Với cuộc tấn công mới nhất, Iran muốn dằn mặt Israel. Đó là lời hứa của Đại giáo chủ Ali Hoseyni Khamenei. Iran không chỉ nói mãi mà không có hành động đáng kể nào, như sau vụ tướng Qasem Soleimani bị ám sát năm 2020.
Sức ép từ dư luận trong nước, từ các lực lượng chống Israel và ủng hộ phong trào giải phóng của người Palestine đòi hỏi ban lãnh đạo Iran phải hành động quyết liệt để trả đũa. Iran sợ rằng nếu họ không đáp trả, Israel sẽ tiếp tục hành động như vậy nhiều lần nữa, khiến Tehran ngày càng bị dồn vào chân tường.
Israel hiện đang rối trăm bề, lực lượng bị phân tán khi cùng lúc phải đối phó trên nhiều mặt trận: với Hamas ở Dải Gaza, người Palestine ở Bờ Tây, với Hezbollah ở miền bắc Israel, với lực lượng kháng chiến Palestine ở Syria và Iraq, và với Houthi ở Yemen. Iran tin rằng trong lúc Israel đang bị phân tán, đây là thời điểm họ phải có đòn tấn công trả đũa.
Khi đáp trả Israel, Tehran cũng muốn gây ra thiệt hại tương đương hoặc hơn thế cho Israel. Iran có thể không thể ngờ khả năng chống đỡ của Israel lại tốt như thế, khiến khoảng 99% tên lửa và máy bay không người lái của Iran bị bắn hạ khi chưa chạm đất.
Có lẽ Iran vẫn tiếp tục muốn đánh Israel, nhưng không phải trực tiếp bằng tay họ. Iran dù là cường quốc quân sự ở Trung Đông, nhưng họ quá biết đằng sau Israel là Mỹ và phương Tây, khiến Tehran khó có thể một mình đương đầu với thực lực hiện nay. Tình hình kinh tế và chính trị nội bộ trong giai đoạn này khiến Iran cần sự bình yên cả trong và ngoài nước. Nếu đối đầu tiếp tục bị đẩy lên, vấn đề bảo tồn chế độ của Iran cũng bị đe doạ. Thời gian tới, Iran có thể sẽ dùng những biện pháp khác, như thông qua lực lượng đại diện hoặc nhắm vào các mục tiêu của Israel ở nước ngoài.
Về phía Israel, ngay sáng 14/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Washington không muốn Israel lại đáp trả Iran. Điều đó giống như một mệnh lệnh từ đồng minh số một của Israel, cho thấy Mỹ và phương Tây không muốn căng thẳng Israel - Iran bùng lên nữa.
Mấy năm gần đây, nhất là dưới chính quyền của Tổng thống Biden, Israel có vẻ không làm theo yêu cầu của Mỹ, nhất là sau việc Mỹ bỏ phiếu trắng cho Nghị quyết 2728 của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 25/3. Vụ tấn công Lãnh sự quán Iran ngày 1/4 cũng như một lời thách thức Washington.
Tuy nhiên, Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống và Israel không thể bỏ Mỹ. Vì thế, Israel cũng sẽ phải kiềm chế. Dù dự đoán về chiến sự thường rất khó khăn, nhưng nhiều khả năng Israel và Iran đều sẽ kiềm chế, còn việc hai bên có đi đến giải pháp giảng hoà hay không lại là câu chuyện khác.
Vụ tấn công trả đũa của Iran vừa qua khiến tình hình địa chính trị khu vực và thế giới càng khó khăn, phức tạp hơn. Hàng loạt chuyến bay bị huỷ khi các không phận bị đóng cửa. Con tàu MSC Aries liên quan đến Israel vừa bị Iran tịch thu ở eo biển Hormuz.
Nền kinh tế thế giới đã khó khăn càng khó khăn hơn, khi hoạt động vận tải và giao thương quốc tế bị cản trở. Giá cả sẽ càng leo thang hơn nữa, khiến mục tiêu tăng trưởng hơn 2% GDP toàn cầu mà IMF dự báo cho năm nay khó đạt được. Nếu các bên cứ trả đũa lẫn nhau thì tình hình càng nghiêm trọng hơn nữa. Thế giới mong muốn sẽ có biện pháp nào đó để thuyết phục các bên giảm căng thẳng, để có thể đạt được ổn định trong bất ổn. Nếu cứ lấy máu trả máu, lấy oán trả oán thì oán sẽ cao như núi, máu sẽ chảy thành sông.