Ði mua ký ức
Sáng chủ nhật mỗi cuối tuần, phiên chợ quê (7 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1) lại bày những món hàng xinh xinh, độc lạ từ rau củ, hoa trái đến chiếc áo dài lụa “hiếm có, khó kiếm”.
Cẩn thận chất lên chiếc chõng tre gần chục ký ổi sẻ, saboche, dăm trái lê-ki-ma, mấy nải chuối, đặc biệt là rổ thanh trà vàng ươm, cô bán hàng có nụ cười tươi rói tên Lê vấn chiếc áo dài tím giới thiệu: “Trái cây ở đây đa số từ vườn nhà ở Đồng Nai và Bến Tre. Mình chở 2 chuyến xe từ hôm qua đến góp vào phiên chợ”.
Chị Lê cho biết, tham gia bán hàng ở phiên chợ quê này được 2 năm. Gọi là bán buôn nhưng vui là chính, chứ chẳng toán tính chuyện lời lỗ. Chị chân tình, do mình muốn đem vài món ăn vườn nhà trồng, không phân, thuốc chia lại cho chị em.
Nâng niu trái thanh trà nhỏ xíu bằng ngón tay út, chị Hoàng Mai (38 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) bồi hồi: “Đây là món ăn gắn với nhiều kỷ niệm tuổi thơ của mình khi còn ở An Giang. Khi có chồng về Sài Gòn, mỗi lần đến mùa, thanh trà vẫn thấy người bán bên đường nhưng trái to, lo phân, thuốc nên có thèm cũng chẳng dám mua. Từ lúc biết chợ quê này, gặp lại những món quà quê, với tôi như gặp lại tri kỷ”.
Lựa được bắp chuối tươi non, chục quả trứng gà so be bé, thêm vài bông hướng dương còn e ấp cho vào chiếc giỏ mây, chị Kim Trang (45 tuổi, nhân viên văn phòng Q.10) chưa vội về. Kéo chiếc ghế tre, mỗi lần ngồi xuống đứng lên lại phát âm thanh cót két, kêu đĩa bánh tằm, bánh chuối nước cốt dừa béo ngậy, bày trên chiếc đĩa sành có viền xanh xưa cũ, chị Trang thong thả tận hưởng cảm giác tuổi thơ. “Đến đây, tôi có cảm giác quen thuộc như hồi còn ở Bình Thuận. Mọi thứ gần gũi, nhẹ nhàng. Mấy món quê ăn ngon lắm, món Bắc - Trung - Nam có đủ. Tôi cứ mong đến cuối tuần để tới chợ mua vài thứ quen thuộc, ăn bữa sáng giản dị và ngắm nhìn mấy em nhỏ vui chơi. Vậy thôi mà thấy đời bình yên, thú vị!” - người phụ nữ trung niên bồi hồi.
Bạn trẻ tên Trần Thanh Nam (28 tuổi, ngụ Q.3) lần đầu đến phiên chợ, bộc bạch: Lâu lắm mới được ăn lại món bánh mì kẹp bột lọc, gói trong lá chuối nóng hổi. Cô chủ xúc từng cái bánh bột lọc nho nhỏ, mằn mặn do chính cô làm, rồi kẹp vô bánh mì làm nhân, thêm chút mắm chua cay. Vậy thôi mà ngon quên lối về! Tưởng món này chỉ có ở Đà Nẵng, Huế, không ngờ cô bán hàng giới thiệu đặc sản Phan Thiết làm mình rất bất ngờ.
Nghĩa tình phiên chợ
Dưới bóng đa cổ thụ tỏa bóng mát rượi, các cô bán hàng ở chợ quê đều mặc áo dài, áo bà ba, đội nón lá với nụ cười tỏa nắng. Góc này bày bán trái cây sạch theo mùa, góc kia thơm lừng mùi bánh khoai mì, bánh tráng mè nướng, bánh bèo, bánh lọc hay nước tắc, nước me… Chợ “nói không” với túi nilon. Rau củ gói trong lá, be bé, xinh xinh, cột bằng dây chuối. Khách tới chợ thường chuẩn bị sẵn giỏ tre, hộp trữ thực phẩm để đựng hàng đem về. Ai quên thì chủ sạp tặng túi giấy chứ không dùng túi xốp, bao nhựa.
Chợ còn có riêng những góc bày bán đồ mây tre lá, lụa Mã Châu hay áo dài cho người lớn, trẻ nhỏ. Còn có mấy đôi guốc mộc đủ màu, mấy bó đũa tre quen thuộc hay đồ dùng bằng gỗ đơn sơ. Có cả một sạp chuyên bán sách cho các bà mẹ và các em nhỏ. Sách cũ, mới đủ loại nhưng phần lớn là sách văn hóa, giáo dục. Vào những dịp lễ tết, chợ còn tổ chức chương trình dạy làm tò he, xếp lá dừa, làm tranh gạo; khi lại nghe nhạc cổ, tìm hiểu nghề gốm của đồng bào Chăm; xuôi về miền Trung nghe kể về nghề làm lụa; tìm hiểu về áo dài từ xưa đến nay…
Chợ quê giữa phố là dự án của Hội quán các bà mẹ tại TPHCM mở ra gần 3 năm nay, bán buôn từ 8h-12h mỗi Chủ nhật hàng tuần. Chợ không ồn ào, vội vã mà nhẹ nhàng, yên bình đúng nghĩa “chợ quê ký ức”. Sau phiên chợ, phần tiền lãi từ bán hàng sẽ được các bà mẹ tiểu thương nghiệp dư và đại diện Hội quán các bà mẹ đến các bệnh viện nhi, các hộ gia đình khó khăn trao tặng các phần quà, các suất bảo hiểm y tế... Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ cho biết: “Chợ bày bán các loại rau, quả dân dã, trái cây, bánh trái đã chế biến. Nhà nào có quà bánh, cây trái trồng được thì đem ra trao đổi, mua bán ở chợ. Các sản phẩm được bày bán ở đây đều đảm bảo nguồn gốc tự nhiên, không phun thuốc, không chất hoá học. Nguyên tắc của chị em chúng tôi không chỉ là tặng hàng trăm suất quà, phần quà mà chúng tôi mong muốn mang đến những “chiếc cần câu” cho những người thật sự cần để vươn lên trong cuộc sống”.
Ngoài việc bày bán những sản phẩm cây nhà lá vườn, chợ quê còn giới thiệu sản phẩm thủ công của các làng nghề truyền thống Việt Nam như: Lụa Mã Châu, đan tre Đồng Tháp, guốc mộc Bình Nhâm, gốm Bàu Trúc... Đây vốn là những sản phẩm chất lượng nhưng lại đang gặp khó khăn về đầu ra và được ít người tiêu dùng biết tới. Để lưu giữ và tạo thêm cơ hội cho các làng nghề truyền thống tồn tại, các chị trong Hội quán lặn lội tìm đến những làng nghề, chọn lựa và đưa sản phẩm về thành phố bày bán, trình diễn cả cách làm cho mọi người cùng trải nghiệm.
Trò chuyện với chị Thúy, mới thấy những sản phẩm bày bán ở phiên chợ là tâm huyết, đong đầy tình yêu thương. Như mấy tấm vải lụa may áo dài có nguồn gốc từ làng lụa Mã Châu. Chị Thúy kể từng đến đây nhiều lần tìm hiểu về công việc, về một làng nghề giờ không còn nhiều người biết đến. Hay như mấy cái giỏ lùng, giỏ làm bằng rễ tranh, cũng là chị Thúy và bạn của mình mang về trong một chuyến đi Cần Thơ, ghé thăm những người làm nghề ở đó, nghe câu chuyện của họ rồi lại tay xách nách mang mấy cái giỏ về Sài Gòn.