Chờn chợn văn bia thời @

Chờn chợn văn bia thời @
TP - 1.Công trình tưởng niệm Hang Tám Cô trên đường 20 Quyết Thắng có một tấm bia lớn dựng tại đó. Lần ấy ghé thăm, tôi kính cẩn ngước lên những dòng quốc ngữ chĩnh chiện trên bia Đường 20 một Miếu khang trang/ Đỉnh Quyết Thắng trăm cờ khánh tiết/ Tưởng niệm những anh hùng xót thương bao nghĩa liệt/ Tuổi chẳng thọ nhưng huân công mãi trường tồn vv…

>Kỳ nhân Tây dịch Văn bia trên am Ngọa Vân
>Phát hiện bia đá cổ

Trong số khách tham quan, có tiếng xuýt xoa tấm tắc rằng lời văn bia nghe hoành tráng quá. Tôi cúi và lại gần hơn. Tác giả văn bia là Anh hùng Lao động thời Đổi mới GS Vũ Khiêu phụng soạn!

Anh bạn đồng nghiệp khoe thêm rằng GS là người nổi tiếng từng soạn nhiều văn bia ở các công trình tưởng niệm này khác...Nhưng giọng hơi ồn ào của mấy anh lính trẻ đã làm tôi cụt hứng.

Họ nói ngay với cái bác vừa xuýt xoa kia rằng, các bác biết khối đá khốn kiếp chặn cái hang này khiến các chị ấy phải chết tức tưởi. Theo cháu thì bia kia chỉ ghi vắn tắt mấy dòng mà ai cũng nhớ cũng thuộc được Mẹ ơi, Bầm ơi (vì có người quê ở miền trung du Phú Thọ mà) các anh ơi cứu chúng em với! Không thở được...

... Lúc rời khu tưởng niệm, không khí trên xe chợt ắng lặng. Ông bạn đồng hành (một tiến sĩ) thở dài buông câu nói chữ vị phi toàn phi (chưa hẳn đã hoàn toàn sai) rằng mấy cậu lính ấy nói nghe cũng có lý.

Thay vì những lời to tát hoành tráng kia nên mộc mạc đơn sơ nhưng sẽ nhói lòng bao thế hệ mai sau bằng ngay chính tiếng kêu tuyệt vọng của anh, các chị trong những ngày bi thương hấp hối ấy.

2.

Nếu du khách lâu lâu chưa về cố đô Hoa Lư đến trước Đền vua Đinh, vua Lê sẽ thấy khang khác bởi những khoảnh ruộng võng vãnh nước vào cữ thanh minh này chẳng còn xanh rờn sắc lúa xuân. Những khoảnh ruộng nay đã biến mất và thay bằng một khoảnh đất bằng và chĩnh chiện trên ấy là một nhà mái cong che tấm bia to tướng...

Những khoảnh ruộng trước vốn được ăn thông với con sông nhỏ Sào Khê. Sào Khê lại nhập với sông Hoàng Long. Hồi xa xưa có lẽ thuyền ngự của các vua đã từng soi bóng và áp sát bậc thềm rồng. Có cái tên Hoàng Long là thế! Khoảng đất nện rộng thênh có thời dùng làm sân vận động. Dân ở đây gọi là bãi hội.

Bãi hội là nơi tổ chức những cuộc mít tinh, làm bãi đậu xe. Nhà bia khá đồ sộ có những 16 chiếc cột bê tông phi 40 giả gỗ. Tấm bia đá cũng sừng sững khắc công tích của tiền nhân và việc dời đô.

Mải cúi ngó lướt nội dung cho đến dòng cuối Anh hùng lao động GS Vũ Khiêu phụng soạn tôi không để ý đến ông bạn Như Phong cùng đi đang mặn chuyện với mấy ông đứng tuổi chắc quê ở đây? Nhà báo, nhà văn Như Phong (chắc từng thạo thủy thổ vùng này) nói chả nên làm cái việc lấp ruộng trước Đền vua Đinh vua Lê để làm bãi hội mà khơi một cái hồ một thông với Sào Khê với sông Hoàng Long.

Có được một con hồ vừa giữ được hay mô phỏng được thế phong thủy hậu sơn tiên thủy thuở trước của hai ngôi Đền thiêng. Rồi du khách đến đây sẽ được ghé thuyền lên Đền như ngày xưa các vua và cả Lý Công Uẩn đã từng ghé! Hồ sẽ thả sen, súng cây trồng xung quanh thì tuyệt!

Không biết Như Phong nói trúng trúng trật trật đến đâu nhưng mấy cụ có vẻ hưởng ứng lắm. Một cụ nói ngay những việc ấy trên quyết cả, địa phương không được biết được quyết đâu các ông ạ!

Một cụ khác thở dài chép miệng rằng, nếu cái nhà bia kia chỉ chép cái việc ghi dấu tích Lý Công Uẩn dời đô cùng việc Ninh Bình đi lên công nghiệp và hiện đại hóa thì cơ man nào là vách đá dưới chân Mã Yên sơn ngay trước đền Vua Đinh kia, Ninh Bình thiếu chi thợ đục đá tài hoa, bạt ra một khoảng đá khắc chữ quốc ngữ hay chữ nho thì tùy!

Một ông trong đoàn nhanh nhẩu rằng cụ dạy chí phải! Nếu làm được vậy thì tấm bia rất tự nhiên, gần như thiên tạo sẽ cực ăn với cảnh quan nơi thắng tích này chứ nhà bia sừng sững thế kia ngó hơi bị chuế!

Tôi nghe vậy thì chỉ biết vậy!

3.

Núi Dũng Quyết Nghệ An từng được coi là huyệt đạo của Trời Nam. Huyệt đạo ấy nghe đâu từng bị Cao Biền trấn yểm, nơi mà sau này La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp bày cho Nguyễn Huệ Quang Trung xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô.

Đền thờ vua Quang Trung nằm trên đỉnh núi thứ hai, thuộc chi Phượng Dực, trên độ cao 97m so với mực nước biển, được khởi công xây dựng từ ngày 15-8-2005, đến ngày 7-5-2008 làm lễ khánh thành và mở hội phục vụ khách tham quan, là công trình kỉ niệm 220 năm Phượng Hoàng Trung đô.

Bia ghi thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Quang Trung trên núi Quyết
Bia ghi thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Quang Trung trên núi Quyết.

Trên Đền có tấm bia đá ghi sáu câu thơ lục bát của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hoàng đế Quang Trung được trích trong Diễn ca Lịch sử nước ta Bác viết năm 1941.

Nguyễn Huệ là kẻ phi thường/ Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu/ Ông đà chí cả mưu cao /Dân ta lại biết cùng nhau một lòng/Cho nên Tàu dẫu làm hung /Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà…

Nghe đâu có vài vị mũ cao áo dài cộng với mấy lần có du khách đến viếng Đền có thắc mắc, sao lại gọi Hoàng đế Quang Trung là “ kẻ’’?! Với lại mấy câu này hơi bị nôm na thế nào?

Cũng là để chiều lòng du khách nên có người (chưa rõ là có sự chỉ đạo của Ban quản lý di tích hay không?) đã làm thêm một phiên bản mới với nội dung khác chồng lên để xem coi phản ứng của du khách. Thời điểm ấy, Đền lại đặt một tấm bia mới, nội dung ca ngợi công đức Quang Trung cũng do Anh hùng lao động thời Đổi mới GS Vũ Khiêu phụng soạn.

Việc thử nghiệm ấy đã bị làn sóng phản đối dữ dội khắp trong Nam ngoài Bắc (nhất là dân Blog) Dư luận xôn xao rằng Nghệ An cả gan xóa thơ Bác Hồ!

Việc thử nghiệm phiên bản nói trên, sau một thời gian ngắn, may thay đã kịp chấm dứt.

Thời điểm ấy, tôi có việc đến chỗ nhà thơ Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Nhân ông vừa có chuyến vô Vinh, trao đổi lại thanh minh ấy của người nhà Đền thì ông Nguyên đỏ bừng mặt. Chất giọng ông oang oang rằng, trong 208 câu của bản diễn ca Lịch sử nước ta, Bác Hồ ba lần dùng chữ “kẻ”. Đầu tiên là với ông vua sáng lập nhà Lý: “Công Uẩn là kẻ phi thường”.

Y như câu cho Nguyễn Huệ. Bác Hồ chỉ dùng chữ “phi thường” cho hai nhân vật lịch sử này vì quả là họ phi thường thật: Lý Công Uẩn là người có nhãn quan chính trị lớn nên đã dời đô từ rừng núi về đồng bằng, mở đầu thời đại phát triển độc lập của quốc gia Đại Việt; Nguyễn Huệ là người có thiên tài quân sự đột biến trong lịch sử Việt Nam, đánh nhanh thắng nhanh, thần tốc, táo bạo.

Nói vậy để thấy Bác Hồ dùng chữ “kẻ” ở đây không hề là khinh xuất. Trước khi nói về Nguyễn Huệ, từ “kẻ” lại được Bác Hồ dùng để chỉ cả ba anh em nhà Tây Sơn: “Nguyễn Nam, Trịnh Bắc đánh nhau / Thấy dân cực khổ mà đau đớn lòng / Dân gian có kẻ anh hùng / Anh em Nguyễn Nhạc nổi vùng Tây Sơn”. Chữ “kẻ”, như thế, dưới ngòi bút của Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề là xách mé, tầm thường, mang nghĩa coi nhẹ nhân vật. Ngược lại, nó chỉ người đáng trọng, đáng kính. Như trong tên gọi “kẻ sĩ”. Như trong tục ngữ ai cũng biết: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Bác viết bài Diễn ca ấy thời điểm dân ta hơn 80% mù chữ, thất học, Bác muốn tuyên truyền tư tưởng cách mạng cho dân đã chọn cái cách sao cho họ dễ nhớ, dễ thuộc.

Đặc biệt khi nơi đầu tiên tuyên truyền cho dân lại ở vùng rừng núi. Bác đã trình bày những điều cao xa, sâu sắc bằng những ngôn từ giản dị, bằng lối nói khẩu ngữ để nhân dân thấy gần gũi, dễ hiểu mà đoạn trích về người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ trên đây là một thí dụ!

Bia với nội dung của Anh hùng GS Vũ Khiêu tại Đền Quang Trung trên núi Quyết
Bia với nội dung của Anh hùng GS Vũ Khiêu tại Đền Quang Trung trên núi Quyết.

Phần đang hứng, phần nữa cũng muốn tăng thêm khí thế cho nhà phê bình cùng đám bạn đi theo mặt mày hơi bị ủ dột tôi vớ lấy một bản in văn bia cố cất cao chất giọng thuốc lá đá thuốc lào Khuyến nông, trọng sĩ, phát triển công thương - Rèn tướng luyện quân, tăng cường võ bị/ Kinh bang tế thế, định bốn phương một hướng đi lên /An quốc hộ dân, lưu vạn đại trăm bài học quý /Một thời ngang dọc dưới trời Nam - Bao bận đi về trên đất Nghệ/ Quê xưa họ cũ uống nước nhớ nguồn - Người giỏi đất thiêng sâu tình nghĩa nặng/ Mậu Thân (1788) vừa hạ chiếu dựng Trung Đô/ Nhâm Tý (1792) đã băng hà rời cõi thế...

Mới đến chừng ấy, chưa kịp để người đọc có tý đắc ý nào, Phạm Xuân Nguyên đã phũ phàng ngăn lại, đai ra cái chất giọng Nghệ rằng, tôi không làm cái việc so sánh.

Trên bia cũ, bài thơ của Bác chỉ có sáu câu lục bát với 42 chữ. Bài văn bia của Anh hùng lao động GS Vũ Khiêu có 320 chữ (gớm cho cái lão này, làm sao mà lão nhớ lẹ thế?) hay dở chi thì thiên hạ còn có dịp bàn. Nhưng thiển ý của tôi là kẻ thức giả khi cho chữ để người ta khắc bia thì phải biết nó được bày được trưng ở đâu? Đặt ở nơi hoàn toàn mới hay lấy mới thay cũ? Lưu danh cùng hậu thế trên đá trên đồng thì là việc phải vô cùng cẩn trọng!

Tôi xen ngang nói rằng, địa phương đã tổ chức một cuộc thi hoành tráng để chọn lời văn bia, thì nhà phê bình văn học cộc lốc rằng tôi không biết!

Các cụ mình có câu khôn văn tế, dại văn bia. Văn tế tế xong, được hóa. Hay dở gì chỉ có quỷ thần chứng giám.

Còn văn bia với nhiệm vụ nhọc nhằn hơn với chức năng lưu danh cho hậu thế (phương danh lẫn xú danh - tiếng thơm cùng điều dở) cứ trưng chình ình ra hết đời này đến đời nọ trước sự soi chiếu của bàn dân thiên hạ lại càng cẩn trọng bội phần. Xưa đã thế và nay lại càng hơn thế!

Nhọc nhằn thay việc văn bia thời @. Chép lại 3 chuyện trên đây mà cứ thấy chờn chợn...

Tiết Thanh minh năm Thìn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.