Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc:

Chính phủ chưa trình đề xuất tăng thuế môi trường xăng dầu

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
TPO - Ngày 19/5, trao đổi với PV Tiền Phong về đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đến thời điểm này “chưa thấy Chính phủ trình sang”, và việc này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. 

Liên quan đến dự thảo đề xuất tăng kịch khung thuế môi trường với xăng dầu, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trước tiên bên Chính phủ sẽ phải có văn bản gửi sang đề nghị sửa. Tuy nhiên, theo ông Phúc, đến thời điểm này vẫn chưa thấy bên Chính phủ trình sang.

"Tại phiên họp thứ 23 và 24 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14 chưa có nội dung này. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng chưa có ý kiến về việc này", ông Phúc nói.

Tổng thư ký Quốc hội lý giải, theo quy định phía Chính phủ phải có báo cáo để cơ quan thẩm tra của Quốc hội xem xét. Sau đó sẽ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình ra Quốc hội theo quy định. Quyết định này thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Như vậy xét về mặt quy trình, đề xuất áp dụng mức tăng thuế môi trường với xăng dầu ngay từ 1/7 là không khả thi.

“Tăng hay không thì phải có cơ sở. Trước tiên cơ quan hành pháp phải trình, đưa ra nghiên cứu rồi có thẩm tra đầy đủ. Thuế môi trường với xăng dầu liên quan đến việc người dân dân đóng góp, tác động đến sản xuất kinh doanh, cũng như tác động đến rất nhiều thứ khác.

Chính vì vậy, khi nâng lên hạ xuống thì phải có đánh giá tác động ra sao, cơ quan hành pháp lý giải như thế nào, rồi báo cáo thẩm tra nêu vấn đề, có lý giải. Sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, mới trình ra Quốc hội. Từ đó Quốc hội mới xem xét cho hay không cho”, ông Nguyễn Hạnh Phúc lý giải.

Trước đó, một vài cơ quan báo chí đã đưa tin, sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các bên, Bộ Tài chính đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thuế bảo vệ môi trường. Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất tăng mức thuế với xăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng, với dầu diesel từ 1.500 đồng lên 2.000 đồng. Dầu mazut và dầu nhờn, dầu hỏa, mỡ nhờn cũng tăng lên 2.000 đồng mỗi lít.

Các mặt hàng trên đều được Chính phủ đề xuất tăng lên mức kịch trần theo khung cho phép của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo tính toán, ngân sách sẽ có thêm 14.368 tỷ đồng một năm từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu này. Phương án điều chỉnh dự kiến đưa ra là từ 1/7.

MỚI - NÓNG