Theo The Independent, trong bản kiến nghị được hơn 4,1 triệu người dân Vương quốc Anh ký tên, thể hiện mong muốn chính phủ nước này tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần hai về việc Anh ở lại hay rời khỏi EU.
Kiến nghị cũng kêu gọi chính phủ Anh thực hiện quy định, nếu số người ủng hộ ở lại hay rời khỏi EU ít hơn 60% trong tổng số người dân đi bỏ phiếu dưới 75% thì cần tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân khác.
Tuy nhiên, trong thông báo chính thức vào hôm nay (ngày 9/7), chính phủ Anh đã bác bỏ kiến nghị trên, đồng thời kêu gọi: “Bây giờ chúng ta phải chuẩn bị cho quá trình rời khỏi EU”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Anh ra tuyên bố, cho rằng 33 triệu người dân Vương quốc Anh đã có tiếng nói của mình và “quyết định phải được tôn trọng”.
Thông báo của Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh, Luật Trưng cầu ý dân mà Quốc hội Anh đã thông qua không quy định giới hạn tỷ lệ tối thiểu người dân đi bỏ phiếu.
“Luật Trưng cầu tư cách thanh viên của Anh ở EU đã được Hoàng gia phê chuẩn vào năm 2015. Luật này được xem xét một cách kỹ lưỡng và tranh luận tại Quốc hội trong thời gian dài, và có sự đồng thuận của cả Hạ viện và Thượng viện.
Như tuyên bố của Thủ tướng David Cameron trước Hạ viện ngày 27/6, trưng cầu dân ý là một trong những hoạt động dân chủ lớn nhất trong lịch sử nước Anh với hơn 33 triệu người tham gia. Do đó, kết quả phải được tôn trọng.
Bây giờ chúng ta phải chuẩn bị cho quá trình rời EU và chính phủ cam kết đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân Anh trong các cuộc đàm phán”, thông báo của Bộ Ngoại giao Anh nêu rõ.
Trong cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Anh hôm 23/6, có 72% số cử tri đi bỏ phiếu, trong đó 52% (khoảng 17,4 triệu người) ủng hộ Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit.
Bộ Ngoại giao Anh cho biết và Chính phủ Anh đã khẳng định đây là cuộc bỏ phiếu chỉ tiến hành một lần và quyết định này cần phải được tôn trọng.