Bộ Tài chính “đòi” ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt:

Chờ phán quyết của Chính phủ?

VietinBank muốn trả cổ tức bằng cổ phiếu.
VietinBank muốn trả cổ tức bằng cổ phiếu.
TP - Trong khi Bộ Tài chính có công văn gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “đòi” BIDV và VietinBank trả cổ tức bằng tiền mặt, cả VietinBank và BIDV đều tha thiết xin giữ nguyên phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu. NHNN cho hay, sẽ trình lên và thực hiện theo phán quyết của Chính phủ.

Nhất quyết phải tăng vốn

Ngày 3/6, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Đức Thọ, tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) cho hay, đây là tình huống bất đắc dĩ và ngân hàng không còn cách nào khác bởi chắc chắn, VietinBank phải tăng vốn bằng cổ phiếu hoặc Nhà nước phải giảm tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng.

Ông Thọ nói: “Hiện VietinBank sử  dụng hết dư địa tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài và cổ đông chiến lược (trên 35%), vốn nhà nước đang nắm giữ tại VietinBank còn 64,46%. Tại đại hội cổ đông, chúng tôi đã nêu rõ vì sao VietinBank phải tăng vốn bằng cổ phiếu và được cổ đông hiện hữu, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài ủng hộ tới 99,9%. 

Nếu không tăng vốn, VietinBank không đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR (thước đo tỷ lệ an toàn của ngân hàng) theo quy định. Đồng nghĩa, chúng tôi không thể tăng tổng tài sản lên 15% và sẽ  không thể đáp ứng vốn cho nền kinh tế 20% như mục tiêu và mong muốn của NHNN và Chính phủ”.

Đại diện VietinBank cho biết, vừa chính thức gửi phương án trình bày cặn kẽ vấn đề với NHNN và Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu. “Chúng tôi muốn xin cơ quan chức năng giải quyết lần này như vậy. Còn về lâu dài, chúng tôi kiến nghị giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại ngân hàng và tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại lên, như vậy vừa đảm bảo nguồn lực tăng vốn, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách”, ông Thọ nói.

Là ngân hàng hiếm hoi năm nay chia cổ tức bằng tiền mặt, theo Chủ tịch Vietcombank- ông Nghiêm Xuân Thành, với 10% cổ tức năm nay Vietcombank sẽ nộp vào ngân sách 2.600 tỷ đồng (Nhà nước hiện sở hữu 77% vốn tại Vietcombank). “Chúng tôi biết ngân sách gặp khó ngay từ đầu năm cho nên mới không đề xuất trả cổ tức bằng cổ phiếu, dù thực tâm rất muốn. 

Tuy nhiên, cần hết sức thông cảm cho VietinBank, vì hiện tỷ lệ sở hữu nhà nước của họ đã đến giới hạn 65% rồi. Nếu không trả cổ tức bằng cổ phiếu thưởng, VietinBank sẽ không có cơ hội tăng vốn, và như vậy họ sẽ mất đi năng lực cạnh tranh và đáp ứng chuẩn mực quốc tế”, ông Thành nói.

Chờ phán quyết của Chính phủ

Ngày 2/6, tại phiên họp Chính phủ,  Phó Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi nhận kiến nghị của Bộ Tài chính, các đơn vị chức năng của NHNN đang xem xét đánh giá mặt thuận lợi của việc chuyển cổ tức vào ngân sách Nhà nước và khó khăn của các tổ chức tín dụng để đề xuất chính sách thực hiện. 

Theo bà Hồng, NHNN sẽ tìm phương án phù hợp với đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đã được Chính phủ thông qua và báo cáo Chính phủ về vấn đề này. Tuy nhiên, cùng thời điểm, một nguồn thông tin khác cho hay, NHNN  sẽ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ theo hướng: Nếu Thủ tướng chỉ thị NHNN thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính, NHNN sẽ chỉ đạo người đại diện vốn Nhà nước tại hai ngân hàng trên lấy ý kiến cổ đông về việc chia cổ tức bằng tiền mặt. 

Trước sự việc này, Công ty chứng khoán HSC phân tích: Cả BIDV và VietinBank đang cố gắng để tăng thêm vốn, nếu kế hoạch đó không thực hiện được, cả hai ngân hàng sẽ phải chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông nói chung chứ không phải chỉ riêng NHNN hay Bộ Tài chính. Điều này sẽ làm suy giảm hệ số CAR của mỗi ngân hàng từ 0,3% đến 0,4%. 

Do đó, việc tăng thêm vốn cấp một sẽ trở thành vấn đề thực sự cấp bách nếu các ngân hàng muốn duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Tuy nhiên, HSC cũng cho rằng: Bộ Tài chính đã tính toán khoản thu cổ tức tiền mặt này trong dự toán thu ngân sách năm 2016. Với tình hình ngân sách quốc gia đang hạn hẹp, Bộ Tài chính không sẵn sàng bỏ qua một khoản thu nhập như vậy.

Theo một chuyên gia, với việc thâm thủng ngân sách lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng hiện nay, thì dù chỉ thu được 100 tỷ đồng với Bộ Tài chính cũng là rất quý. “Trong lịch sử, mấy năm qua, người ta thường chỉ thấy Bộ Tài chính phải vay mượn tiền NHNN. Đây có lẽ là lần đặc biệt đầu tiên, khi Bộ Tài chính trong vai đi “đòi nợ”, vị này nói.

Theo tính toán, nếu BIDV và VietinBank chi trả cổ tức tiền mặt tương ứng với mức 8,5% và 8%, Bộ Tài chính sẽ thu về khoảng 2.700 tỷ đồng từ BIDV và 1.900 tỷ đồng từ VietinBank. Văn bản “đòi” tiền trên của Bộ Tài chính được đưa ra trong bối cảnh thu ngân sách 5 tháng mới đạt 34% dự toán và bội chi ngân sách ở mức cao: 66.400 tỷ đồng (tương đương 3 tỷ USD). 

Cùng ngày, trao đổi nhanh với PV Tiền Phong, một đại diện Tổng Công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, hiện đơn vị này mỗi năm đều nộp lại cho ngân sách Nhà nước khoảng 70% lợi nhuận từ nguồn thu cổ tức tiền mặt. Con số lên đến gần chục ngàn tỷ đồng và được Bộ Tài chính tiêu dùng ngay. 

MỚI - NÓNG
Tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên có 2.200 'tai, mắt' của công an nhân dân
Tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên có 2.200 'tai, mắt' của công an nhân dân
TPO - Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk tiếp tục quan tâm đầu tư, mua sắm, trang bị, bảo đảm các chế độ chính sách, mức hỗ trợ thường xuyên và bố trí địa điểm, nơi làm việc đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Xem đây là lực lượng “đồng hành”; là “tai, mắt”; là “cánh tay nối dài” của lực lượng công an nhân dân.