Một năm hiến máu 5 lần
Anh Phạm Văn Chung hiện là cán bộ Phòng Công tác chính trị, Cục Tham mưu, Tổng cục Chính trị CAND. Trong chương trình hiến máu, Chủ Nhật Đỏ, gặp anh rắn rỏi trong bộ cảnh phục màu cỏ úa và nụ cười tươi rói. Lúc thấy anh đang nằm trên ghế cho máu, lúc lại thấy vận động, hướng dẫn đồng đội tham gia các hoạt động, hiến máu.
Mới đây, gặp Chung trong chương trình tuyên dương điển hình hiến máu của Tổng cục Chính trị CAND, anh chia sẻ đang ấp ủ vận động vợ tương lai cùng hiến máu tại Chủ nhật Đỏ 2016 và chụp ảnh kỷ niệm lồng vào album cưới.
“Trước tình cảnh éo le và bản thân muốn giúp lại không phù hợp nhóm máu khiến tôi luôn nghĩ, có cơ hội sẽ hiến máu liên tục để cứu một ai đó, nhất là khi nghĩ tới hình ảnh của các bác sỹ và tình nguyện viên hiến máu cứu người”.
Phạm Văn Chung
Anh Phạm Văn Chung bắt đầu hiến máu từ đầu năm 2011. “Năm hiến máu nhiều nhất 5 lần, trong đó có ca cấp cứu”, anh Chung cho biết. Chung kể, thời gian công tác ở Điện Biên, tình cờ chứng kiến ca cứu một bệnh nhi bị tai nạn và cần phải truyền máu gấp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, do thiếu nhóm máu cần truyền cho bệnh nhi này, các bác sỹ đã trực tiếp cho máu và nhiều tình nguyện viên Cao đẳng Y Điện Biên sẵn sàng cho máu.
“Trước tình cảnh éo le và bản thân muốn giúp lại không phù hợp nhóm máu khiến tôi luôn nghĩ, có cơ hội sẽ hiến máu liên tục để cứu một ai đó, nhất là khi nghĩ tới hình ảnh các bác sỹ và tình nguyện viên hiến máu cứu người”, anh Chung kể.
Với anh Chung, hiến máu không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn sẻ chia khó khăn và tiếp nguồn sống cho người bệnh, đồng đội bị thương trong những lần trấn áp tội phạm nguy hiểm. Tham gia Hội Thanh niên Vận động hiến máu của Viện Huyết học Truyền máu T.Ư, anh Chung gặp không ít gia đình có hoàn cảnh éo le. Trong đó, có một gia đình quê Thanh Hóa bán nước chè ở cổng Viện lấy tiền nuôi hai con bệnh thiếu máu.
“Cậu con trai lớn của đình này 20 tuổi nhưng bé choắt như đứa bé 10 tuổi; còn cậu em 16 tuổi thì nhỏ quá mức. Hai anh em bưng nước cho khách mà trên tay vẫn còn băng ống chờ truyền máu khiến ai cũng cảm thương”. Anh Chung cũng cho hay, sau khi chứng kiến hoàn cảnh của gia đình này, đã kết nối với Hội Đại Bi Tâm (Bát Tràng, Gia Lâm) thăm hỏi, động viên, tặng quà. Để có thể cho máu mà vẫn đảm bảo sức khỏe và nhiệm vụ công tác tại đơn vị, anh Chung luôn ý thức việc rèn luyện.
Tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện
Phạm Văn Chung không chỉ hiến máu nhiều mà còn tích cực tham gia các hoạt động vận động tuyên truyền và tổ chức hiến máu. Từ năm 2015, anh làm Trưởng điều phối viên Hội Thanh niên vận động hiến máu nhân đạo Hà Nội trực tiếp tại Viện Huyết học Truyền máu T.Ư. Công việc chính của anh là điều phối tình nguyện viên và trực tiếp tuyên truyền công tác hiến máu nhân đạo trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ngoài ra, trong các chương trình hiến máu, anh Chung còn hỗ trợ, trực tiếp phát tờ rơi, nói chuyện, giải thích một số câu hỏi của tình nguyện viên, nhất là tư vấn những người lần đầu hiến máu, giúp họ vững tâm lý.
Năng nổ với phong trào hiến máu, anh Chung còn được biết đến khi tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện của Đoàn Thanh niên Tổng cục Chính trị CAND. Anh đã kết nối thành công và tham gia hoạt động từ thiện tại huyện Nậm Nhùn và Phong Thổ (Lai Châu); tặng sách vở, báo, đồ dùng học tập cho các em học sinh địa bàn huyện Đồng Văn (Hà Giang); phát cơm từ thiện cùng nhóm tình nguyện Đại Bi Tâm (Bát Tràng) tại Bệnh viện K...
Đặc biệt, cuối năm 2015, anh Chung còn khởi xướng và thực hiện chương trình phát cháo miễn phí tại Viện Huyết học Truyền máu T.Ư. anh Chung cho biết: “Chương trình phát 200 suất cháo miễn phí/lần/tháng tại Khoa Nhi, Viện Huyết học Truyền máu T.Ư”. Để đảm bảo chương trình diễn ra đảm bảo an toàn, hiệu quả, Đoàn Thanh niên Tổng cục Tham mưu tổ chức và Khoa Dinh dưỡng của Viện Huyết học Truyền máu T.Ư nấu.