Kỳ 1: Nhập môn
Luật của chợ
8 giờ sáng, tôi vận chiếc áo Grab và quần bò bạc màu, cưỡi chiếc xe máy cũ đến khu vực vườn hoa Hà Đông, quận Hà Đông (TP Hà Nội). Tiết trời Hà Nội tháng 5 ngay đầu sáng đã oi nồng, nắng gắt. Nhóm lao động gần 30 người từ huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) đã có mặt ở đây từ lúc nào chờ việc.
Không có ai chú ý đến sự có mặt của tôi. Mọi người đang hướng ra đường, chờ đợi người đến thuê. Đa phần người đứng chờ việc ở đây thuộc lứa tuổi trung niên, có cả nam và nữ. Họ đứng, ngồi vạ vật trên yên xe máy, quanh quất nơi vỉa hè, gốc cây, khu đất trống… Khi thấy có người tà tà xe máy tiến lại gần, nhóm người nhao nhao chạy tới hỏi han. Có vài người ào đến, thỏa thuận xong giá cả, người được thuê nhanh chóng chuẩn bị đồ nghề, lên xe phóng theo với vẻ mặt hân hoan. Người bị từ chối hơi chưng hửng một chút rồi quay về chỗ cũ, tiếp tục chờ đợi.
Tôi không dám chen lấn, tranh giành mà chỉ đứng quan sát quá trình nhận việc, chia người. Thấy tôi lân la hồi lâu, một thanh niên chừng 35 tuổi bắt chuyện: “Chú mày làm gì ở đây?”. Tôi trả lời: “Em đến tìm việc”. “Mặt mũi sáng sủa thế này, sao chú em không kiếm việc gì mà làm, đứng đường tìm việc thế này khổ thân ra?”, anh ta hỏi.
Biết trước sẽ bị cánh thợ truy vấn như thế nên tôi nói bừa: “Em làm nhân viên môi giới bất động sản. Dịch COVID, công ty không bán được hàng, vừa giải thể. Vợ em mới đẻ, chưa xin được việc, em ra đây chạy xe ôm kiếm mấy đồng. Các anh có việc, cho em theo với”.
Anh ta chùng giọng: “Cũng khó đấy, đợt này dịch, ít việc, nhiều người cả tuần nay chưa có việc gì làm. Cứ chờ đấy, có việc gì phù hợp anh cho chú đi cùng, nhưng phải chăm chỉ, chịu khó”. Tôi gật đầu đồng ý.
Người đàn ông vừa hỏi han tôi tên Thuận, 30 tuổi đến từ Giao Thủy, Nam Định, hành nghề ở chợ lao động này được gần 8 năm. Công việc nặng nhọc, trông Thuận già so với tuổi.
Ngồi một lúc, Thuận chia sẻ: Dù là chợ lao động tự do nhưng vẫn phải có nguyên tắc. Nguyên tắc đó là “chợ họp theo quê”. Anh Thuận cho hay. Chợ Giảng Võ tập trung chủ yếu người đến từ Thái Bình, Thanh Hóa. Chợ cầu vượt Mỹ Đình, đa số là người của huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Chợ Long Biên, khu vực đầu mối hoa quả lớn, người lao động đến từ nhiều tỉnh khác nhau như: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Hưng Yên. Khu vực vườn hoa Hà Đông này thì gần như rặt dân Giao Thủy, Nam Định.
“Đây toàn người trong xóm, trong làng; có cả bố con, anh em, họ hàng. Người đi trước hướng dẫn người đi sau. Bọn anh đều đã làm lâu năm vì ở quê ít ruộng, thời gian nông nhàn nhiều, không có nghề phụ. Tuổi tác cũng không còn phù hợp với đi làm công nhân tại các khu công nghiệp”, Thuận nói và cho biết thêm, người cùng quê đứng một “chợ” có rất nhiều cái lợi như có thể chia sẻ công việc, bảo vệ, giúp đỡ nhau.
Thợ đụng -đụng đâu làm đó
Người lao động vạ vật chờ việc
Thuận kể, từ nhỏ được bố dạy cho nghề mộc. Tốt nghiệp cấp 3 xong, Thuận xin được một chân ở công ty sản xuất đồ gỗ ở Bắc Ninh. Mức lương khá cao, chế độ đãi ngộ hợp lý, nhưng do tuổi mới lớn, không chịu được cảnh gò bó, Thuận xin nghỉ việc.
Khăn gói đến Hà Nội, Thuận học bằng lái, mua ô tô hành nghề taxi. Dù vậy, chỉ sau một năm, nhận thấy đây không phải nghề mình yêu thích. Cố thêm một thời gian, cậu quyết định bán xe, lỗ gần 100 triệu đồng. Thuận lại bỏ nghề. Chán cảnh làm thuê, Thuận về quê cưới vợ. Công việc làm đồng không có thu nhập, cậu lại theo những cô, chú trong làng lên Hà Nội, gia nhập chợ lao động này.
Theo Thuận, là lao động tự do nên từ bốc vác, phá dỡ nhà, cắt cỏ, tỉa cây đến dọn dẹp nhà cửa hay xe ôm… họ đều làm, miễn là không phạm pháp. Thuận khoe: “Hà Nội, người ta có điều kiện, đập nhà cũ, xây nhà mới liên tục. Có những đợt, nhất là gần cuối năm, bọn anh đi “phá nhà” liên tục. Mỗi ngày kiếm được năm, bảy trăm nghìn, có khi cả triệu. Mệt nhưng kiếm được tiền gửi về quê nên ai cũng cố”, Thuận nói.
Cuộc sống khó khăn, nhưng các lao động tự do rất đoàn kết. Họ thường tập trung từ 30 đến 50 người, hầu như không bao giờ cãi vã, tranh giành khách của nhau. Thuận cho biết, cả nhóm quy định, trong một ngày, ai cũng cần được phân công để có việc làm, để vừa giữ được sức, vừa không mất lòng người thuê.
Công việc nặng nhọc sẽ được người trẻ, có sức khỏe nhận làm, còn việc nhẹ, những người cao tuổi sẽ đảm nhận, nhưng thù lao không chênh nhau nhiều. Chính điều này giúp những lao động nữ, dù tuổi đã cao vẫn có đủ tiền thuê trọ, cơm ăn và gửi một ít về nhà trang trải cuộc sống.
Nghe chúng tôi tâm sự, người phụ nữ bên cạnh, tên Thanh, cùng làng với Thuận góp chuyện: “Trước dịch, công việc khá đều. Thời buổi bây giờ khó khăn hơn, cứ nghệch mặt ra đường nhưng chẳng mấy ai thèm gọi”.
Ngồi đến gần hết buổi sáng, nhưng người đến thuê việc đếm trên đầu ngón tay. Thấy tôi nóng ruột, Thuận trấn an: “Phải kiên nhẫn, cứ ngồi nói chuyện, chán thì lấy điện thoại xem phim, biết chơi cờ tướng thì “chiến” với mấy anh ngồi trong kia”.
Một lát sau, tôi nhận một cuốc xe ôm của người qua đường để kiếm bữa trưa. Trước khi đi, tôi để lại cho Thuận số điện thoại và dặn với: “Khi nào cần người, anh ới em một tiếng, em sẽ có mặt ngay”. Sau đó, tôi đã nhận được cuộc gọi giao việc của “người anh em” chợ người này.
Chủ động được thời gian, thu nhập trung bình không thua kém nghề giúp việc, bảo vệ nên họ vẫn bám trụ tại các chợ lao động. “Công việc ngày có, ngày không, ngày ít ngày nhiều nhưng vẫn đủ sống. Một giờ công lao động được trả 60 nghìn đồng. Nếu làm công việc nặng nhọc thì người thuê trả cho 80 nghìn đồng/giờ. Nếu chăm chỉ và có việc đều, một ngày, trung bình tôi cũng kiếm được 400 nghìn đồng. Trừ các chi phí thuê trọ, ăn uống cũng gửi về quê được khoảng 7 đến 8 triệu đồng mỗi tháng”, Thuận nói.
(Còn nữa)