đối tượng nói trên, tức là không tiếp xúc trực tiếp/gần với người nhiễm bệnh, thì việc cách ly được thực hiện tại nhà cho đến khi người mình tiếp xúc có xét nghiệm âm tính.