Sĩ quan tình báo Xô viết Alexander Demyanov. Ảnh: RIA Novosti |
Tháng 2/1942, sĩ quan tình báo Xô viết Alexander Demyanov đã vượt qua chiến tuyến và giả đầu hàng quân Đức, để thâm nhập vào mạng lưới tình báo Abwehr nổi tiếng của kẻ thù.
Trong toàn bộ chiến dịch, hơn 50 điệp viên đối phương đã bị phát hiện và bắt giữ. Nhiều thông tin sai lệch được chuyển đến bộ chỉ huy quân đội phát xít Đức, gây ảnh hưởng lớn đến tiến trình chiến tranh, bao gồm cả các trận đánh Stalingrad và Kursk.
Điệp viên người Cossack
Ngày 17/2/1942, một thanh niên có tên là Alexander Demyanov bí mật di chuyển trên ván trượt, băng qua tiền tuyến gần một khu dân cư thưa thớt. Anh ta đang cố gắng tìm kiếm đường đến gặp quân Đức.
Theo giọng nói và ngoại hình, có thể nhận biết được nguồn gốc của Demyanov, như khi đó gọi là “người của chế độ cũ”. Ông cố của Demyanov là Anton Golovaty, là chỉ huy đầu tiên của quân Cossack ở Kuban.
Cha của ông là quân nhân Cossack, chết trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Mẹ Demyanov xuất thân từ một gia đình quý tộc. Trong mắt phát xít Đức, một người như Demyanov có nhiều lý do để không hài lòng với chính phủ Liên Xô, và có thể có ích cho quân Đức.
Tuy nhiên, sự tiếp đón không được như mong đợi. Một trong những vấn đề mà quân Đức hỏi đi hỏi lại là làm cách nào Demyanov băng qua bãi mìn trên ván trượt. Anh chỉ biết trả lời là không biết về sự tồn tại của bãi mìn. Sau một thời gian, Demyanov thậm chí còn bị đem ra xử bắn, song hóa ra đó là một màn dàn dựng thử thách.
Sau một loạt bài kiểm tra, Demyanov được gửi đến trường trinh sát Abwehr của phát xít Đức, và tham gia khóa đào tạo trinh sát ở đó.
Ngày 15/3/1942, Demyanov được đưa trở lại hậu phương của Liên Xô, ở vùng Rybinsk. Từ đây Demyanov đến Moscow, và làm việc với các sĩ quan của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD).
Từ đó, ông bắt đầu thực hiện chiến dịch “Monastưir”, mà sau này đã trở thành huyền thoại của tình báo và phản gián Xô viết.
Trên thực tế, năm 1932, Alexander Demyanov từng bị cơ quan an ninh Xô viết bắt giữ vì có hành động chống chính quyền Liên Xô và phân phối tài liệu của Bạch vệ.
Nhưng sau đó, ông được trả tự do vì thiếu bằng chứng kết tội. Năm 1934, Demyanov được Ban an ninh của Tổng cục chính trị Liên Xô tuyển dụng. Bản thân Demyanov sau đó đã dành niềm tin vào những lý tưởng mới của nước Nga Xô viết.
Hoạt động phản gián
Người khởi xướng chiến dịch “Monastưir” là Pavel Sudoplatov, phó trưởng phòng số 1, phụ trách tình báo của Ủy ban an ninh nhà nước (NKGB) Liên Xô. Ông đã lên ý tưởng vào tháng 7/1941, nhưng cơ hội để hiện thực hóa kế hoạch chỉ xuất hiện vào đầu năm 1942.
Quá trình chuẩn bị của Alexander Demyanov mất rất nhiều thời gian. Mặc dù ông đã làm việc với NKVD từ năm 1929 dưới bí danh “Heine”. Đồng thời, nhiệm vụ mới đòi hỏi phải được đào tạo lại một cách nghiêm túc.
Chiến dịch “Monastưir” xuất phát từ nguyên tắc hoạt động tương tự như các chiến dịch tình báo được xây dựng từ những năm đầu cầm quyền của Liên bang Xô Viết. Theo đó, các lực lượng ở nước ngoài tin vào khả năng tồn tại một tổ chức quân chủ ngầm ở Liên Xô.
Tên gọi “Monastưir” (Tu viện) được đặt cho chiến dịch này, xuất phát từ một nhân vật Boris Sadovsky, đại diện cho một gia đình quý tộc Nga, bị mất tài sản và sống ẩn dật trong Tu viện Novodevichy. Và chính Sadovsky được “bổ nhiệm” lãnh đạo tổ chức quân chủ ngầm ở Liên Xô.
Sau khi Demyanov trở lại Liên Xô, ông tạm dừng liên lạc nhằm không làm dấy lên nghi ngờ từ quân Đức quốc xã. Theo kế hoạch Sudoplatov phát triển, Demyanov đảm nhận chức vụ sĩ quan liên lạc cấp cơ sở trong Bộ Tổng tham mưu Hồng quân Liên Xô.
Nhiệm vụ chính của chiến dịch là chuyển thông tin sai lệch cho quân Đức, dưới chiêu bài thông tin nhận được từ Bộ Tổng tham mưu và từ các cựu sĩ quan Nga Sa hoàng.
Trong quá trình đào tạo ở Abwehr, Alexander Demyanov được phát xít Đức đặt cho biệt danh là “Flamingo”. Trong các hoạt động trao đổi thông tin từ Liên Xô, tình báo Đức thường yêu cầu báo cáo các nội dung về việc chuyển quân.
Theo hướng này, thông tin sai lệch đã được Demyanov thực hiện, dưới danh nghĩa là người được ủy thác của Ủy ban Đường sắt nhân dân. Người Đức sau đó đã cử các điệp viên đến Moscow để gặp và phối hợp truyền tin với Demyanov. Tính đến năm 1943, điệp viên hai mang Demyanov đã nhiều lần qua mặt quân Đức.
Điệp viên hai mang Demyanov đang truyền thông tin về cho quân Đức. Ảnh: RIA Novosti. |
Một ví dụ điển hình về thông tin sai lệch được Demyanov báo cáo cho phát xít Đức là vào cuối tháng 5/1943. Báo cáo có đoạn: “Ngày 27/5, Nguyên soái Zhukov rời Moscow theo hướng Rostov trên một chuyến tàu đặc biệt, đi cùng với một số tướng lĩnh và sĩ quan. Trên tàu có bố trí 3 bệ súng phòng không”.
Công văn này do Phó tổng Tham mưu trưởng Hồng quân Liên Xô, Đại tướng Alexei Antonov gửi đi, với nội dung yêu cầu: “Văn bản này phải được chuyển giao cho địch chậm nhất là ngày 29/5/1943.
Ý nghĩa của thông điệp sai lệch này là rất rõ ràng: Tình báo Liên Xô muốn đánh lạc hướng phát xít Đức khỏi các hành động thực sự của Nguyên soái Zhukov gần khu vực Kursk, nơi chiến dịch phòng thủ và phản công tiếp theo của Hồng quân đang được chuẩn bị.
Chiến dịch tình báo“Monastưir” được rút vào mùa hè năm 1944, khi vai trò của thông tin sai lệch không còn nhiều giá trị nữa trên chiến trường. Điệp viên Demyanov sau đó đã được gửi đến một đơn vị khác đảm nhận nhiệm vụ mới.
Trong quá trình thực hiện chiến dịch phản gián, tổng cộng có hơn 50 điệp viên của phát xít Đức đã bị phát hiện và bắt giữ. Nhiều thông tin sai lệch được chuyển đến bộ chỉ huy quân đội phát xít Đức, có tác động lớn đến các trận chiến, bao gồm cả trận đánh Stalingrad và Kursk.
Điệp viên của Cơ quan an ninh nhà nước của Liên Xô, Alexander Demyanov trở thành một huyền thoại trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Demyanov sau đó được trao tặng Huân chương Sao Đỏ. Ông sống ở Moscow cho đến khi mất vào năm 1978.
Link gốc:
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/nghe-thuat-quan-su-the-gioi/chien-dich-phan-gian-dac-biet-cua-tinh-bao-lien-xo-686402