Theo WSJ, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch không kích hôm 30/9, giới quân đội Nga đã tải lên mạng hàng loạt video ngắn, ghi lại hình ảnh chiến đấu cơ dội bom và tên lửa lên những mục tiêu tại Syria. Chỉ vài giờ sau cuộc không kích đầu tiên, Bộ Quốc phòng Nga đã đăng tải video lên Facebook, thu được hàng nghìn lượt thích và chia sẻ.
Phía Nga tuyên bố rằng họ tiến hành những cuộc không kích vô cùng chính xác nhằm tránh thương vong cho dân thường. Người phát ngôn của Điện Kremlin, Dmitry Peskov, khẳng định các thông tin về thương vong của người dân thường là "một trò lừa bịp" nhằm hạ uy tín của Nga.
Hình ảnh trong các video được đăng tải rất rõ nét, nhấn mạnh khả năng chiến đấu công nghệ cao của Nga. Trên trang mạng xã hội lớn nhất của Nga, VKontakte, người dùng chia sẻ đoạn video và liên tục ca ngợi Nga đã cứu giúp Syria và cả thế giới khỏi mối hiểm nguy đến từ tổ chức Nhà nước hồi giáo (IS).
"Chắc vài tuần nữa thôi là chả còn bóng dáng IS", Semyon Chernigov, sống tại thành phố Engels, cách Moscow khoảng 800 km về phía đông nam, viết. "Vinh quang sẽ dành cho nước Nga".
Xét về nhiều mặt, cách đưa thông tin này của điện Kremlin có thể bị xem là vay mượn từ một trang web của Lầu Năm Góc, chuyên đưa video về các cuộc không kích và cảnh quay từ buồng lái để cho thấy khả năng chính xác các thiết bị quân sự mà Mỹ có.
Chiến dịch thu hút ủng hộ trên mạng xã hội này đặc biệt phù hợp với "Thế hệ Putin": những người dưới 30 tuổi, ra đời khi Liên Xô tan rã và lớn lên trong quãng thời gian mà Putin luôn là lãnh đạo quốc gia, dù ở vị trí tổng thống hay thủ tướng.
Các bình luận trực tuyến cho thấy lòng yêu nước của giới trẻ lên cao kể từ khi Nga sáp nhập Crimea tháng 3/2014. Những chiếc áo phông có in hình ông Putin với khẩu hiệu "Crimea là của chúng ta" trở nên rất được ưa chuộng.
Nhiều trang web và nhóm trên mạng xã hội đã bày tỏ sự ủng hộ đối với hoạt động của Nga tại Ukraine bây giờ cũng tiếp tục ủng hộ chiến dịch của Nga tại Syria. Một vài nhóm nói rằng họ ủng hộ Syria và ông Assad.
Một nhóm có tên Russia Online Novorossiya Syria, với hơn 172.000 người theo dõi, thường xuyên đăng lại những đoạn video tin tức về hoạt động của Nga tại Syria. Những kênh truyền hình nhà nước như Rossiya 24 và Channel One một tuần trước khi chiến dịch không kích diễn ra, đã chiếu các hình ảnh cho thấy hành vi tàn bạo của IS, cũng như toàn cảnh chiến trường kịch tính từ chính quyền Syria, đôi khi có một số hình ảnh được thu lại từ máy bay không người lái.
Theo thăm dò dư luận, 88% người Nga tiếp cận tin tức qua truyền hình. Chỉ có 17% người Nga tìm xem tin tức trên các trang blog, diễn đàn và mạng xã hội. Ngoài ra, 63% người Nga nói rằng họ tin tưởng truyền hình hơn các nguồn khác.
Tuy nhiên, số lượng người sử dụng Internet ở Nga đang tăng, với khoảng 65% số dân sử dụng trong năm nay, so với khoảng 60% trong năm 2014, theo ước tính của một trang web thống kê. Theo một cuộc khảo sát được tổ chức hồi đầu năm nay, 53% người Nga đã trả lời là thường xuyên sử dụng Internet, ít nhất một lần mỗi ngày.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga họp báo với màn hình lớn, trình chiếu video quay cảnh không kích tại Syria. Ảnh: Tass/Zuma Press.
Mặc dù có rất nhiều hình ảnh về chiến dịch tại Syria được đưa lên mạng, các nhà phân tích nhận thấy làn sóng bình luận về vấn đề Syria không nhiều, trong khi bình luận về vấn đề Crimea và Ukraine mạnh hơn nhiều.
Với vấn đề Syria, những người Nga không quá quan tâm chính trị sẽ lựa chọn thái độ "chờ xem", Lyubov Borusyak từ Đại học Kinh tế ở Moscow và Alexei Levinson từ trung tâm thăm dò dư luận độc lập Levada, viết.
Một cuộc thăm dò được tiến hành từ 2-5/10 của trung tâm Levada cho thấy 46% người dân đồng tình với quyết định của quốc hội cho phép sử dụng lực lượng quân sự Nga ở Syria, trong khi 33% phản đối điều này.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có bất cứ nghi ngờ gì về chính sách ông Putin đưa ra.
"Tôi không hề phản đối việc ném bom IS, nhóm này là mối đe dọa rất nghiêm trọng", blogger thân phương Tây Anatoly Vorobey viết. "Chúng bị xóa sổ càng nhanh thì càng tốt cho thế giới". Nhưng Vorobey cũng nói thêm rằng anh đặc biệt chú ý đến mức độ cường điệu của bộ máy tuyên truyền.
Mặc dù ông Putin khẳng định IS là kẻ thù chính, quan chức Mỹ và phương Tây nói rằng chiến dịch của Nga có vẻ như nhằm củng cố chính quyền của ông Assad, bởi quân chính phủ đã thất bại nghiêm trọng trong cuộc đấu với các nhóm nổi dậy.
Tuy vậy, trên mạng xã hội Vkontate của Nga, những ý kiến đề cao lợi ích của nước này và đánh đồng các nhóm nổi dậy với khủng bố vẫn chiếm đa số.
"Nếu bạn là một người yêu nước, bạn phải coi trọng lợi ích của Nga ở Trung Đông và đứng lên bảo vệ Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống lại các thế lực xấu xa", một nhóm trên VKontakte mang tên Vì nước Nga và và Syria viết.