Chiến lược quân sự của Mỹ ở Trung Đông bị thử thách

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc lực lượng Mỹ giúp Israel chặn thành công hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái mà Iran phóng hôm 13/4 cho thấy Washington đã chuẩn bị tốt về quân sự, khi Iran và Israel chuyển từ chiến tranh trong bóng tối sang đối đầu trực tiếp.
Chiến lược quân sự của Mỹ ở Trung Đông bị thử thách ảnh 1

Lầu Năm Góc của Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, các quan chức đương nhiệm và nghỉ hưu của Mỹ cho biết, lực lượng Mỹ không sẵn sàng cho một cuộc xung đột lớn và kéo dài ở Trung Đông, và Lầu Năm Góc có thể phải xem xét lại dự phòng của họ về nhu cầu quân sự trong khu vực nếu khủng hoảng ngày càng sâu sắc.

Michael Mulroy, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng về Trung Đông dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, cho biết: “Tôi không nghĩ chúng tôi có đủ lực lượng để hỗ trợ Israel nếu xảy ra chiến tranh trực tiếp giữa họ và Iran”.

Dù Tehran khẳng định không có kế hoạch trả đũa cuộc tấn công của Israel ngày 19/4, nhưng tình hình khu vực cho thấy vẫn có nguy cơ xảy ra chiến tranh mở rộng.

Từ khi xung đột nổ ra giữa Israel và Hamas, Mỹ đã đưa hàng nghìn quân nhân đến khu vực nơi Wasington giảm hiện diện đáng kể trong những năm qua.

Tuy nhiên, lực lượng đó và các tàu chiến hay máy bay chỉ được triển khai tạm thời. Chiến lược của Mỹ về sử dụng lực lượng tăng cường có thể bị thử thách sau khi Iran và Israel phá bỏ điều cấm kỵ về tấn công trực tiếp chống lại nhau.

“Điều này cho thấy Mỹ phải xem lại ý tưởng về năng lực quân sự cần thiết, bền vững mà chúng ta phải duy trì ở khu vực”, ông Joseph Votel, một tướng lục quân 4 sao từng chỉ huy lực lượng Mỹ ở Trung Đông, nói với Reuters.

Ông Votel và các cựu quan chức khác cho biết, Mỹ hỗ trợ Israel hạ gục thành công loạt máy bay không người lái và tên lửa của Iran ngày 13/4 một phần nhờ thông tin tình báo cụ thể mà Mỹ thu được, giúp Lầu Năm Góc dự đoán thời gian và mục tiêu tấn công của Iran.

“Tôi nghĩ mối quan tâm lớn hơn là khả năng duy trì năng lực của chúng tôi trong thời gian dài”, ông Votel nói.

Các quan chức Mỹ cho rằng Iran dường như không muốn xảy ra chiến tranh toàn diện với Israel, vì thế Tehran hạ thấp tính nghiêm trọng của vụ tấn công ngày 19/4. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tình hình vẫn khó lường, khi xung đột Israel-Hamas vẫn tiếp diễn.

Tháng trước, tướng quân đội Mỹ Michael "Erik" Kurilla, chỉ huy hiện tại của Bộ Tư lệnh Trung ương, nói với các nghị sĩ, rằng đã kiến nghị cử nhiều quân hơn số lượng mà Lầu Năm Góc đưa đến khu vực, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden nói rằng khu vực này là ưu tiên thấp hơn so với những thách thức khác, như Trung Quốc.

Trong văn bản gửi đến Ủy ban Quân vụ Hạ viện, ông Kurilla cho rằng sự thiếu hụt nguy hiểm về phương tiện tình báo của Mỹ "góp phần tạo ra những lỗ hổng trong năng lực của chúng tôi để có thể phát hiện và phá vỡ các âm mưu, khiến các tổ chức bạo lực cực đoan có thể tự do di chuyển".

Dù tài liệu của ông Kurilla có vẻ tập trung hơn vào Afghanistan, nhưng một số thiếu hụt về thông tin tình báo đã ảnh hưởng đến chiến lược của Mỹ từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Dải Gaza.

Ví dụ, tình trạng thiếu thông tin chi tiết về kho vũ khí của Houthi trước khi lực lượng thân Iran này bắt đầu tấn công tàu hàng ở Biển Đỏ gây khó cho phương Tây khi họ thực hiện nhiệm vụ tấn công kho tên lửa và máy bay không người lái của nhóm này.

Các quan chức Mỹ cho biết, việc gửi thêm quân đội Mỹ đến Trung Đông và củng cố cơ sở tình báo lâu dài ở khu vực này có thể gặp nhiều khó khăn, khi châu Á vẫn được xác định là trọng tâm.

Một quan chức cho biết, chưa rõ quân đội Mỹ có sẵn sàng rút lực lượng khỏi châu Á hay châu Âu hay không.

Ông Mulroy cho rằng Mỹ nên củng cố vị thế của mình ở Trung Đông nhưng không từ bỏ trọng tâm là Trung Quốc.

“Chúng ta cần triển khai lực lượng dựa trên môi trường thách thức hiện tại. Hiện nay rõ ràng có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông”, ông nói.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Ồ ạt đấu giá đất nền, cảnh báo hình thành các cơn 'sốt ảo'
Ồ ạt đấu giá đất nền, cảnh báo hình thành các cơn 'sốt ảo'
TPO - Bộ Xây dựng cho biết, việc nhiều địa phương đẩy mạnh tổ chức đấu giá đất nền tại các khu đô thị, khu dân cư mới thời gian qua được coi là một yếu tố có thể tác động giúp thị trường đất nền sôi động hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo để tránh hình thành các cơn "sốt ảo", gây nguy cơ mất an toàn, khi thị trường còn đang trong tiến trình hồi phục.