Chờ bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cơ cấu lại nền kinh tế là nội dung lớn, quan trọng và cấp bách đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Chính phủ đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn 2021-2025.

Theo kế hoạch đặt ra, hướng đến chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và mạnh mẽ cơ cấu lại các ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ, cơ cấu lại không gian kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ở các đô thị lớn, kết nối vùng…là những điểm đột phá sẽ được tập trung hướng tới để tạo sự bứt phá cho quốc gia.

Thực tế cho thấy, Chính phủ, các tổ chức quốc tế những năm gần đây cũng đã nhắc nhiều đến việc Việt Nam cần có sự đột phá về cải cách thể chế, quản trị quốc gia để hướng tới trở thành một quốc gia phát triển. Tuy nhiên, những đầu việc đặt ra thì nhiều nhưng sự dịch chuyển lại khá chậm, từ việc đổi mới mô hình tăng trưởng đến tăng năng suất lao động…những nút thắt mà cả chục năm qua vẫn luôn được nhắc đến.

Việc Quốc hội mới đây ban hành Nghị quyết và có mục tiêu hướng tới là đạt 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 cũng cho thấy quyết tâm chuyển mình khá rõ. Nhưng việc làm ra sao, triển khai thế nào, cần bao nhiêu nguồn lực trong nước, cần cơ chế đột phá ra sao lại là câu chuyện then chốt nhất lúc này. Có điều khá chắc chắn là các kế hoạch đặt ra sẽ không đi đến đâu nếu những khó khăn nội tại của doanh nghiệp không được giải quyết.

Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam và kéo dài mới chỉ vài tháng nhưng để lại những hệ lụy được dự báo đến cuối 2022 cũng chưa khắc phục được hết. Những làn sóng công nhân đổ xô về quê tránh dịch và việc hàng chục nghìn doanh nghiệp trong đủ mọi lĩnh vực phải đóng cửa mỗi tháng trong những tháng căng thẳng nhất cho thấy sự mong manh, yếu ớt chưa từng được nhìn thấy của nền kinh tế. Cái giá phải trả sau đóng cửa kéo dài hoặc yếu ớt vận hành theo kiểu “cầm cự qua ngày” của doanh nghiệp Việt sẽ không dễ giải quyết trong ngày một ngày hai.

Các số liệu thống kê cập nhật mới nhất cho thấy, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, thành lập mới đang tích cực trở lại. Nhưng kinh doanh không chỉ tính bằng con số. Đến nay chưa có bất cứ con số thống kê nào cho thấy các doanh nghiệp phải dừng hoạt động, đóng cửa đang nợ ngân hàng thêm bao nhiêu sau dịch, nợ xấu thực tế của ngân hàng đã tăng lên bao nhiêu và khả năng trả nợ ra sao. Mất hợp đồng, mất bạn hàng truyền thống vì đứt gãy sản xuất, việc cạnh tranh khắc nghiệt hơn, đặc biệt không còn “của để dành” để làm lại từ đầu sẽ là những gánh nặng rất lớn trong lúc này.

Sự vận động của nền kinh tế trước sau cũng sẽ phục hồi trở lại dù chịu tác động ra sao. Tuy nhiên, chấp nhận cái giá phải trả cho việc phục hồi như thế nào sẽ là thách thức lớn với những người hoạch định chính sách lúc này.

Có lẽ việc bắt tay nghiên cứu một cách bài bản về những tác động của nền kinh tế sẽ cần thiết hơn lúc này. Nền kinh tế khó có thể thay đổi nếu các chính sách ban hành ra không phát huy hiệu quả. Thậm chí, sẽ còn để lại hậu quả nặng nề. Các chính sách càng sớm ban hành, doanh nghiệp càng có cơ hội phục hồi và phát triển.

MỚI - NÓNG