Chiến binh sông Hồng kể chuyện học bơi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Là người khởi xướng và hoàn thành chặng bơi 200km từ Hà Nội đến cửa biển Thái Bình trong 3 ngày, Nguyễn Ngọc Khánh đã đứng ra tổ chức một tua chống đuối nước và cứu hộ hoàn toàn miễn phí cho trẻ em ở 10 tỉnh thành dọc sông Hồng. Song song với dự án này, nhóm của anh Khánh cũng đặt mục tiêu lắp phao cứu sinh ở tất cả những cây cầu bắc ngang sông Hồng.

Những khóa học dọc sông Hồng

Tôi biết đến khóa dạy bơi miễn phí của Nguyễn Ngọc Khánh qua một người bạn thường xuyên bơi ở sông Hồng. Cụ thể thì các khóa học này chào đón tất cả mọi lứa tuổi “già trẻ lớn bé, miễn là người muốn biết bơi”. Mục tiêu họ đặt ra cũng rất đáng chú ý: 100% người ở Hà Nội biết bơi và bơi an toàn ngoài sông Hồng.

Khi tôi gặp Khánh, anh vừa hoàn thành một nửa chặng hướng dẫn phòng chống đuối nước và cứu hộ cho học sinh ở ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và một vài trường ở Hà Nội. “Đi rồi mới biết, ở nhiều tỉnh, bơi là một cái gì rất xa lạ với nhiều người. Ngay tại Hà Nội, đi quá sang Đông Trù, Nhật Tân, Đông Anh, tôi ngạc nhiên vì trẻ con có rất ít thông tin về bơi lội an toàn, chúng hầu hết không biết bơi dù sống ngay cạnh sông Hồng, sông Đuống. Trong khi mỗi năm, đặc biệt từ khoảng tháng 6 đến tháng 8, luôn có những tai nạn đuối nước rất đáng tiếc mà lẽ ra có thể phòng chống được nếu lũ trẻ có nhiều kỹ năng hơn”, anh kể.

Từ lần chủ quan suýt chết đuối

Nguyễn Ngọc Khánh sinh năm 1987, được coi là biết bơi từ năm 10 tuổi. Anh giải thích: “Nếu xét theo tiêu chí biết bơi là có thể nổi trên mặt nước và di chuyển được thì 10 tuổi tôi đã bơi thành thạo. Đến 30 tuổi thì tôi mặc định mình là người bơi giỏi. Nhưng khi hút chết vì đuối nước, tôi mới thấy tiêu chí “biết bơi” ấy chỉ là do mình tự nghĩ mà thôi”.

Cuối năm 2018, anh Khánh đăng ký tham gia một giải bơi phượt đường dài ở hồ thủy điện Thanh Hóa. Xuống nước “bơi nháp” với lòng tin “người ta - chủ yếu là các chú bác năm sáu mươi tuổi - bơi được thì mình cũng bơi được”, Khánh bảo anh lúc đó không có một chút kinh nghiệm nào với môi trường bơi tự nhiên cũng như cách thức sinh tồn ở đây. Tháng 10 âm chưa cười đã tối, trời sập xuống rất nhanh, Khánh bị lạc đoàn, trước đó vì quá tự tin không đem theo phao, anh xuống sức rất nhanh, cộng tâm lý hoảng loạn, chuột rút, lại cách bờ đến mấy cây số nên “cầm chắc chết chín mấy phần trăm”. Ở những giây quẫy đạp cuối cùng, anh nhìn thấy một cái phao lơ lửng gần đó. Ân nhân cứu mạng của Khánh “đến và đi nhanh như một cơn gió”, anh chỉ kịp biết là một cao thủ bơi lội người Hải Phòng. Hai câu nói vào thời điểm đó của “cao thủ”, Khánh bảo đến chết không quên. Câu thứ nhất, đàn anh ấy nhìn vào mắt anh và hét lên: “hít vào... thở ra”. Khánh vô thức làm theo khoảng 10 lần thì bình ổn hơi thở. Câu thứ hai, người ấy bảo: “kể cả bây giờ cách bờ 20km anh vẫn có cách đưa chú vào bờ”. Câu nói cứng ấy khiến những hoảng loạn, khiếp sợ... được dẹp yên hoàn toàn.

Cú hút chết nhớ đời ấy đã khiến Nguyễn Ngọc Khánh hiểu rằng anh hóa ra chưa biết bơi đúng nghĩa. Đúng một tuần sau đó, anh quyết tâm đi học bơi lại từ đầu. Cũng nhờ lần hút chết đó, anh luôn muốn đem những kiến thức, kinh nghiệm mình có được lan tỏa cho người khác, để bớt đi những tai nạn đuối nước thương tâm, mà theo lý giải của một người dày dạn kinh nghiệm sông nước thì hơn 90% nguyên nhân là do chủ quan, ngộ nhận.

Du học... bơi

Bơi không phải là nghề nghiệp của Nguyễn Ngọc Khánh, công việc chính của anh là nhân viên văn phòng của một công ty Nhật Bản tại Việt Nam.

Ban ngày đi làm, tan sở, anh ra thẳng bể bơi Tăng Bạt Hổ để học lại. “Lúc này mới phát hiện, 90% mọi người bơi giống mình, nghĩa là không có kỹ thuật, chỉ bơi bằng sức, chỉ có 10% bơi khác. Tôi quyết định học theo những người bơi khác ấy”, anh kể.

Thời gian học trong bể, tính sơ sơ Khánh có đến khoảng hai ba mươi người thầy. Ấn tượng nhất là một cháu bé 11 tuổi. “Tôi thấy cháu bơi sải bàn quạt, lộn santo liên tục, phải đến chục vòng không nghỉ nên tôi quyết định hãm cháu lại một tí và hỏi: "làm sao để bơi được như cháu?" - Cháu nói: 3 năm chú nhé! Thế là cứ ngụp lên ngụp xuống nhìn nó bơi xong bắt chước, không hiểu thì hỏi”.

Chiến binh sông Hồng kể chuyện học bơi ảnh 1

Anh Khánh và em Lê Hải Tú (7 tuổi) – người đã hoàn thành chặng bơi 15km trên sông Hồng

Thời gian sau đó, Khánh gọi là quá trình du học... bơi. Anh đi dọc từ Bắc vào Nam tầm sư học đạo. Từng thụ giáo vận động viên Phạm Hiển (kiện tướng quốc gia bơi bướm), vận động viên Quách Hoài Nam (người đầu tiên của Việt Nam tham gia Olympic hạng mục bơi ở Seoul năm 1988), một huấn luyện viên người Nhật, một huấn luyện viên người Mỹ, rồi từng tập theo giáo trình của tuyển bơi quốc gia nên Nguyễn Ngọc Khánh tiến bộ rất nhanh. “Trước đó nhìn các anh chị bơi 1.000m liên tục tôi thần tượng lắm. Nhưng chỉ 2 tuần sau đó tôi đã bơi được 2km, một tháng sau là 10km, vài tháng sau bơi 20km, một năm sau thì tôi bơi được 70km, nhiều người sốc không tin nổi”, anh Khánh nhớ lại.

Cũng nhờ quá trình “du học” này, anh tổng kết được định nghĩa “biết bơi” như sau: Một người gọi là biết bơi phải hội tụ được ba yếu tố: thứ nhất là bơi được liên tục trong 2-3 giờ. Ví dụ nếu ra biển gặp dòng chảy xa bờ, nếu không bơi liên tục được 2-3h thì cầm chắc là chết. Bản thân anh Khánh từng gặp trường hợp này cách đây 3 năm. Bơi ở biển Đà Nẵng, anh bị dòng xa bờ cuốn đi.

“Đặc điểm của nó là cuốn rất êm, chỉ vài chục sải tay bình thường tương đương vài chục mét nhưng bị cuốn nên thoáng chốc đã cách bờ hơn 2 cây số. Nếu bình thường bạn chỉ bơi được 45 phút là thể lực cạn, thế thì nguy. Bạn bơi được trên 2 tiếng thì khác hẳn. Lúc này chỉ cần cắt chéo dòng, túc tắc bơi vào là được”. Anh Khánh cũng cho biết thêm: để có thể bơi liên tục nhiều giờ không mệt, thì kỹ thuật bơi, kỹ thuật thở phải thành thạo. Nhiều người bơi vài chục phút đã mệt do kỹ thuật chưa đúng, đó chưa gọi là biết bơi.

Tiêu chí “biết bơi” thứ hai, chiếm khoảng 40-50%, theo anh Khánh là phải có hiểu biết cụ thể về môi trường bơi của mình. Sông, hồ, ao, thác... đều có đặc điểm riêng không giống bể bơi. Nếu chưa hiểu kỹ về địa hình đã nhảy xuống bơi, xác suất gặp rủi ro là rất cao, kể cả những người có tích lũy giờ bơi phong phú.

Chiến binh sông Hồng kể chuyện học bơi ảnh 2

Anh Nguyễn Ngọc Khánh

Tiêu chí thứ ba, chính là có kiến thức về an toàn dưới nước và cấp cứu đuối nước, ví dụ trời nắng xuống nước phải biết là có khả năng say nắng để đề phòng, cũng phải học cách sử dụng phao, cách cấp cứu khi cần thiết...

Đây cũng chính là những nội dung anh Khánh đưa vào các khóa học chống đuối nước cho trẻ em vào mùa hè: “Tôi không kỳ vọng chỉ qua một vài buổi có thể dạy trẻ con biết bơi, vì bản thân tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian mới bơi được và tự tin bơi. Nhưng tôi muốn cung cấp thêm nhiều thông tin, để các em có cái nhìn tổng thể và lường trước được những hậu quả khi chưa chuẩn bị kỹ mà đã xuống sông nước”.

Những thông tin thiết thực đến mức, một thầy hiệu trưởng ở Đông Anh sau khi nghe anh hướng dẫn phải nói: “hóa ra tôi trước nay cũng chỉ nổi được trên nước thôi”. Cũng thầy giáo này đề nghị mỗi năm nên có một khóa “bơi” nhắc lại bởi đó chính là những bài học sinh tồn cần cho cả người lớn và trẻ em khi tiếp xúc với môi trường nước.

Bơi 200km trong 3 ngày

Sau khi đã nắm chắc kỹ thuật bơi và có thể thuần thục bơi 70km từ Hà Nội đến Hưng Yên, anh Khánh quyết định tổ chức một chuyến bơi đường dài 200km bắt đầu từ Hà Nội và kết thúc ở cửa biển Thái Bình. Đây là ý tưởng anh tình cờ gặp trên mạng: tại Hà Lan, một thanh niên bị ung thư đã thành công bơi 200km trong 3 ngày, anh Khánh cũng ra định mức cho mình là 3 ngày dù “chả ai bắt thế”.

Để chuẩn bị cho cuộc chơi “điên” này, anh tập mất gần nửa năm. “Tuần ba buổi, một người anh đều gọi tôi từ 3h sáng, hai anh em chạy hơn 10km từ Giải Phóng đến Phú Thượng, sau đó bơi khoảng 10km nữa từ Phú Thượng về Long Biên, lên bờ ăn ba bát cháo ca la thầu khiến cả quán trố mắt rồi đến cơ quan đi làm. Cuối tuần chúng tôi bơi dài, bơi xa cho quen cự ly”.

Rút kinh nghiệm từ lần hút chết, anh Khánh chuẩn bị cho chặng đường mạo hiểm này kỹ lưỡng đến từng tiểu tiết. Ví dụ, để loại bỏ yếu tố thời tiết (nóng hoặc lạnh), anh phải đặt mua một bộ áo bơi đặc chế giá gần hai chục triệu từ Mỹ. Rồi kính, mũ bơi, nút tai, bao tay, bao chân... mỗi thứ đều phải thử đi thử lại nhiều lần mới tìm ra được phụ kiện phù hợp nhất.

Chuyến ấy, anh Khánh bơi 15 tiếng mỗi ngày, thời gian còn lại dành để ăn, nghỉ và ngủ. Mỗi ngày anh bơi từ 2-3h sáng, cứ khoảng 2 tiếng thì nghỉ một lần, nhiều lần thót tim vì gặp tàu lớn và những sự cố ngoài ý muốn do quãng đường quá dài, địa hình không chỗ nào giống chỗ nào. Đến ngày thứ hai mấy người trong đoàn đã bỏ cuộc. Cuối cùng cán đích chỉ có anh và một người bạn là giáo viên thể chất.

Nguyễn Ngọc Khánh chia sẻ:

Tôi sẽ không thể hoàn thành chặng bơi 200km nếu không có sự hỗ trợ, động viên từ đội hậu cần toàn anh em, bè bạn đi theo. Nếu chúng tôi bơi dưới sông vất vả mười thì đội hậu cần vất vả 11. Nhiều điểm dừng không có đường vào, họ phải bỏ ô tô đi bộ, khuân theo nào thức ăn, nước uống, nào đồ tiếp tế. Sau này nghĩ lại tôi cũng thấy hành trình ấy rất điên rồ, giờ cho chơi lại cũng không dám.

Những giải bơi đặc biệt

Để lan tỏa phong trào bơi lội tới nhiều người, anh Khánh đã đứng ra tổ chức nhiều giải bơi lớn nhỏ thu hút hàng trăm người cả trong và ngoài nước tham gia.

Đơn cử, giải bơi Hòa Bình cự ly 10km (sẽ diễn ra vào 12/6 sắp tới), tổ chức ở Đảo Dừa (Hòa Bình) thu hút 112 vận động viên tham gia, trong đó có nhiều vận động viên người Nhật Bản, Mỹ, Malaysia, Pháp... Người lớn tuổi nhất là một phụ nữ 70 tuổi, ít tuổi nhất là một vận động viên nhí 6 tuổi.

Trước đó, trong một giải bơi ở sông Hồng do anh Khánh tổ chức, một vận động viên người Nhật - anh Takanori Ayusawa đã lập kỷ lục bơi bướm 10km. Cũng trong giải đấu đó, bé Lê Hải Tú (7 tuổi) đã hoàn thành xuất sắc chặng bơi 15km trong sự ngưỡng mộ của nhiều người.

MỚI - NÓNG