Chính phủ Mỹ đóng cửa, ai chiến thắng?

Chính phủ Mỹ đóng cửa, ai chiến thắng?
Việc Quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận ngân sách, đẩy Chính phủ Mỹ vào cảnh phải ngừng hoạt động, có thể tạm coi là kết thúc một cuộc chiến mà vòng nguyệt quế cho người chiến thắng vẫn chưa biết trao cho ai.

> Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động

Lần đầu tiên kể từ sự cố tương tự vào đầu năm 1996, nước Mỹ lại phải trải qua những giờ phút tồi tệ, mà bước đi tiếp theo như thế nào vẫn chưa rõ ràng - Ảnh: Bloomberg
Lần đầu tiên kể từ sự cố tương tự vào đầu năm 1996, nước Mỹ lại phải trải qua những giờ phút tồi tệ, mà bước đi tiếp theo như thế nào vẫn chưa rõ ràng - Ảnh: Bloomberg.

Theo hãng tin BBC, Nhà Trắng đã thông báo tới các cơ quan liên bang “đóng cửa một cách trật tự”. “Các cơ quan chính phủ liên bang ngay lập tức phải lên kế hoạch đóng cửa do thiếu ngân sách phân bổ”, người đứng đầu Văn phòng quản lý về ngân sách của Nhà Trắng, Sylvia Mathews Burwell, cho biết trong một tuyên bố đưa ra chỉ 10 phút trước khi thời hạn cuối cùng đang dần trôi qua.

Và như vậy, sau một ngày chờ đợi căng thẳng, lần đầu tiên kể từ sự cố tương tự vào đầu năm 1996, nước Mỹ lại phải trải qua những giờ phút tồi tệ, mà bước đi tiếp theo như thế nào vẫn chưa rõ ràng. Trong khi một điều hiển nhiên là có tới cả triệu người vốn đang làm việc cho các cơ quan nhà nước buộc phải nghỉ ngơi ở nhà, không có lương và nền kinh tế có thể bị thiệt hại không hề nhỏ.

Trong số những nhân viên phải nghỉ việc, một nửa là nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ. Các công viên quốc gia và bảo tàng Smithsonian tại Washington sẽ phải đóng cửa. Lương hưu và trợ cấp cho cựu binh sỹ sẽ bị trì hoãn. Các đơn xin cấp visa và hộ chiếu không được xử lý. Dẫu vậy, các hoạt động thiết yếu như kiểm soát không lưu, an ninh quốc gia hay năng lượng hạt nhân vẫn sẽ tiếp tục.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, “Quốc hội đã thất bại trong việc thông qua ngân sách cho chính phủ và kết quả là phần lớn các cơ quan của liên bang phải đóng cửa cho đến khi được cấp tiền”. Theo ông, Quốc hội đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Ông cũng cam kết với lực lượng quân đội rằng sẽ thúc giục Quốc hội Mỹ sớm có biện pháp giúp chính phủ mở cửa trở lại.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện John Boehner đã lập tức lên tiếng cáo buộc các Thượng nghị sĩ Mỹ đã không làm việc tích cực để Thượng viện và Hạ viện có thể cùng thống nhất về dự thảo luật ngân sách năm tài khóa 2014. “Hạ viện đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chúng tôi đã thông qua một dự thảo luật ngân sách vào tối 28/9... và gửi nó cho Thượng viện”, ông Boehner cho hay.

“Thượng viện đã quyết định không làm việc vào ngày hôm sau, 29/9. Lạy chúa, nếu đây là một trường hợp khẩn cấp thì họ đã ở đâu?”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, người của đảng Cộng hòa, tuyên bố. Tuy nhiên, dự thảo mà Hạ viện thông qua tối 28/9 trên thực tế lại bao gồm một điều kiện mà Thượng viện ngay từ đầu đã không chấp thuận, đó là hoãn thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe.

Chương trình chăm sóc sức khỏe do Tổng thống Barack Obama đề ra (Obamacare) đã trở thành tâm điểm của cuộc tranh cãi lần này giữa các nghị sỹ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Trong khi, các nghị sỹ Cộng hòa tuyên bố chỉ thông qua dự thảo ngân sách mới nếu Dân chủ rút Obamacare hoặc tạm ngừng chương trình này một năm, thì phe Dân chủ cũng kiên quyết không nhượng bộ.

Theo các nghị sỹ Dân chủ, Obamacare sẽ mang lại hy vọng, giúp cho khoảng 32/50 triệu người chưa có bảo hiểm y tế được hưởng các dịch vụ y tế thông qua bảo hiểm, thì tầng lớp người giàu và các nghị sỹ Cộng hòa lại cho rằng nó sẽ làm tăng 500 tỷ USD tiền thuế với người Mỹ, bởi để có kinh phí, chính quyền Obama đã đề nghị tăng thuế 5% với ai có thu nhập từ hơn 1 triệu USD/năm.

Như vậy, về mấu chốt thì cuộc tranh cãi không có hồi kết giữa các nghị sỹ Dân chủ, Cộng hòa thực chất vẫn là về đảm bảo lợi ích cho người giàu (thiểu số) và người nghèo (đa số). Trong khi nước Mỹ hiện có tới 50 triệu người, chiếm 16% dân số, vẫn chưa có bảo hiểm y tế và cần Obamacare, thì chỉ có khoảng 1% dân số thuộc nhóm người có mức thu nhập từ 1 triệu USD mỗi năm trở lên.

Việc các cơ quan nhà nước đóng cửa sẽ có tác động kinh tế thật sự lên người dân ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu hôm 30/9 (giờ Mỹ) khi chỉ còn vài giờ nữa là qua ngày 1/10. Ông cũng nói rằng, điều này sẽ gây tác hại cho sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ. “Việc đe dọa những tiến bộ mà khó khăn lắm người dân Mỹ mới có thể đạt được là đỉnh cao của sự vô trách nhiệm”.

Cảnh báo của ông Obama vẫn còn chưa hết dư âm, nhưng thực tế thì Chính phủ Mỹ đang đóng cửa dần các cơ quan liên bang và các thị trường bắt đầu có những biểu hiện bị ảnh hưởng nhất định. Hiện tại, trên thị trường chứng khoán, các chỉ số tương lai vẫn đang tăng nhẹ, nhưng theo giới phân tích, xu hướng này chủ yếu là do giới đầu tư trước đó vẫn hy vọng về một thỏa thuận ngân sách.

Sự đi xuống của thị trường chứng khoán rất có thể sẽ xảy ra, nếu như tình trạng ngưng hoạt động của Chính phủ Mỹ kéo dài không chỉ vài ngày. Tuy nhiên, trên thị trường ngoại hối, đồng USD bắt đầu giảm giá so với các đồng tiền chủ chót khác, và trái phiếu kho bạc Mỹ thì tăng giá nhẹ. Tại thời điểm gần nhất, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco đang có chiều hướng đi xuống so với đầu giờ.

Hãng nghiên cứu IHS dự đoán, Mỹ sẽ bị thiệt hại ít nhất 300 triệu USD mỗi ngày do sản lượng kinh tế sụt giảm. Mức ảnh hưởng này sẽ gia tăng nếu tình trạng đóng cửa kéo dài, khiến niềm tin và chi tiêu của các doanh nghiệp, người tiêu dùng suy giảm. Nếu chính phủ đóng cửa trong vòng 1 tuần, GDP quý 4 của Mỹ sẽ tăng 2% so với cùng kỳ, nếu dài hơn thì tốc độ có thể còn 0,9-1,4%.

Cũng có người lại cho rằng, việc Chính phủ Mỹ đóng cửa lại là một điều tốt, bởi nước Mỹ đang đứng trước một hạn định khác, mà nếu không được xử lý sớm, thì mối nguy hiểm sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Cụ thể, theo dự kiến, ngày 17/10 sẽ là hạn cuối cho việc nâng trần nợ của chính phủ. Nếu quốc hội nước này không thể thông qua việc nâng trần nợ, Mỹ sẽ lần đầu tiên trong lịch sử bị vỡ nợ.

Do vậy, theo các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs, việc chính phủ đóng cửa hiện tại là một phép thử tốt để xem thị trường tài chính sẽ phản ứng ra sao, tiêu cực tới mức nào nếu như trần nợ công không được xử lý đúng hạn. Một số nhà phân tích khác thì cho rằng, sự kiện này còn là dịp may cho phe Dân chủ, bởi đảng Cộng hòa phải chịu thêm sức ép trong bầu cử tổng thống lần tới.

Theo Thanh Hải
VnEconomy

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG