Chính sách của Mỹ hậu bầu cử sẽ thế nào?

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và đối thủ Joe Biden. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và đối thủ Joe Biden. Ảnh: Getty Images
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 2/11, GS Carlyle Thayer, ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, đưa ra những nhận định riêng của ông về quan hệ Việt-Mỹ, chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và căng thẳng Mỹ-Trung sau bầu cử tổng thống Mỹ.  

Ông dự đoán gì về quan hệ Việt-Mỹ sau bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3/11?

Nếu ông Donald Trump tái đắc cử, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ sẽ tiếp tục tác động tiêu cực tới quan hệ song phương. Dưới thời của Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ có thể gây áp lực với Việt Nam về một số vấn đề về cáo buộc thao túng tiền tệ, xuất khẩu gỗ. Về phần mình, Việt Nam sẽ tiếp tục vận động để Mỹ khôi phục địa vị nước đang phát triển, dỡ bỏ mức thuế cao đối với cá da trơn, tôm, nhôm và thép, và công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Chính quyền của ông Trump sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chống đại dịch COVID-19 và nâng cao năng lực an ninh biển ở biển Đông.

Nếu ông Joe Biden được bầu làm tổng thống, quan hệ song phương sẽ tiếp nối theo thỏa thuận về đối tác toàn diện được xây dựng dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama. Các vấn đề thương mại vẫn sẽ quan trọng, nhưng chính quyền của ông Biden nhiều khả năng sẽ không mạnh tay với Việt Nam như chính quyền của ông Trump.

Xử lý các vấn đề kinh tế-thương mại gai góc

Theo ông, vấn đề thương mại Việt-Mỹ có được coi là quan trọng hay không dù sắp tới ông Trump hay Biden lên làm tổng thống Mỹ?

Cuối tháng 10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến thăm bất ngờ tới Việt Nam. Theo tôi, có 3 diễn biến quan trọng đáng ghi nhận. Thứ nhất, cả hai bên kiềm chế việc đề cập Trung Quốc trong các thông báo chính thức về nội dung các cuộc họp song phương. Tham chiếu tới vấn đề biển Đông. Nhưng trọng tâm lại là về thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, chứ không phải một liên minh các quốc gia cùng chí hướng làm việc trong khuôn khổ đối tác với Mỹ. Thứ hai, hợp tác an ninh song phương ở biển Đông và Hạ vùng sông Mekong là một diễn biến mới và diễn biến này dựa trên sự gắn bó hiện nay giữa các cơ quan an ninh của hai nước. Thứ ba, hai bên nhất trí xử lý các vấn đề gai góc trong quan hệ kinh tế-thương mại song phương, như xuất siêu của Việt Nam... Ngày 26/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Adam Boehler, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ, nói rằng Việt Nam không sử dụng chính sách tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh trong thương mại quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ông Boehler chuyển lời tới Tổng thống Donald Trump và Đại diện Thương mại Mỹ rằng, Mỹ cần đánh giá khách quan hơn về tình hình thực tế ở Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam có thặng dư thương mại với Mỹ.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh kêu gọi hai bên thực hiện có hiệu quả chương trình hành động nhằm đạt được sự cân bằng bền vững trong thương mại và tái khẳng định rằng, Việt Nam cam kết tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Mỹ hoạt động thành công ở Việt Nam về lâu về dài.

Một ngày trước khi ông Pompeo tới Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam đạt được 7 thỏa thuận hoặc biên bản ghi nhớ. Đó là cơ sở lưu trữ khí tự nhiên hóa lỏng 1,4 tỷ USD ở tỉnh Bình Thuận, biên bản ghi nhớ phát triển nhà máy điện khí ở tỉnh Long An, biên bản ghi nhớ phát triển dự án điện chạy bằng khí tự nhiên hóa lỏng ở thành phố Hải Phòng, chuyển giao công nghệ để hiện đại hóa lưới điện Việt Nam, cung ứng ethanol để làm nhiên liệu và xuất khẩu 500 triệu USD thịt lợn sang Việt Nam trong 3 năm.

Các thỏa thuận về xuất khẩu hàng tỷ USD khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ sang Việt Nam là một bước phát triển lớn và điều này sẽ tác động tới cân bằng thương mại.

Sau bầu cử tổng thống Mỹ, chính sách của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ thay đổi như thế nào, theo ông?

Nếu ông Joe Biden được bầu làm tổng thống, chính quyền của ông nói chung sẽ theo các chiến lược đã được vạch ra trong Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ (2017),  Chiến lược Quốc phòng Mỹ (2018) và Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được chính quyền Donald Trump phê chuẩn. Các chiến lược này là sản phẩm của một tiến trình liên cơ quan, toàn chính phủ liên quan các chuyên gia về an ninh quốc gia và quốc phòng. Các chiến lược này xác định Trung Quốc và Nga là đối thủ cạnh tranh. Dưới thời ông Trump, các chính sách quốc gia này chịu sự can thiệp của ông ấy và thường được thực hiện mà không có sự điều phối. Nói cách khác, chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Trump đi theo những ý tưởng bất chợt và ý kiến riêng của tổng thống. Chính quyền của ông Biden sẽ tuân theo luật pháp Mỹ, xem xét các chính sách này, và trình bày chúng trước Quốc hội. Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng, cố vấn an ninh quốc gia dưới thời ông Biden sẽ thực hiện các chính sách này. Hội đồng An ninh quốc gia sẽ họp thường xuyên để điều phối việc thực hiện chính sách.

Nếu ông Donald Trump tái đắc cử, chính sách của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ thất thường và mang tính giao dịch.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.