'Chiến dịch' đào tạo nhân lực bán dẫn: Số lượng tiến sĩ mới đếm trên đầu ngón tay

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Chiến dịch” đào tạo nhân lực ngành bán dẫn sẽ được mở trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có, điều chỉnh phù hợp để đạt mục tiêu đề ra nhưng không xáo trộn quá nhiều.

Chiều 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò rất quan trọng, là nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi thông minh.

'Chiến dịch' đào tạo nhân lực bán dẫn: Số lượng tiến sĩ mới đếm trên đầu ngón tay ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh Nhật Bắc

Từ cuối năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng ban hành Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", với mục tiêu đào tạo 50-100 nghìn kỹ sư bán dẫn.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý về những công việc cần triển khai của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ và các địa phương, "để mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có, điều chỉnh phù hợp để đạt mục tiêu đề ra nhưng không xáo trộn quá nhiều".

Trao đổi về Đề án, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể là đào tạo giảng viên, sinh viên hệ chính quy; đào tạo nhân lực trình độ sau đại học. Cùng với đó là việc đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ phục vụ đào tạo; thu hút chuyên gia, nhân tài; tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp…

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đang có chiến dịch chạy đua toàn cầu về thu hút FDI. Chúng ta nên lấy lợi thế địa chính trị, nhân lực, hạ tầng là chính để tạo ra sức cạnh tranh của mình.

Cũng theo Bộ trưởng, trong ngành công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp liên quan đến trọng yếu quốc gia nên vai trò dẫn dắt của Nhà nước là quan trọng. Trong Chiến lược cũng nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như doanh nghiệp lớn trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn để bảo đảm tính linh hoạt.

"Số lượng tiến sĩ đếm trên đầu ngón tay"

'Chiến dịch' đào tạo nhân lực bán dẫn: Số lượng tiến sĩ mới đếm trên đầu ngón tay ảnh 2

PGS.TS. Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: Nhật Bắc

Theo Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn, đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có hai hướng. Một là đào tạo ngắn hạn chuyển đổi sang lĩnh vực này; hai là phải có sự dài hơi dựa trên lĩnh vực chúng ta đang đầu tư trong nhiều năm nay.

Về giải pháp, ông nhấn mạnh 3 nhóm vấn đề lớn, trong đó đội ngũ giảng viên là vấn đề quan trọng. Chúng ta đã đặt ra mục tiêu đào tạo các chuyên gia, nhưng sẽ có 2 nhóm chuyên gia, nhóm có thể giảng dạy được và nhóm chuyên gia đầu ngành. Ngoài ra, theo ông Sơn, cần có cơ chế không chỉ là bồi dưỡng mà phải thu hút được các chuyên gia và sinh viên giỏi.

PGS.TS. Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một ngành học hoàn toàn mới, số lượng tiến sĩ đếm trên đầu ngón tay. Nếu đối chiếu theo quy định hiện hành thì cũng không thể mở ngành, hoặc nếu có mở ngành thì cũng chỉ tuyển ở quy mô rất nhỏ.

'Chiến dịch' đào tạo nhân lực bán dẫn: Số lượng tiến sĩ mới đếm trên đầu ngón tay ảnh 3

Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng. Ảnh Nhật Bắc

“Tôi mong muốn thông qua đề án này, chúng ta có được những cơ chế chính sách vượt trội, để có thể tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Quân nói.

Trong khi đó, ông Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, đến năm 2030, trường có thể đào tạo được từ 1.000-1.200 kỹ sư các ngành đúng và chuyển đổi khoảng 6.500 các ngành gần.

“Dự kiến, đến năm 2030, chúng tôi sẽ quyết liệt thu hút nhân tài để trở thành giảng viên. Vì vậy, việc thu hút nhân lực cao để trở thành các giảng viên xuất sắc rất cần thiết”, ông Thắng nói thêm, vừa qua, trường đã tuyển dụng được 2-3 phó giáo sư xuất sắc ở nước ngoài về Việt Nam làm việc.

MỚI - NÓNG