Chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển kinh tế vùng miền núi ở Thanh Hóa

TP - Với chính sách hỗ trợ phù hợp, thiết thực, hiệu quả đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực miền núi xứ Thanh từng bước bứt phá đi lên.
Chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển kinh tế vùng miền núi ở Thanh Hóa ảnh 1
UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 7/2024 nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội; thảo luận, quyết định các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội tháng 8/2024 và một số nội dung quan trọng khác

Trong giai đoạn 2011-2023, tỉnh Thanh Hoá đã ban hành cơ chế, chính sách riêng để hỗ trợ khu vực miền núi. Cụ thể như: Đề án “Xây dựng điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020”; Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2020; Đề án phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế phát triển trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Đề án ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025... Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành trong tỉnh Thanh Hoá cũng đã chung tay giúp đỡ các huyện miền núi xây dựng các chương trình, đề án, dự án về hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường, lớp học, cơ sở y tế, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm...

Điển hình, huyện nghèo Mường Lát của tỉnh Thanh Hoá có gần 800ha lúa nước. Hiện nay, huyện quy hoạch khoảng 500ha để trồng lúa nếp Cay Nọi, tập trung ở 2 xã Quang Chiểu và Mường Chanh. Năm 2021, gạo nếp đặc sản Cay Nọi của huyện đã được công nhận OCOP 3 sao. Để phát triển đặc sản này, huyện Mường Lát đang có chính sách hỗ trợ người dân xây dựng mô hình “Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo nếp Cay Nọi an toàn” nhằm giúp sản phẩm “có chỗ đứng” trên thị trường.

Từ năm 2018 đến nay, bằng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện Mường Lát đã triển khai hơn 100 dự án, mô hình sản xuất về chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp. Các dự án đã hỗ trợ hàng nghìn con giống gia súc, gia cầm, như trâu, bò sinh sản, lợn, gà và các loại giống cây trồng như cam, đào lai, khoai sọ, mận hậu, vầu đắng... Huyện Mường Lát cũng ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, huyện xây dựng mô hình sản xuất theo hướng liên kết giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, gắn với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở hài hòa lợi ích “5 nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp); khuyến khích, hỗ trợ nhân dân chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại; phát triển lâm nghiệp theo hướng tăng diện tích rừng kinh tế, giảm diện tích rừng sinh khối, tăng diện tích rừng gỗ lớn để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân...

Chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển kinh tế vùng miền núi ở Thanh Hóa ảnh 2
Người dân ở bản Bàn, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát thu hoạch lúa nếp Cay Nọi

Bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Mường Lát đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 (chuẩn mới) là 56,18%; hộ cận nghèo là 12,64%; có trên 45.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn được hỗ trợ làm nhà ở; hơn 80% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm thôn, bản; 100% các xã có đường giao thông đến trung tâm xã được thảm nhựa và bê tông hóa; gần 14.000 hộ chuyển đổi ngành nghề; xây dựng và đưa vào sử dụng trên 3.000 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, 22 trung tâm cụm xã, trên 200 công trình nước sinh hoạt tập trung thôn, bản...

Không chỉ huyện Mường Lát, nhiều địa phương khu vực miền núi trong tỉnh Thanh Hóa cũng đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, thiết thực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày một phát triển.

MỚI - NÓNG