Chiều lạnh Mẫu Sơn

Trên đỉnh Mẫu Sơn. Ảnh: Xuân Ba
Trên đỉnh Mẫu Sơn. Ảnh: Xuân Ba
TP - Những ràng buộc bít bùng tù túng của kỳ nghỉ Tết dài dặc cùng cơn cớ không đầu cuối đã nhấc bổng tôi lên độ cao ngàn rưỡi mét của Mẫu Sơn Xứ Lạng...

Không một mạch lên Mẫu Sơn như mọi bận mà chập chùng bải hoải, mà chồn chân hơn mười tiếng đồng hồ xe con. Cật lực chạy chỉ hơn ba tiếng nhưng mất đứt bảy giờ đồng hồ để đợi thông đường từ ngã ba quốc lộ 4B Lộc Bình rẽ lên vì đường tắc tỵ bởi hội Bắc Nga.

Anh công an ngó vẻ sốt ruột của đám khách xuôi, cười độ lượng, các bác không coi tivi nên không biết. Đã có thông báo từ nhiều ngày trước Lễ hội Bắc Nga năm nay hoành tráng lắm hàng vạn người đổ về đây nên cấm đường suốt mấy giờ... Hỏi thêm mới hay, thông báo ấy là trên tivi Lạng Sơn mà mình thì đang ở... Hà Nội!

Rồi cũng thông đường. Rồi cũng bắt vào khúc dốc ngược Mẫu Sơn. Trong ánh đèn xe, chợt loáng thoáng những vệt sáng trắng của bít bùng xanh. Thì ra hoa thông! Trăm hoa thì nở tháng Giêng/Chỉ mình hoa sở rở riêng tháng Mười. Từ tháng Mười âm, hoa thông nở bắt luôn sang Giêng. Chợt nhoáng nhoàng trong ký ức những mảng những đốm hoa thông năm xa tao loạn trận mạc ấy? Một phần của những cơn cớ như vừa nhắc trên đây có thể là kỷ niệm ngăn ngắt lạnh của 35 năm trước? Đồng Mỏ. Nơi sơ tán của cơ quan tỉnh Lạng Sơn.

Để lại Thẻ Nhà Báo cùng tư trang để bám theo đơn vị bộ đội chủ lực cơ động về Na Sầm. Đêm ấy, thời điểm ấy đối phương đã tuyên bố rút nhưng không hiểu sao xe chở quân cứ phải đi đèn gầm? Đến một đoạn xe hỏng dừng lại chữa. Bạt ngàn thông bên vệ. Loáng vội đèn pin sang bên, những đốm hoa thông ăn đèn lóa sáng. Chả để ý nhưng hình như từng ngần ấy năm, 35 năm, cái giống hoa thông cứ bùng sáng như thế mỗi độ Giêng hai này hay giống ấy vài năm mới nở một lần? Chẳng biết nữa? Nhưng đêm lạnh trên Mẫu Sơn tự dưng cứ trằn trọc vì những cơn cớ lẩn thẩn...

Đã trưa trật rồi mà trên đỉnh Mẫu Sơn vẫn âm u mây mù. Quen chân sải lên cái chòi thèo đảnh không biết ai làm bên cột phát sóng truyền hình chừng như để cho khách du lịch ngắm cảnh mỗi lúc giời trong. Bên phía mịt mù kia là Khu tự trị Choang Quảng Tây.

Gần mười cây số vuông khu du lịch Mẫu Sơn có chung đường biên 1,8 km, bên kia hình như là Ái Điểm? Chắc cũng rỗi hơi lẫn cơn cớ không đầu cuối như mình, du khách xuôi vẫn tấp nập ngược Mẫu Sơn. Về cái xã đường biên cuối huyện Lộc Bình này.

Trong những mịt mù sương khói, từ phía cuối dốc chốc chốc lại nhô thò ra những con xe đời mới. Chắc cũng nghe những là Mẫu Sơn có băng có tuyết. Có đấy nhưng giời đột ngột chuyển ấm. Hai thứ vưu vật băng tuyết thiên nhiên ban tặng Mẫu Sơn bỗng trụi thùi lúi. Nhưng cô bé nhà khách đã kịp khoe với khách một khúc ngắn clip cảnh băng tuyết trong cái điện thoại cô tự quay.

Ban nãy bên bếp lửa ngồi lâu đã vạc, tôi được ngồi với hai người mà riêng trích đoạn trong câu chuyện với họ đã làm nên một phần biên niên của Mẫu Sơn?

Người thứ nhất như một già làng của Mẫu Sơn? Ông người Dao có họ Đặng, Đặng Tăng Phúc. Ông Phúc những năm xa ấy là thầy giáo kiêm chủ tịch xã Mẫu Sơn nhiều năm. Rồi những năm gần, ông được cất nhắc phụ trách ngành Lâm nghiệp Lạng Sơn rồi trưởng Ban định canh định cư của tỉnh.

Chuyện với ông, tôi được tường thêm thứ rượu Mẫu Sơn bày bán nhan nhản trên địa bàn xứ Lạng, rượu mang mác dổm của bọn vớ vẩn thì không nói làm gì nhưng rượu Mẫu Sơn thứ thiệt nấu bằng thứ men lá chưng cất ra làm sao ủ trong chum để trong hầm bao lâu làm nên thứ rượu Mẫu Sơn độc đáo.

Chính nhà ông Phúc hiện nay là chủ một quán rượu lớn của Mẫu Sơn mà ông và bà vợ là tác giả trực tiếp của những công đoạn vất vả nhiêu khê ấy. Rồi thứ ếch rừng xứ Lạng chỉ có duy nhất ở rừng Cống Sơn (của huyện Cao Lộc) và Mẫu Sơn của huyện Lộc Bình mấy lần trước lên Mẫu Sơn tôi được nếm món ếch nướng lá thơm.

Môi trường sinh thái sản sinh ra giống ếch quý này lẫn cái mẹo đánh bắt được, ông Phúc cũng rành lắm. Du khách buổi ngày đông tháng giá lên Mẫu Sơn muốn thưởng thức thì hơi hiếm những cũng có. Ếch được ướp trong ngăn đá. Rã đông, nhưng thịt nhạt. Mà chính hiệu phải là mùa hè thì ếch tươi mới gọi là thơm ngon.

Chuyện sản vật chuyện làm ăn lan man dắt tôi về những bức tường sập hồi tao loạn 35 năm trước, lúc chập chờn lúc hiển hiện trong sương Mẫu Sơn. Chúng cứ sừng sững như thế, như một thứ chứng tích cái thời đau thương gian khó.

Xã giáp biên Mẫu Sơn đây, gió lành gió dữ gì, hình như phải hứng đầu tiên cái đã? Năm xa ấy, Mẫu Sơn người chết nhà cháy, những cán bộ xã như ông Phúc phải tất tả cùng hiểm nguy với bao việc mà cực nhất là việc tổ chức cho dân sơ tán.

Rồi phối hợp với bộ đội bao thứ để an dân. Chừng như ông Phúc không muốn nhắc muốn nói nhiều về những ngày tất tả ấy mà ông muốn bộc bạch thêm những trăn trở.

Trăn trở băn khoăn từ ngày yên hàn ấy đến nay 35 năm rồi mà 8 thôn bản của Mẫu Sơn với hơn 1.300 dân với 98% người Dao hơn 50 hộ nghèo và có tới 21 % hộ cận nghèo.

Cũng xoay xỏa đủ cách, tỉnh, Trung ương cũng hỗ trợ nhiều, cũng tính chuyển đổi diện tích lúa ấy ngô ấy ra thứ gì giá trị hơn được tiền hơn nhưng vẫn chưa có lối ra. Lại có chuyện dân Mẫu Sơn nhập vào nạn di cư tự do.

Tôi nghe thêm chuyện dân Mẫu Sơn đương thoát nghèo bằng một việc xuất khẩu lao động đột xuất. Đó là cách nói vui của việc cánh thanh niên của Mẫu Sơn thường sang bên huyện Minh Ninh của Khu tự trị Choang làm thêm. Làm gì? Thôi thì đủ việc vì bên ấy trung tâm thương mại Ái Điểm mở ra đến lắm việc. Chế biến thuốc bắc. Phu hồ.

Vận chuyển vật liệu , xây cất... Nghe nói công xá người ta trả cao hơn bên mình. Như việc chặt mía chả hạn. Ngày cơm nuôi cộng với 80 tệ. Nhẩm tính giắt lưng hơn 200.000 đồng mỗi ngày. Một nét riêng có lẽ không hiếm ở những nơi có chung đường biên với Trung Quốc là bà con hai bên có chung họ hàng và mối quan hệ làm ăn thân tình lâu đời. Mẫu Sơn cũng có.

Nghe nói bên ấy họ tổ chức cho người bên này sang làm ăn khá chu đáo cẩn thận. Những tay thầu trực tiếp liên hệ với người nhà nói rõ làm những việc gì, công xá ra sao có người trực tiếp mang tiền sang đưa tận tay. Vậy nên không có cái nạn cai thầu ăn bớt ăn chặn tiền công của người làm thuê. Được cái nữa là chặn đứng những anh ham rượu chè cờ bạc nướng tiền công đáng lẽ mang về cho vợ con vào việc đỏ đen.

Người thứ hai bên bếp lửa trong ngôi nhà rộng thênh xây kiên cố theo lối mới chính là vị chủ nhà. Ông Sính. Có người gọi là ông Sinh. Du khách dưới xuôi lên Mẫu Sơn nhiều lần dường như quá quen với ông Sính.

Như thứ huyền thoại thi thoảng lại nhô ra trong sương khói Mẫu Sơn... Ông Sính vốn là dân Hà thành, từng bôn ba khắp trong Nam ngoài Bắc từng chỉ huy đội xây dựng thiện chiến nếm cơm khắp thiên hạ. Rồi một ngày đẹp giời gần mươi lăm năm trước, ông quyết định giắt lưng hơn 1.000 cây vàng lên Mẫu Sơn làm ăn. Ông làm gì? Xây một khu nhà nghỉ theo lối mới. Thời điểm ấy, trong khu nghỉ mát Mẫu Sơn khu biệt thự của ông Sính là nhất và bây giờ cũng còn bắt mắt.

Thật khó mà biết được doanh số doanh thu thực. Tỷ như một đêm nghỉ của ba anh em trong nhóm tôi cộng với bữa ăn tối, ăn sáng (một con gà, thịt lợn theo lối quay và mì tôm) nhân viên ông Sính lấy triệu rưỡi.

9 phòng nghỉ để ý suốt ngày cũng không phải xôm tụ khách trọ? Bình quân ngày thưa ngày nhặt liệu ông Sính đã hồi vốn? Nhưng có thứ khó tính ấy là khu biệt thự ông Sính như một vựa rượu nổi tiếng của Mẫu Sơn, của xứ Lạng.

Ông hé chuyện dân Mẫu Sơn có 800 hộ nhưng có quá nửa chuyên nấu rượu bán cho ông. Ông Sính dộng gót ủng cồm cộp xuống sàn xi măng nơi đặt bếp lửa rằng dưới này là một hầm rượu chứa gần ba mươi chum đại, mỗi chum gần trăm lít.

Ông hào sảng khoát tay sang khu nhà nghỉ bên cạnh nói rằng bên dưới hai tầng hầm kia cũng hàng ngàn lít rượu. Không biết ông có ngâm ủ cẩn thận theo phương thức, công thức của ông Đặng Tăng Phúc không nhưng hãng rượu của ông Sính có đầu ra. Nhiều cơ sở là khách hàng của ông cất rượu theo kiểu bán buôn. Rồi cả hưởng phần trăm chiết khấu hoa hồng gì gì ấy.

Ông Sính đặt những mẫu cút, nậm theo thiết kế của ông và đăng ký tên nhãn rượu có tên là Trà Ký của riêng mình. Hình như loáng thoáng có lần trên mâm ăn vùng Xứ Lạng, tôi đã ngó thấy nhãn rượu này rồi? Mà không chỉ địa bàn của Xứ Lạng?

Có lẽ cũng chả nên tò mò phương thức kinh doanh của ông Sính! Nhìn ông có vẻ là một người bình thường, nhưng chắc chắn phải khôn ngoan. Thời buổi kinh tế thị trường đầy những bất trắc khôn lường mà dám bầy ra một cuộc chơi hơi bị hoành tráng này thì đó cũng là một thứ tiêu chí, một thông điệp nào đấy? Sự yên hàn chẳng hạn? Vác hơn ngàn cây vàng lên vùng biên viễn này mà đặt cược với nơi cùng hương tịch nhưỡng bốn mùa mù mịt những sương khói, nhãn quan của một thương nhân có lẽ cũng phải tỏ hơn dân thường?

Yên hàn và yên hàn. Ông Phúc ông Sính cùng cư dân bản địa và du khách đến Mẫu Sơn, ai mà chẳng tha thiết?

Nhưng cái yên hàn, nói như khẩu khí bây giờ, không phải chốc nhát mà là bền vững.

Mà sự bền vững chiến lược lâu dài, vĩnh cửu ấy phải có sự đồng điệu trợ giúp của thời cuộc cùng sự chèo lái của cả... Cao Xanh?

Và gì gì nữa?

Đêm 17/2/2014

... Tại chòi ngắm cảnh mà tôi tạm gọi là vọng lâu ngó sang bên Trung Quốc, trong mịt mù khói sương, một người đàn bà đứng tuổi trải tờ báo cũ trên bệ xi măng. Rồi bà thong thả bầy trái cây, hoa tươi cùng với vàng hương. Trong hơi sương bảng lảng, ẩn hiện hình người đứng chắp tay khấn khứa điều chi đó hồi lâu cung cách ngó rất chỉn chu thành tâm. Buổi chiều tôi gặp lại bà dưới chỗ khu nhà nghỉ. Trong câu chuyện làm quen, khi anh bạn đồng nghiệp tò mò hỏi lại việc ban nãy trên vọng lâu, bà cười rất tự nhiên rằng, các anh biết trên đỉnh Mẫu Sơn này không có ngôi chùa nào. Nhưng giữa nơi sương khói trên đỉnh thiêng này tôi muốn bạch với trời đất cùng thánh thần việc cầu an của mình...

MỚI - NÓNG
HIGHLIGHTS Thanh Hóa 1-1 Hà Nội FC: Từ bàn thắng bị từ chối của Văn Quyết đến phút cuối bùng nổ của Hai Long
HIGHLIGHTS Thanh Hóa 1-1 Hà Nội FC: Từ bàn thắng bị từ chối của Văn Quyết đến phút cuối bùng nổ của Hai Long
TPO - Hà Nội FC đang tạo dựng thương hiệu chuyên gia thoát hiểm phút cuối. Một lần nữa họ lại tránh được thất bại trong những giây cuối cùng với bàn thắng của Hai Long, qua đó xóa bỏ nỗ lực đáng khen ngợi của Đông Á Thanh Hóa, sai lầm của Hùng Dũng và cả pha lập công bị từ chối của Văn Quyết.