Chợ tranh tết Đông Hồ

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam giới thiệu bức tranh tết Bính Thân của gia đình.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam giới thiệu bức tranh tết Bính Thân của gia đình.
TP - Chợ tranh tết làng Đông Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) tồn tại đến giữa những năm 40 của thế kỷ trước thì lụi tàn, nhưng âm hưởng của nó đến nay vẫn được nhắc đến. Và những năm gần đây, người dân mua tranh Đông Hồ dịp tết đã ngày một nhiều hơn.

Về làng tranh Đông Hồ, tôi có dịp gặp nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, một nhân chứng hiếm hoi từng tham dự chợ tranh tết Đông Hồ nổi tiếng năm xưa. Nghệ nhân bồi hồi nhớ lại, vào dịp tết Ất Dậu 1945, khi mới 15 tuổi ông đã được bố mẹ sai gánh tranh ra chợ bán. Năm đó có nạn đói nên chợ tranh tết Đông Hồ bớt nhộn nhịp hơn trước. Nguyễn Hữu Sam không ngờ đó lại là chợ tranh tết cuối cùng của làng mình.

“Một năm sau, khi quân Pháp kéo lên bờ bên này sông Đuống, người dân làng Hồ phải lũ lượt gánh gồng di tản, chợ tranh tết qua đó cũng mất đi. Nhiều năm về sau, dù cuộc sống đã dễ thở hơn nhưng chưa năm nào làng tôi tổ chức lại được chợ tranh tết như xưa”- nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam nói đầy tiếc nuối.

Xưa kia, tranh Đông Hồ còn được gọi là tranh Tết. Ngày đó, cứ khoảng cuối tháng bảy đầu tháng tám hằng năm, cả làng Đông Hồ đã tất bật chuẩn bị cho mùa tranh tết. Tranh Đông Hồ được làm bằng những chất liệu có sẵn trong thiên nhiên, mang bản sắc văn hóa tao nhã của người Việt.

Tranh được in trên giấy dó, loại giấy làm từ cây dó, chất liệu giấy xốp nên dễ bắt màu, dễ hút và thoát ẩm. Giấy được quết một loại hỗn hợp từ vỏ con điệp và hồ nếp, tạo cho giấy có màu trắng với lấp lánh những mảnh điệp nhỏ, được gọi là giấy điệp. Các màu được lấy từ tự nhiên, như màu đỏ khai thác từ đất đá của đồi núi, màu vàng chắt lọc từ hoa hòe, màu xanh từ gỉ đồng, màu đen từ tro của lá tre, màu trằng từ vỏ con điệp. Các bản gỗ khắc tranh được làm bằng gỗ thị, một loại gỗ dai và quánh, khi khắc dù là những nét rất nhỏ cũng không bị vỡ.

Nhưng đáng kể hơn cả là nội dung các bức tranh Đông Hồ đã thể hiện được ý tứ sâu sa của cha ông được đúc kết từ cuộc sống. Những bức tranh con gà, đàn lợn, đám cưới chuột, chơi đu, đấu vật, bịt mắt bắt dê… hay các cặp tranh “Tiến tài - Tiến lộc”, “Vinh hoa - Phú quý” đều được những nghệ nhân Đông Hồ phản ánh sâu sắc và hóm hỉnh trong các bức tranh tết.

Chẳng thế mà cố thi sĩ Hoàng Cầm đã có câu thơ rất hay về dòng tranh này, gợi nên nét tươi mới của mùa xuân: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Nhà thơ Tú Xương cũng có câu thơ dí dỏm minh họa sinh động dòng tranh Đông Hồ trong dịp tết đến xuân về: “Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo Chuột/Lòe loẹt trên vách bức tranh Gà”.

Để có những bức tranh này, vào dịp tháng Chạp âm lịch hằng năm người làng Hồ bắt đầu tổ chức những buổi chợ chỉ để bán tranh. Khi đó, người dân khắp nơi không quản ngại đường sá xa xôi lũ lượt đổ về làng Hồ đông như hội. Chợ tranh tết làng Hồ nhộn nhịp kẻ bán người mua, không kể sang hèn, nhiều hay ít tiền. Hàng loạt bức tranh các loại được bày bán để mọi người mua về làm tranh treo tết.

Người dân tìm thấy ở tranh Đông Hồ những điều bình dị, ấm cúng trong đời sống hằng ngày nên muốn lưu giữ điều đó trong dịp tết. Tranh Đông Hồ dùng để dán trên tường khiến nhà như bừng sáng trong dịp tết đến xuân về. Nhiều ngày sau tết, người dân dần gỡ bỏ tranh cũ để mùa xuân năm sau lại mua tranh mới về dán. “Người dân mua tranh trong mỗi dịp tết không chỉ để làm đẹp nhà cửa, mà còn thể hiện ý nguyện của bản thân, của gia đình trong suốt một năm”- Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam cho biết.

Chợ tranh tết Đông Hồ ảnh 1

Tranh “Chợ tranh ngày tết”.

Chợ tranh tết Đông Hồ năm xưa giờ đã là quá khứ. Tuy nhiên, khi chợ tranh chưa thể (hoặc không thể) mở lại, thì những năm gần đây người dân bắt đầu về làng Hồ nhiều hơn để mua tranh trong dịp tết. Chị Nguyễn Thị Oanh, con dâu trưởng nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, vừa được công nhận là “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” cho biết: Những ngày cận Tết Nguyên đán và vài tháng sau tết, nhiều người đã đến gia đình mua tranh. Những bức tranh truyền thống như “Đàn gà”, “Lợn đàn”, “Đám cưới chuột”, “Vinh hoa - Phú quý”… được nhiều người chọn mua. Từ câu chuyện của bố chồng, chị Oanh cũng sáng tác thêm một số bức tranh mới như “Chợ tranh ngày tết”, “Hát thuyền”, “Chợ quê”… để làm phong phú thêm dòng tranh dân gian.

Bên cạnh đó, trước dịp tết những năm gần đây, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh cũng cho ra mắt những bức tranh Đông Hồ ứng với các con vật, như năm Bính Thân này là hai chú khỉ ngộ nghĩnh. Chị Oanh cho biết, để theo kịp cuộc sống hiện đại, gia đình không ngừng nâng cấp hình thức của tranh, làm cho mẫu mã tranh đẹp hơn thì mới thu hút được khách hàng. Tranh của gia đình chị được lồng trong khung kính, dán lên mặt tre, mặt trúc để tiện cho việc trang trí trong mỗi gia đình.

“Qua việc khách hàng đến mua tranh, tôi nhận thấy trong xã hội hiện đại, nhiều người lại thấy thích vẻ đẹp mộc mạc giản dị của tranh Đông Hồ nên chọn để chơi, nhất là vào dịp tết”- nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh cho biết.

MỚI - NÓNG