Hai tàu khu trục Nanchang và Lhasa ở Thanh Đảo ngày 20/4. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 11/5, Bộ Quốc phòng Nhật công bố bản đồ cho thấy tàu khu trục tên lửa Type 055 Lhasa, một trong những chiến hạm mạnh nhất của hải quân Trung Quốc, dẫn đội gồm 4 tàu, gồm một tàu khu trục nhỏ, một tàu tuần dương và một tàu tiếp tế, thực hiện chuyến hành trình.
Bản đồ của Nhật Bản cho thấy hành trình của nhóm tàu bắt đầu từ ngày 30/4, qua eo biển Tsushima nằm giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, qua eo biển Tsugaru ở mũi phía Bắc đảo Hokkaido ngày 5-6/5, sau đó qua chuỗi đảo Izu ở phía nam Tokyo hôm 11/5.
Trong bài viết đăng sau khi Bộ Quốc phòng Nhật công bố bản đồ, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc gắn hành trình của đội tàu với “những phát biểu khiêu khích gần đây của Nhật Bản” về hòn đảo Đài Loan (Trung Quốc).
“Dù chuyến đi có thể là hoạt động diễn tập trên biển thường kỳ của hải quân, không vi phạm luật pháp quốc tế hay nhằm vào bên thứ ba nào, đây cũng có thể được coi là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Nhật”, Thời báo Hoàn cầu dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Nikkei Asia ngày 10/5: “Hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan không chỉ quan trọng với nước ta, mà với cả cộng đồng quốc tế”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi cho biết, Tokyo đã gửi phản đối đến Bắc Kinh sau khi đại sứ Trung Quốc nói rằng Nhật Bản có thể “bị kéo vào lửa” nếu Tokyo gắn Đài Loan (Trung Quốc) với an ninh của mình.
Trong cuộc trả lời CNN ngày 10/5, ông Hayashi cho biết, Nhật Bản đang trao đổi về việc mở văn phòng liên lạc của NATO, văn phòng đầu tiên của NATO ở châu Á. Ông nói rằng cuộc xung đột ở Ukraine gây hệ lụy không chỉ ở châu Âu mà còn buộc Tokyo phải nghĩ lại về an ninh khu vực.
Hoạt động của đội tàu Trung Quốc diễn ra trước khi các lãnh đạo G7 họp tại Nhật Bản vào ngày 19/5.
Theo các nhà phân tích, điều đáng lo ngại nhất về hoạt động lần này là việc gắn hoạt động của hải quân Trung Quốc với phát biểu của Thủ tướng Kishida về vấn đề Đài Loan. “Đưa ra lời đe dọa như vậy sẽ càng làm suy giảm lòng tin và đẩy căng thẳng khu vực lên cao”, John Bradford, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Quốc tế học S. Rajaratman ở Singapore, nhận xét.
James Brown, một giáo sư về khoa học chính trị tại ĐH Temple Nhật Bản, cho rằng hoạt động diễn ra ngay trước thượng đỉnh G7 ở Hiroshima là điều đáng chú ý.
“Dù hầu hết sự kiện ở Hiroshima sẽ bàn về Ukraine, chủ nhà Nhật Bản sẽ liên kết vấn đề đó với an ninh ở Đông Bắc Á”, GS Brown nhận định.
“Thủ tướng Kishida có thể sẽ nhấn mạnh thông điệp của ông ấy, rằng ‘Ukraine hôm nay có thể là Đông Á ngày mai”, GS Brown nói với CNN.
Theo nhà nghiên cứu này, việc Trung Quốc phô trương lực lượng là để ngăn Nhật làm sâu sắc quan hệ với Mỹ và các đối tác phương tây khác. “Nhưng có thể họ sẽ nhận được điều ngược lại”, ông nói.