Chôn lợn chết ngay trước sân nhà

Người dân vứt heo chết ở sông Nhạn
Người dân vứt heo chết ở sông Nhạn
TP - Dịch ASF lan rộng, nhiều nơi ở Đồng Nai, người dân mang lợn chết vứt ra bãi rác, sông, suối... khiến dịch bệnh đang mất kiểm soát. Thiếu đất để chôn lấp, nguy cơ mất vệ sinh và ô nhiễm nguồn nước cũng đang khiến người dân ở nông thôn lo lắng. 


Ông Nguyễn Văn Hải (47 tuổi, ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất), cho biết do không còn chỗ, gia đình ông phải chôn 17 con lợn chết do dịch ASF ngay trước sân nhà. Điểm chôn heo chết cách giếng nước chỉ vài mét. Ở nông thôn không có nước máy nên gia đình ông rất lo ngại về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. “Quy định là lợn dịch không được vận chuyển đi mà phải xử lý tiêu hủy tại chỗ. Dù đã thực hiện xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, nhưng vẫn lo lắm”- ông Hải nói. 

Trong khi nhiều người nan giải với việc thiếu đất chôn lấp lợn bệnh thì nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng lợn chết vứt bừa bãi khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh ngày càng cao. Tại sông Nhạn đoạn qua xã Lộ 25, huyện Thống Nhất liên tục xuất hiện tình trạng lợn chết được đổ xuống sông. Nhiều đoạn xác lợn vướng lại, trương sình bốc mùi. 

 Ông Lê Quang Thảo - Phó chủ tịch xã Lộ 25 xác nhận - tại địa phương có xảy ra tình trạng người dân vứt lợn chết bừa bãi. Theo ông Thảo lực lượng chức năng của địa phương đã phải trục vớt 9 con lợn chết và đem đi tiêu hủy đồng thời thực hiện các biện pháp vệ sinh khử trùng.
Khu vực rừng cây cao su cũng là địa điểm thường bị đổ trộm lợn chết. Công nhân cạo mủ cao su tại nông trường cao su Túc Trưng đã nhiều lần phát hiện hàng chục xác lợn thối vứt đầy trong lô cao su khiến họ phải thuê xe xúc vào lô, đào hố, xử lý chôn lấp. 

 Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất cho biết, việc người dân vứt xác lợn chết ra môi trường không chỉ gây khó khăn cho lực lượng chức năng và ô nhiễm môi trường mà nguy cơ bùng phát dịch bệnh càng nhanh, ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi khác.

Theo ông Tùng  qua xác minh, số lượng lợn bị vứt ra môi trường thường là lợn của các doanh nghiệp nước ngoài, các hộ nuôi gia công cho công ty. Bởi phần lớn số lợn của các doanh nghiệp lớn cũng như các hộ gia công đều có các ký hiệu dễ dàng nhận diện. “Theo quy định, những đối tượng trên không được nhận hỗ trợ thiệt hại của dịch tả lợn châu Phi nên rất có thể khi có lợn bị bệnh, những đối tượng này không báo với chính quyền địa phương mà tự tìm cách tiêu hủy”- ông Tùng nói.

Các đối tượng vứt xác lợn chết thường lợi dụng lúc đêm khuya, trời mưa lớn để hành động. Cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương rất khó bắt quả tang hay truy tìm thủ phạm. Theo Phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa Nguyễn Ngọc Liên, thời gian qua, tình trạng lợn chết thả trôi theo suối Cầu Quan, từ xã Bắc Sơn của huyện Trảng Bom về TP Biên Hòa xảy ra thường xuyên, gây không ít khó khăn cho địa phương trong công tác tiêu hủy, xử lý môi trường và ngăn chặn dịch ASF.

“Quy định là lợn dịch không được vận chuyển đi mà phải xử lý tiêu hủy tại chỗ. Dù đã thực hiện xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, nhưng vẫn lo lắm”- ông Hải nói. 



MỚI - NÓNG