Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” xác định mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn...
Biệt thự có kiến trúc kiểu Pháp tại 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) sẽ được thành phố Hà Nội cải tạo, bảo tồn. Ảnh: Duy Phạm |
Trong đó, mục tiêu tổng quát đề ra, đó là: Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững. Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Bảo đảm tính bền vững của quá trình đô thị hóa, giải quyết được những vấn đề thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị.
Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, 19 tiêu chí của chương trình đã được triển khai quyết liệt. Trong đó, chỉ tiêu “Hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với 5 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng” và “Hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại” được các tổ công tác bám sát đôn đốc thực hiện. Riêng chỉ tiêu “Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố” được UBND các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Hà Đông triển khai thủ tục để cải tạo 10 vườn hoa trên địa bàn...
Đáng lưu ý, chỉ tiêu “Chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954” được rà soát, kiểm tra và lựa chọn 30 biệt thự cũ do thành phố quản lý, 50 biệt thự cũ do Trung ương quản lý và 12 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn.
Đến nay, một số cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng đã được ban hành làm cơ sở để triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình như: Chương trình phát triển nhà ở; Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông. Một số chỉ tiêu đã có chuyển biến tích cực so với 3 tháng đầu năm 2022 như: Tỷ lệ phủ mạng nước sạch tại khu vực nông thôn; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng.
Những tháng cuối năm 2022, BCĐ Chương trình xác định tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình; công tác phổ biến, tuyên truyền; tập trung thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình; xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp quy thuộc thẩm quyền ban hành của thành phố và các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án của Chương trình; triển khai thực hiện các công trình, dự án ưu tiên đầu tư của Chương trình…
Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các quận, huyện quyết tâm cùng vào cuộc với Sở Xây dựng để Chương trình đạt kết quả cao, mang tính lan tỏa. Mặt khác, các quận, huyện nên có đăng ký rõ kết quả, tiến độ hoàn thành, làm cơ sở cho việc kiểm đếm sau này được thuận lợi.