Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba:

Chiến thắng Điện Biên Phủ - thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, chống thực dân và là thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của các dân tộc bị xâm lược, bị áp bức ở châu Á, là tấm gương sáng về việc dân tộc Việt Nam không sợ quyền lực, lấy yếu thắng mạnh”.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nhận định như vậy khi trao đổi với phóng viên ngày 5/4 tại Hà Nội.

Năm nay kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - “một thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của các dân tộc bị xâm lược và bị áp bức ở châu Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, vì độc lập và giải phóng dân tộc”, Đại sứ Hùng Ba nói.

Chiến thắng Điện Biên Phủ - thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam ảnh 1

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba trả lời phỏng vấn ngày 5/4. Ảnh: Thái An

Theo Đại sứ Trung Quốc, chiến thắng Điện Biên Phủ có được trước hết nhờ sự lãnh đạo tài tình mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn dắt, sự chiến đấu anh dũng của toàn quân và dân Việt Nam, ngoài ra còn có sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc.

“Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”, Đại sứ Hùng Ba dẫn lời Hồ Chủ tịch.

Tăng cường hợp tác nhiều mặt

Từ ngày 7-12/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Trung Quốc lần đầu tiên với tư cách Chủ tịch Quốc hội. “Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo cao nhất của cơ quan lập pháp hai nước sau khi hai bên tuyên bố thành lập Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược. Hai bên sẽ trao đổi chuyên sâu về kinh nghiệm quản trị, thỏa thuận hợp tác mới, thiết lập cơ chế đối thoại, hợp tác cấp cao mới nhằm hoàn thiện khuôn khổ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước”, Đại sứ Hùng Ba nói.

Lấy yếu thắng mạnh

Thực dân Pháp đã dày công xây dựng, củng cố tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với ba phân khu: phân khu trung tâm, phân khu Bắc và phân khu Isabelle với 10 trung tâm đề kháng gồm 49 cứ điểm. Hỏa lực của mỗi cứ điểm thường gồm 4 súng đại liên, 40-45 súng tiểu liên, 9 súng trung liên, 9 súng phóng lựu đạn, 2 súng cối 60 mm và 1 pháo không giật 57 mm. Ở những cứ điểm quan trọng, quân số được tăng thêm thì vũ khí cũng được bổ sung. Đặc biệt còn có thêm vũ khí mới như súng phun lửa, phương tiện chống đạn khói, súng hồng ngoại để bắn vào ban đêm mà không cần đèn, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên.

Chiến thắng Điện Biên Phủ - thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam ảnh 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp họp bàn quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 12/1953. Ảnh tư liệu.

Phía Pháp cho xây dựng 2 sân bay Mường Thanh (chính) và Hồng Cúm (dự bị) để tiếp nhận quân tăng viện của Pháp từ Hà Nội và một số cảng hàng không khác lên phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. Một cầu hàng không nối liền sân bay Điện Biên với các sân bay Gia Lâm, Bạch Mai được thiết lập hoạt động tấp nập từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Hằng ngày có 50-60 chuyến bay vận tải quân sự thả xuống khoảng 150 tấn hàng (pháo, đạn, thuốc men, dây thép gai, lương thực…).

“Thực dân Pháp củng cố tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh như thế, chi viện bằng đường hàng không liên tục như thế nhưng cuối cùng vẫn bị đánh bại. Họ không ngờ Việt Nam kéo được pháo vào trận địa trên núi cao”, Đại sứ Trung Quốc nói.

Trung Quốc đã cử đoàn cố vấn quân sự và cung cấp cho Việt Nam nhiều súng, hỏa pháo, đạn pháo… và cuối cùng, vào tháng 5/1954 quân và dân Việt Nam đã “tiêu diệt lực lượng chủ lực của quân đội Pháp trong trận Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp”, Đại sứ Hùng Ba nói.

Theo Đại sứ Hùng Ba, quân đội Việt Nam và quân đội Trung Quốc trước đây chống chủ nghĩa đế quốc và ách thực dân, đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc; ngày nay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mình, giữ vững an ninh chính trị, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân loại. “Quân đội hai nước luôn là trụ cột quan trọng trong việc phát triển quan hệ giữa hai đảng, hai nước, đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố, làm sâu sắc hơn sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, an ninh, chiến lược giữa hai bên”, ông nói.

Đại sứ Hùng Ba đề xuất, trong tình hình mới, quân đội hai nước nên đi đầu thực hiện sự đồng thuận chiến lược mà lãnh đạo cấp cao nhất của hai bên đã đạt được, tập trung tăng cường liên lạc và hợp tác chiến lược, đẩy mạnh trao đổi thông tin, diễn tập, huấn luyện chung, hợp tác sâu rộng trong giáo dục chính trị, đào tạo cán bộ. Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 8 sẽ diễn ra trong tháng 4; cơ chế giao lưu, hợp tác này trong 10 năm qua đã góp phần xây dựng biên giới hai nước hòa bình nhất, ổn định nhất, kinh tế phát triển nhất, đi lại nhộn nhịp nhất thế giới.

“Chúng tôi mong muốn hai bên tiếp tục tổng kết kinh nghiệm, đưa các hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới ngày càng thiết thực hơn, tốt đẹp hơn theo yêu cầu của lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam có ý nghĩa chiến lược”, Đại sứ Hùng Ba nói.

Tư liệu quý về Chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 70 năm ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (20/7/1954 - 20/7/2024), ngày 5/4, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức giới thiệu những tài liệu lưu trữ quý giá liên quan đến hai sự kiện trên. Những tư liệu, hình ảnh được giới thiệu thể hiện sự chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ; diễn biến, kết quả, ý nghĩa của chiến dịch; vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; chính sách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các thương bệnh binh và hàng binh…

Kiến Nghĩa

MỚI - NÓNG