Đi lại khó khăn
Công dân Nga trước mắt sẽ không thể bay sang châu Âu và Mỹ, thậm chí sang những nước thân thiện với Nga như Trung Quốc cũng không chắc chắn, các nhà phân tích trong ngành nhận định. “Nga sẽ là nước lớn nhất thế giới với một nền kinh tế và phát triển mà ngành hàng không không khác Triều Tiên mấy”, Richard Aboulafia, giám đốc điều hành của hãng tư vấn AeroDynamic (Mỹ), nói với Al Jazeera.
“Các lệnh trừng phạt hàng không rất dễ thực thi. Các hãng không thể bay. Họ sẽ phải thay đổi hoàn toàn kế hoạch với đội máy bay của họ, khi những máy bay đó hoàn toàn được làm bằng công nghệ của phương Tây”, ông Aboulafia, một chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không, cho biết.
Eurocontrol, cơ quan hướng dẫn chính sách giao thông hàng không của Liên minh châu Âu, cho biết 300 chuyến bay của các hãng Nga sang châu Âu và 50 chuyến của các hãng châu Âu sang Nga mỗi ngày đã bị huỷ. Nga đáp trả bằng biện pháp tương xứng với bất kỳ nước nào cấm máy bay của họ. “Vì vậy, việc đi lại bằng đường hàng không của người Nga sẽ rất khó khăn vì 2 lý do. Thứ nhất, không phận Nga đóng cửa đối với các máy bay phương Tây. Ngoài ra, đi lại quốc tế trở nên đặc biệt khó khăn khi các hãng máy bay phương Tây dừng hỗ trợ đội tàu bay ở Nga”, Sash Tusa, một nhà phân tích về hàng không và quốc phòng tại hãng tư vấn LLP (Mỹ), nói với Al Jazeera.
Boeing và Airbus, hai nhà cung cấp máy bay thương mại chính của Nga, đã cấm các hãng hàng không Nga mua phụ tùng cho máy bay. Boeing cũng đóng cửa một trung tâm thiết kế ở Mátxcơva và tạm đóng văn phòng ở Kiev.
Phải vài tuần hoặc vài tháng nữa các hãng hàng không mới bắt đầu hết phụ tùng. Họ có thể kéo dài bằng cách cho nghỉ hưu một số máy bay để lấy phụ tùng lắp sang máy bay khác, dù việc này bị cấm trong các điều khoản thuê máy bay.
Bị đòi máy bay
Giống như hầu hết các hãng thương mại ngày nay, đội máy bay mà các hãng hàng không Nga sử dụng chủ yếu thuê của các công ty phương Tây. Với các lệnh trừng phạt của châu Âu, các công ty cho thuê có thời gian từ nay đến ngày 28/3 để chấm dứt hợp đồng với các hãng Nga. Nhiều công ty cho thuê máy bay, trong đó có AerCap của Ireland - hãng cho thuê lớn nhất thế giới, xác nhận họ đã gửi văn bản đến các khách hàng Nga để đòi lại máy bay.
Các chuyến bay từ châu Âu sang châu Á thường qua Ukraine và Nga giờ đã chuyển hướng về phía nam để qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Afghanistan. Eurocontrol cho biết đã xảy ra tình trạng gián đoạn đáng kể trên các tuyến bay chính. Các chuyến bay giữa Frankfurt và Bắc Kinh giờ kéo dài thêm 2 giờ so với trước đây, trong khi các chuyến bay giữa Helsinki và Tokyo dài thêm 5 giờ.
Ulick McEvaddy, nhà sáng lập hãng cho thuê máy bay Omega Air, nhận định, việc thu hồi hàng trăm chiếc máy bay từ Nga trong một thời gian ngắn như vậy là “nhiệm vụ bất khả thi” vì nguy cơ sẽ vấp phải những vấn đề pháp lý và lệnh cấm máy bay Nga vào không phận châu Âu.
Công ước Cape Town ra đời để ngăn các hãng hàng không không chịu trả lại máy bay thuê, nhưng công ước này chưa từng được thử nghiệm ở toà án từ khi được ký vào năm 2001. Cứ 4 máy bay chở khách và chở hàng đang hoạt động ở Nga hiện nay thì có 3 chiếc là của Boeing hoặc Airbus. Chỉ có 136 chiếc do Nga sản xuất đang được các hãng hàng không Nga sử dụng, theo số liệu của Cirium, một hãng phân tích dữ liệu về hàng không.
Tình trạng ảm đạm của ngành hàng không Nga kéo dài bao lâu không chỉ phụ thuộc vào xung đột ở Ukraine kéo dài đến khi nào, mà cả thời gian phương Tây thực hiện lệnh trừng phạt với Nga. Ông Tusa dự đoán rằng sự đoạn tuyệt giữa Nga và phương Tây sẽ kéo dài nhiều năm, vì tình hình hiện nay nghiêm trọng hơn những lần trước. Ông Aboulalfia cho rằng tình hình ở Ukraine hiện nay cũng sẽ khiến khách hàng mua máy bay quân sự của Nga như Ấn Độ phải nghĩ kỹ trước khi ký hợp đồng mới.
Hãng hàng không Nga Aeroflot Ảnh: Aeroflot |
Bên cạnh đó, lo ngại về an toàn cũng cản trở sự phát triển của ngành hàng không Nga. Henry Wilkinson, sáng lập viên của hãng phân tích tình báo và an ninh Dragonfly (Anh), cho biết ông đã nhận được nhiều yêu cầu từ các hãng hàng không từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine.
Năm 2014, chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi khi bay qua khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, khiến tất cả 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Thảm hoạ này vẫn là lời cảnh báo đáng sợ đối với các hãng hàng không khi bay vào châu Âu trong giai đoạn khủng hoảng.