Chợ tự phát nhộn nhịp sau giãn cách

0:00 / 0:00
0:00
Chợ tự phát lấn ra giữa đường buôn bán. Ảnh: U.P
Chợ tự phát lấn ra giữa đường buôn bán. Ảnh: U.P
TP - Trong khi nhiều chợ truyền thống vẫn chưa đủ điều kiện để mở lại sau thời gian TPHCM nới giãn cách, nhiều chợ tự phát mọc lên công khai, bày bán đủ loại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong phòng, chống dịch.

Bán công khai

Gần trưa 7/11, quanh khu vực cư xá Phú Lâm, đường Lý Chiêu Hoàng gần chợ Hồ Trọng Quý (quận 6), nhiều người bày thịt cá, rau củ, trái cây… ra giữa lòng đường chào mời khách mua. “Thịt heo 80.000 đồng/kg, cá tôm từ 70.000 đến 100.000 đồng/kg (tùy loại), bầu bí, mướp đồng giá 15.000 đồng… Mại dô! Mại dô!” - người bán liên tục chèo kéo khách gây ùn ứ cả đoạn đường dài.

Trên đường An Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân), hàng loạt xe bán hàng rong chất đầy thực phẩm chờ khách. Người đi đường chỉ cần tấp vào lựa mua, trả tiền. Khu chợ tự phát càng về trưa chiều càng nhộn nhịp. “Mua hàng rong cũng khá lo do nhiều thời điểm khách rất đông nhưng được cái nhanh gọn. Vào chợ ngoài phải có thẻ xanh, chúng tôi còn phải khai báo y tế, quẹt mã QR khá phức tạp với người lớn tuổi” - bà Thi (65 tuổi, ngụ chung cư Carina, quận Bình Tân) cho biết.

Điểm bán hàng khu cư xá Thanh Đa (gần chợ Thanh Đa, quận Bình Thạnh) luôn nhộn nhịp từ sáng đến trưa. Hàng hóa đựng ngay trong sọt để trên xe máy hoặc bày hẳn xuống đường, vừa không đảm bảo an toàn thực phẩm vừa không đảm bảo giãn cách phòng dịch. Thế nhưng, cảnh mua bán vẫn cứ diễn ra tấp nập từ nhiều ngày nay. Hoạt động mua bán tự phát xung quanh khu vực chợ Tân Mỹ (quận 7) cũng sôi động. Những người bán gà, vịt, rau củ vừa bán vừa canh chừng lực lượng chức năng đi kiểm tra.

Các chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Gò Vấp (quận Gò Vấp), Bình Tây (quận 6), Bến Thành (quận 1)... đều đã mở cửa hoạt động trở lại, tuy nhiên cả người bán, người mua đều thưa thớt. Bà Thu Lý, tiểu thương chợ Tân Định (quận 1) cho biết: “Chợ chỉ cho phép người có thẻ xanh mới được vào mua sắm, tiểu thương phải xét nghiệm COVID-19 hàng tuần nên nhiều người “né” bằng cách ra ngoài mua sắm, buôn bán. Chợ mở lại gần cả tháng rồi nhưng rất vắng khách, trong khi chợ cóc, chợ tự phát lại xôm tụ dù luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Rất mong Ban quản lý chợ và cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay với chợ tự phát, giúp bà con tiểu thương trong chợ yên tâm kinh doanh” - bà Lý nói.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Đỗ Quốc Tiến, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Bình Thới (quận 11) cho biết, số lượng tiểu thương tại chợ tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 đạt trên 96%, còn lại đang chờ tiêm mũi 2 khi đủ thời gian. Các khu kinh doanh đều trang bị màng che để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

“Hiện, sức mua của chợ đã giảm rất nhiều so với trước đây, một trong những nguyên nhân là do điểm kinh doanh tự phát xuất hiện nhiều, người mua hàng với tâm lý không cần phải kiểm tra chứng nhận đã tiêm vắc xin, không mất thời gian gửi xe, giao dịch nhanh nên họ chọn lựa mua ở những nơi buôn bán tự phát thay vì vào chợ ” - ông Tiến nói.

Ông Huỳnh Thanh Trường- Trưởng Ban quản lý chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) nhìn nhận: “Mặc dù chợ đã mở đồng loạt các ngành hàng, song vẫn còn nhiều hộ chưa đăng ký bán lại. Chưa kể, nhiều hộ mới ra bán vài ngày lại đóng cửa do chợ vắng khách, buôn bán ế ẩm. Do thực hiện tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19 và việc kiểm soát khách vào chợ nghiêm ngặt phần nào khiến khách ngại vào chợ. Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán tự phát xung quanh chợ cũng gây khó khăn cho tiểu thương bên trong, nhưng thẩm quyền giải quyết là của UBND phường, quận quản lý”.

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, việc tập trung đông người tại các chợ tự phát là điều đáng lo ngại với ngành y tế. Hiện nay TPHCM vẫn còn người trên 18 tuổi chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ngoài ra, người đã tiêm một mũi vắc xin được bảo vệ trước nguy cơ trở nặng, song không có nghĩa sẽ miễn nhiễm hay không thể lây nhiễm cho người khác. Do đó, việc tụ tập đông người, không tuân thủ đúng thông điệp 5K có thể sẽ phá vỡ nỗ lực chống dịch từ trước đến nay.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho biết, mua bán chui là hành vi vi phạm nên các địa phương có thể dựa vào bộ tiêu chí, quy định kinh doanh để xử lý.

Tuy vậy, bà Lan thừa nhận các quy định trong hoạt động mua bán hiện vẫn chưa được cụ thể, nhiều điểm còn chung chung gây khó cho cơ quan chức năng lẫn người kinh doanh. “Dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, đặc biệt trong môi trường kín như siêu thị, phòng lạnh, các điểm tập trung đông người... nguy cơ lây nhiễm sẽ ở mức cao hơn. Do đó, người dân cần ý thức, chấp hành các quy định như giãn cách, tổ chức, quản lý, và kiểm soát an toàn dịch bệnh trong mua bán”- bà Lan lưu ý.

Trên 150 chợ truyền thống được hoạt động trở lại

Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, tính đến hiện tại, đã có khoảng 150/234 chợ truyền thống được hoạt động trở lại. Lượng cung ứng hàng hóa cho thành phố đã ổn định với bình quân 6.500 tấn/ngày. “UBND thành phố đã yêu cầu các địa phương sớm mở lại chợ, đồng thời ngăn chặn tình trạng chợ tự phát, điểm bán tự phát xung quanh chợ. Chợ tự phát có nguy cơ lây nhiễm dịch rất cao và không kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm. UBND các quận, huyện phải có trách nhiệm dẹp chợ tự phát và điểm bán tự phát, còn ban quản lý chợ chỉ có trách nhiệm trong phạm vi chợ”, ông Tú cho hay.

MỚI - NÓNG