Chợ chim họp vào những buổi sáng các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 (âm lịch), thu hút rất nhiều người bán tới từ các tỉnh quanh Hà Nội, gồm Bắc Giang, Hải Dương… và những vùng đất nổi tiếng với nhiều loài chim cu gáy, họa mi như Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Nguyên. Vào những ngày họp chợ, nơi đây rất đông vui. Tiếng chim hót râm ran và giọng người chào mời, mặc cả làm rộn rã cả một đoạn đường.
Chợ chủ yếu bán những loại chim “mộc”, nghĩa là chim non chưa biết hót về nuôi, giá khoảng 70.000 - 200.000 đồng.
Một con chim “mộc” mới ra tổ, sau 2 – 3 tháng chăm sóc là có thể bắt đầu cất tiếng hót . Thường tuổi lồng (tuổi chim) từ 2 năm trở lên. Qua chăm sóc, tập luyện, tiếng hót của chim mới vọng và vang.
Góc chim họa mi luôn đông với những chiếc lồng chất chồng lên nhau, cao đến quá đầu. Người mua ngồi chọn hàng giờ để tìm con chim ưng ý.
Ngoài giọng hót, yếu tố ngoại hình cũng góp phần quyết định khách mua hay không.
Nhiều người đi chợ để tìm mua một chú chim ưng ý, nhưng cũng có không ít du khách đến chỉ để ngắm nhìn vẻ đẹp cũng như thưởng thức tiếng hót của chúng. Trong chợ có một góc cho hội chơi chim ngồi ngắm và chia sẻ kinh nghiệm nuôi.
Chim ở đây được nhập chủ yếu từ miền núi phía bắc, hoặc do chính những người bán trực tiếp bẫy được.
Chim cu gáy nổi tiếng nhất ở vùng Phú Thọ. Tuy nhiên, chợ chim Hoàng Hoa Thám có nhiều loại cu gáy chuyển ra từ miền nam hoặc nhập về từ Trung Quốc.
Không chỉ có chim, chợ còn bán nhiều thức ăn cho loài động vật cảnh này, từ bột cám công nghiệp tới sâu, cào cào, châu chấu. Những con chim non thường ăn các loại côn trùng, sau đó sẽ dần dần trộn chung với cám để luyện cho quen. Nhiều loại cám bày bán ở chợ được sản xuất riêng ra cho từng loại chim.
Ngoài ra, chợ còn bán lồng chim bằng sắt, gỗ, tre… đủ màu sắc, kích cỡ, giá tiền trung bình từ 200.000 đến 500.000 đồng một chiếc. Còn những chiếc lồng giá tiền triệu thường bán ở cửa hàng cạnh chân cầu Văn Cao.