Chiêm quan Quốc tổ Lạc Long Quân

Bức phù điêu giá tượng Đức Quốc tổ Lạc Long Quân trên 1000 năm tuổi được dát vàng.
Bức phù điêu giá tượng Đức Quốc tổ Lạc Long Quân trên 1000 năm tuổi được dát vàng.
TP - Cận ngày giỗ Tổ, may mắn được đến Đình thiêng Bình Đà - nơi thờ Quốc tổ Lạc Long Quân sinh ra các Vua Hùng cội nguồn dân tộc.

Cái năm xa, guồng xe đạp theo đường 21B xuôi Vân Đình đi viết về điển hình hợp tác hóa nông nghiệp Minh Sinh, Bình Đà từng ở trọ nhà ông phó chủ nhiệm Bình Đà mấy ngày… Rồi đận cũng nhoáng nhoàng đạp xe qua Bình Đà cất ít pháo cầu bảy kiếm tý Tết nhưng lại không để ý đến ngôi đình bề thế Bình Đà từng thờ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân này nhỉ?

Bình Đà nay thuộc xã Bình Minh của Thanh Oai, đất mới Thủ đô. Bây giờ mới có dịp để rành rẽ, Bình Đà có đình Nội và đình Ngoại. Nội, thờ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân. Ngoại, thờ Đức Linh Lang Đại vương con vua Lý Thánh Tông từng có công diệt Tống xâm lăng. Cả hai vị đều được thờ là Thần thành hoàng làng.

Có lẽ chỉ có hội Bình Đà hằng năm đúng vào ngày đại kỵ quốc tổ là dài nhất so với hội hè vùng miền khác. Hội mở từ 26 tháng 2 âm lịch đến mồng 6 tháng 3.  Về hội, nghe dân làng nói từ trước hội, nhiều quan chức đã về đình Nội chiêm bái. Cũng là phải nhẽ lắm. Bởi  thờ Quốc tổ Lạc Long Quân Bình Đà đã được công nhận là Di tích lịch sử. Đặc biệt nữa, được Bộ Văn hóa đưa vào Danh mục đầu tiên của Hà Nội là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước nữa, xa và xưa, Bình Đà có tên Cổ Nõi ( Kẻ Nõi) tên Nôm của làng. Lại có tên là làng Bùi (thời Lê đổi Bảo Cựu, thời Lý đổi Bảo Đà và cái tên Bình Đà có từ Minh Mạng 1820 thuộc phủ Ứng Thiên) từng nổi danh tục thờ Quốc tổ Lạc Long Quân.

Bia ở đình năm Kỷ Mùi (1919) khắc dòng chữ “Đình làng ta thờ Quốc tổ Lạc Long Quân đã có từ lâu đời...”. Ngôi đình từng bề thế nguy nga ấy bị bằng địa năm 1947, thời tiêu thổ kháng chiến và được phục dựng và xây mới cũng mới gần đây trên nền cũ kiểu chữ đinh. Hậu cung đặt long ngai Lạc Long Quân, cung đệ nhị đặt đồ thờ. Đại đình (đại bái) phương đình nơi đặt lễ. Hai bên tả mạc đường bệ bao khu sân gạch rộng lớn, bốn mùa rợp mát bóng cây. Trước ngọ môn là sân kề bên ao sen mới được khôi phục lại năm Canh Dần. Ao rộng 500m2.  Mấy cụ cao niên đang có ý như muốn khai nhỡn cho du khách dự hội thấy cái huyền bí linh thiêng của ngôi đình.  Rằng có thấy cái mặt nhật trên mái đền soi bóng xuống ao sen kia không? Ấy là khi mặt trời mọc, chiếu ánh sáng vào mặt nhật, soi bóng xuống ao sen, tỏa hắt lên muôn vàn luồng năng lượng sinh khí của tất cả những giờ “hoàng đạo” trong ngày.

Qua đình không có nón nhưng vẫn phải ngả mũ len để quan chiêm bức hoành rờ rỡ bốn chữ chỗ cửa đình Vi Bách Việt Tổ (Tổ của trăm họ Việt) cùng đôi câu đối Tứ phương hội tụ ngưỡng chi ân Quốc Tổ/ Vạn lý hành hương mộ cổ địa Bảo Đà. Chiêm quan thêm cây đa tía và 3 cây muỗm cổ thụ mới vừa được công nhận cây Di sản. Cây muỗm tuổi thọ vài trăm niên còn sót lại.

Tha thẩn trong đình được ông Nguyễn Hữu Minh Bí thư Đảng ủy khóa trước giảng giải cho nhiều thứ. Ông Minh là con cụ Nguyễn Hữu Kế từng có hơn 40 năm làm thủ từ đình Nội này. Kích rích lắm thủ tục là lệ xưa giăng suốt hội 10 ngày. Trong đó có tục đốt pháo lệnh (thứ pháo cây 16 quả nổ nhất thanh, loại pháo đặc biệt của Bình Đà với kỹ thuật và thao tác phức tạp mang yếu tố tâm linh âm dương bí quyết của làng nghề Bình Đà đến nay không dám dùng vì quy định nhà nước cấm pháo). Những năm gần đây, chính quyền và dân làng thường tổ chức lễ đại vào 6-3 Âm lịch với đủ nghi thức truyền thống, có ban ngành, các cấp huyện, thành phố về dự, tế lễ, dâng hương, đọc chúc văn, rước và thả bánh vía.

Chiêm quan Quốc tổ Lạc Long Quân ảnh 1

Bần thần coi lại vế đối thứ hai Vạn lý hành hương mộ cổ địa Bảo Đà.  Rõ cái ý chỉ ngôi mộ Quốc tổ Lạc Long Quân. Mộ tổ đây ư? Ngay bên đình, cái gò có tên là Tam Thai kia? Nhưng có lẽ chỉ là tương truyền? Chắc chắn bài vị và lời cầu khấn thờ Quốc tổ Lạc Long Quân trong hậu cung đình Nội kia cũng giống như sự thành kính của con dân nước Việt tại nơi thờ phụng Đức Quốc tổ tại 138 địa danh có dấu ấn về đền đài thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ mà ngành văn hóa vừa thống kê được. 138 đền, đình đài trải khắp miền Bắc. Đậm đặc nhất là vùng Vĩnh Phúc, Phú Thọ, vùng văn hoá Kinh Bắc xưa, nay là Bắc Ninh. Rồi các tỉnh phía Nam trong đó có Sài Gòn. Và tận xứ Sóc Trăng xa tắp cũng mới có đến thờ Quốc tổ.

Nhớ lần GS Trần Quốc Vượng lên Đền Hùng, nhân có người đi theo thắc mắc nhiều vấn đề về lịch sử, GS đã rộng lòng chỉ ra đại ý thế này. Với quá vãng và hiện tại, những di chỉ khảo cổ khai quật được từ trước đến nay khẳng định và cho phép có thời đại Hùng Vương trong lịch sử Đại Việt, phù hợp với truyền thuyết. Rồi từ huyền thoại, qua tâm thức dân gian, nhân vật Đức Thánh tổ Lạc Long Quân trở thành biểu tượng giá trị lịch sử độc đáo, khâu nối liền mạch từ Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương, đến Lạc Long Quân sinh ra các Vua Hùng, cội nguồn dân tộc, bệ đỡ cho truyền thống quý báu mang bản sắc văn hóa dân tộc của người Lạc Việt.

Có lẽ truyền thuyết, tâm thức dân gian và việc thờ phụng Đức Quốc tổ không đồng nghĩa với việc ở đâu có đình, đền, hương khói thờ phụng ngài là ở đó có cơ sở để suy diễn phần mộ Đức Quốc tổ đang hiện diện hoặc lẩn quất đâu đó? Một dạo từng ầm cả lên rằng ở vùng đất Luy Lâu Thuận Thành của Bắc Ninh phát lộ phần mộ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân? Các cơ quan có trách nhiệm đã nhanh chóng vào cuộc bởi Thuận Thành là cả quần thể di tích cổ theo những truyền thuyết từ thời Âu Lạc. Nếu xét nguyên mẫu trong tín ngưỡng thì đây là những di tích cổ xưa nhất nước. Đó là chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tướng, chùa Đàn, thành Luy Lâu, chùa Bút Tháp, đền thờ, lăng mộ Kinh Dương Vương… Đây được coi là nơi an nghỉ của thủy tổ con Lạc cháu Hồng. Nhưng qua tìm hiểu nghiên cứu kỹ tất cả văn bia, sắc phong, thần phả thì không thấy có tài liệu nào nói về phần mộ Lạc Long Quân.

Và không chỉ có ở Luy Lâu nhiều nơi khác cũng phát ra những lời đồn đại nhưng qua kiểm chứng không có cơ sở khoa học và không thể minh chứng được điều gì! 

Nghĩ thêm, các cơ quan chức năng chúng ta đã khá thận trọng, bài bản và khoa học trong việc kiểm tra thẩm định về truyền thuyết ngôi mộ của Lạc Long Quân tại Ba Gò (Tam Thai) ở Bình Đà.  Họ không bị mặc cảm vướng bận về bằng chứng được coi là ngọc phả của đất Bình Đà xưa nghe nói là Cổ Nõi ngọc phả hiện lưu tại Đền Hùng, niên hiệu Thái Bình thứ hai 971 có ghi “Mộ Quốc tổ Lạc Long Quân táng tại Ba Đống (Ba Gò) đồng Thượng Bảo Cựu, hậu Bảo Đà... Tri ân Đức Quốc tổ, dân làng Bảo Đà lập ngôi đền Nội thờ Ngài. Không biết các cơ quan quản lý, nghiên cứu đã tiến hành điều tra khảo sát hay khảo cổ những gì mà thay mặt quốc gia cấp hai chứng chỉ, tạm gọi là sắc phong của chế độ mới cho Đình thờ Quốc tổ Lạc Long Quân ở Bình Đà là Di tích lịch sử cấp quốc gia và  Di sản phi vật thể cấp quốc gia.

Khi chưa có cái ta cần thì phải vui với cái ta đang có vậy.  Trong hậu cung đình Nội Bình Đà hiện đang lưu một bảo vật được coi là báu vật quốc gia. Đó là bức phù điêu giá tượng Đức Quốc tổ Lạc Long Quân. Phù điêu dài 2,8m, rộng 2,2m, 5 tầng: 20 vị quan văn mặc áo thụng, tay cầm hốt, đầu đội mũ cánh chuồn; 16 vị quan võ cân đai bối tử, quắc thước, cầm long đao; 18 thị nữ áo dài nếp mỏng mềm mại dâng hòm sớ với cờ quạt, tàn, tán, ô, lọng; Hình chạm khắc voi, ngựa và nhóm dân binh đội mâm dâng hoa quả; dòng sông và những con thuyền rồng đang rẽ sóng; từng thuyền rồng các cặp đôi hai hàng trai tráng, mình trần khỏe mạnh, gò mình mải miết tay chèo. Nổi bật chiếm phần tư diện tích là chân dung Lạc Long Quân ngự trên ngai vàng,  đội vương miện lưỡng long chầu nguyệt, áo hoàng bào vóc dáng bệ vệ, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, thể theo 36 quý tướng nhà Phật… Toàn cảnh bức phù điêu toát lên đầy đủ cảnh sinh hoạt thuộc về triều đại Hùng Vương.

Tục truyền, bức phù điêu được khởi dựng từ thời nhà Đinh, khi Đinh Tiên Hoàng lên làm vua đã cho xây đền Thượng tại Phong Châu để thờ các vua Hùng với mỹ tự “Hùng Vương sơn nguyên Thánh Tổ”. Người đã giao cho Hoàng hậu Đan Gia và Đinh Quốc công Nguyễn Bặc đặc trách, cùng với Bộ Lễ tuyển các thợ giỏi để chế tác bức phù điêu này.

Rồi những nhà chức việc sẽ giải mã báu vật quốc gia như một tuyệt đích nghệ thuật chạm khắc gỗ Đại Việt. Đại để, chính xác niên đại chế tác? Các lớp sơn phết lên thuộc thời kỳ nào? Và dằng dặc những tao loạn binh lửa, can qua,  bảo vật ấy tồn tại bằng cách nào? Và tại sao 138 nơi thờ tự Đức Quốc tổ của nước Nam, bức phù điêu ấy lại chỉ duy nhất ngự tại Đình thiêng Bình Đà?...

Mỗi dịp tháng Ba về,  chiêm bái Quốc tổ, Giỗ tổ ta như được lật giở thêm trang huyền sử khơi gợi tiếp cho những dòng chính sử hồi phục, sinh sôi.

 Tiết Thanh Minh năm Dậu

Truyền thuyết, huyền thoại, dã sử nhiều thời điểm đã đi cùng chính sử. Rằng hay thì thật là hay nhưng phải có tiếng nói công minh và thỏa đáng của khoa học. Dân mình (hay giới học giả?) vốn tinh tường. Chả thế mà có một vị cao niên ở Hà thành nổi tiếng gần xa cái tài cho chữ, chắc trong lúc cao hứng đã hào phóng giáng bút ở Đền Quốc tổ Bình Đà những dòng như Đại Việt khởi nguyên tại Bình Đà địa linh nhân kiệt… Nghe đâu những dòng như thế đã được khắc vào đá nhưng nhiều ý kiến xầm xì, phản ứng nên đã bị cất đi?! Cổ nhân từng răn dạy khôn văn tế dại văn bia quả chí lý thay! 

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
TPO - Sáng 8/11, giá vàng trong nước đảo chiều tăng từ 1-1,8 triệu đồng/lượng. Trái ngược với hôm qua khi người dân ồ ạt bán ra, hôm nay nhiều người lại xếp hàng để mua, một số tiệm vàng phải treo biển thông báo hết hàng hoặc tạm ngừng bán.