Mullah Mohammad Hassan Akhund, người đồng sáng lập kiêm người đứng đầu hội đồng lãnh đạo của Taliban, đã được bổ nhiệm làm quyền Thủ tướng Afghanistan trong cuộc họp hôm thứ Ba, 7/9.
Mullah Abdul Ghani Baradar, người được coi là thủ lĩnh trên thực tế của nhóm chiến binh, được bổ nhiệm làm quyền Phó Thủ tướng.
Akhund bị Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và Anh coi là phần tử khủng bố. Nhiều thành viên của chính phủ Taliban, bao gồm cả Akhund, nằm trong danh sách trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Baradar từng bị Mỹ truy lùng trước khi bị chính quyền Pakistan bắt và bỏ tù. Sau 8 năm ngồi tù ở Pakistan, Baradar được trả tự do vào năm 2018. Hai năm sau đó, Baradar làm nên lịch sử khi trở thành thủ lĩnh Taliban đầu tiên đối thoại trực tiếp với tổng thống Mỹ (thời điểm đó là ông Donald Trump) sau khi ký thỏa thuận hòa bình với Washington.
Ngoài Akhund và Baradar, Sirajuddin Haqqani - quyền Bộ trưởng Nội vụ của Afghanistan cũng là một nhân vật gây chú ý. Haqqani bị chính quyền Mỹ coi là một phần tử khủng bố quốc tế. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) treo thưởng lên tới 5 triệu USD cho người cung cấp thông tin có thể giúp Mỹ bắt giữ Haqqani.
Haqqani bị truy nã liên quan đến vụ tấn công một khách sạn ở Kabul năm 2008, khiến 6 người thiệt mạng, trong đó có một công dân Mỹ. Haqqani cũng bị cáo buộc đã tham gia vào các cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào lực lượng Mỹ và liên quân ở Afghanistan, đồng thời bị cáo buộc âm mưu ám sát cựu Tổng thống Afghanistan - Hamid Karzai vào năm 2008.
Mullah Yaqoob, con trai người sáng lập Taliban Mullah Mohammed Omar, được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng. Bất chấp dòng dõi của mình, Yaqoob được phương Tây coi là người khá ôn hòa và ủng hộ việc kết thúc cuộc xung đột kéo dài 20 năm ở Afghanistan bằng đàm phán.
Quyền Bộ trưởng Ngoại giao và quyền Thứ trưởng Ngoại giao Amir Khan Muttaqi và Abas Stanikzai đều đã được phương Tây biết đến sau khi tham gia các cuộc đàm phán hòa bình ở Qatar vào năm ngoái. Đặc biệt, Stanikzai đã công khai ủng hộ mối quan hệ thân ái với Washington.
Việc Taliban thành lập chính phủ mới diễn ra một tuần sau khi những người lính Mỹ cuối cùng rời Kabul (ngày 30/8), và gần một tháng sau khi Kabul rơi vào tay nhóm chiến binh Hồi giáo (ngày 15/8).
Mặc dù Mỹ không còn nhà ngoại giao nào ở Afghanistan, nhưng Washington sẽ đàm phán với Taliban và thúc giục những nhà cầm quyền mới của Afghanistan bảo vệ quyền của phụ nữ và các nhóm thiểu số tôn giáo, Ngoại trưởng Tony Blinken nói trong một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao hôm thứ Sáu tuần trước. Blinken nhấn mạnh Mỹ sẽ sử dụng tất cả các “đòn bẩy” có thể để định hình hành vi của Taliban.