Ngày 24/11/2016, NHCSXH đã ban hành văn bản số 4710/NHCS-TDNN về việc Hướng dẫn thực hiện cho vay bổ sung vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng vay vốn bị rủi ro do nguyên nhân khách quan.
Mục đích của văn bản này nhằm hướng dẫn cho các chi nhánh NHCSXH trên toàn quốc về thực hiện cho vay bổ sung vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh đối với những khách hàng vay vốn bị rủi ro do nguyên nhân khách quan như: thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn,…Theo đó, sẽ giúp cho các hộ vay vốn ở những vùng bị thiên tai, dịch bệnh…bị rủi ro có điều kiện khôi phục lại sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề, từ đó vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Theo văn bản hướng dẫn, Những khách hàng vay vốn từ các chương trình cho vay đang thực hiện tại NHCSXH để sản xuất, kinh doanh bị rủi ro do nguyên nhân khách quan được vay bổ sung vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Thứ nhất, Khách hàng vay vốn chương trình cho vay Hộ nghèo theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 316/NHCS-KH ngày 02/5/2003 của Tổng Giám đốc NHCSXH;
Thứ hai, Khách hàng vay vốn chương trình cho vay Hộ cận nghèo theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 1003/NHCS-TDNN ngày 12/4/2013 của Tổng Giám đốc NHCSXH;
Thứ ba, Khách hàng vay vốn chương trình cho vay Hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 2859/NHCS-TDNN ngày 13/8/2015 của Tổng Giám đốc NHCSXH.
Về Danh sách khách hàng vay vốn bị rủi ro do nguyên nhân khách quan được xem xét cho vay bổ sung vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh, gồm: Danh sách khách hàng vay vốn bị rủi ro đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt khoanh nợ; Đối với khách hàng có dư nợ mới bị thiệt hại: Khách hàng có mức độ thiệt hại được xem xét khoanh nợ theo quy định (hiện nay là từ 40% trở lên) và sử dụng vốn đúng mục đích.
Về mức cho vay tối đa, văn bản hướng dẫn quy định rõ, khách hàng có thể vay bổ sung vốn một hoặc nhiều lần nhưng mức dư nợ sau khi thực hiện cho vay bổ sung không vượt quá mức cho vay tối đa theo quy định của từng chương trình cho vay, không bao gồm dư nợ khoanh và dư nợ mới bị thiệt hại.
Một số trường hợp cụ thể được xử lý như sau:
Đối với trường hợp tại thời điểm xem xét cho vay, khách hàng vay vẫn thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách của chương trình cho vay có dư nợ bị thiệt hại thì mức dư nợ sau khi thực hiện cho vay bổ sung vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh không vượt quá mức cho vay tối đa theo quy định của chương trình, không bao gồm dư nợ đang được khoanh và dư nợ mới bị thiệt hại.
Đối với trường hợp tại thời điểm xem xét cho vay, khách hàng vay không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách của chương trình cho vay có dư nợ bị thiệt hại:
Khách hàng vay đã được khoanh nợ toàn bộ số dư nợ của chương trình cho vay có dư nợ bị thiệt hại thì mức dư nợ sau khi thực hiện cho vay bổ sung vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh không vượt quá mức cho vay tối đa của chương trình cho vay mới. Trong trường hợp này, hộ vay vừa có dư nợ khoanh ở chương trình cho vay cũ, vừa có dư nợ cho vay bổ sung vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh ở chương trình cho vay mới.
Khách hàng vay đã được khoanh một phần dư nợ của chương trình cho vay có dư nợ bị thiệt hại thì mức dư nợ sau khi thực hiện cho vay bổ sung vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh không vượt quá mức cho vay tối đa của chương trình cho vay mới trừ đi số dư nợ không được khoanh của chương trình cho vay cũ. Trường hợp này, hộ vay vừa có dư nợ của chương trình cho vay cũ (cả nợ khoanh và nợ không được khoanh), vừa có dư nợ của chương trình cho vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Đối tượng khách hàng được vay vốn, điều kiện cho vay, thủ tục và quy trình cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay, mục đích sử dụng vốn vay, phương thức cho vay, định kỳ hạn trả nợ, thu nợ, thu lãi, gia hạn nợ, xử lý nợ bị rủi ro, ... thực hiện theo quy định của từng chương trình cho vay.
Văn bản hướng dẫn có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2016.