Trong những năm làm quan Tuần phủ Phú Thọ, cụ Lê Trung Ngọc (sinh năm 1867, quê ở làng Liên Thành, tổng Dương Minh, huyện Bình Dương, Chợ Lớn, nay là quận 5, TP.HCM) đã giành nhiều tâm huyết, cùng nhân dân đóng góp công sức tu bổ, tôn tạo đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Cụ nhận thấy nhân dân quanh vùng Hy Cương ở phủ Lâm Thao và dân chúng muôn phương thường nô nức tìm đến, lễ bái lăng miếu Quốc Tổ. Người dân tự chọn ngày tháng tốt theo bản mệnh từng người để dâng lễ, thắp hương, nhưng tập trung và kéo dài suốt mùa xuân và mùa thu, rất tốn kém, lãng phí thời gian, tiền của, công sức, phân giảm lòng thành kính cũng như sự trang nghiêm tri ân công đức các Vua Hùng.
Đầu năm 1917, cụ Lê Trung Ngọc viết bản tấu trình lên Bộ Lễ, xin định lệ hằng năm lấy ngày 10.3 âm lịch để tổ chức Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, và đồng thời xin miễn trừ các khoản đóng góp của nhân dân địa phương ở phủ Lâm Thao và các kỳ tế mùa thu. Ngày 25/7/1917 (niên hiệu Khải Định năm thứ Nhất), Bộ Lễ đã phúc đáp bản tấu này, chính thức định lệ ngày 10/3 âm lịch là ngày Quốc lễ Giỗ Tổ, và cũng quy định rõ nghi thức, nghi lễ, lễ vật tế Tổ hằng năm. Mùa xuân năm Quý Hợi, niên hiệu Khải Định năm thứ 8 – 1923, tấm bia “Hùng miếu điển lệ bi” dựng tại đền Thượng, Đền hùng, đã ghi lại sự kiện lịch sử quan trọng này.
Ngày 2/4/2007, Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã thông qua Quyết định sửa đổi, bổ sung điều 73 Luật Lao động, cho người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm) để thực hiện tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng Tổ Tiên. Càng ngày, nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng càng được thực hiện quy mô, trang nghiêm, thành kính. Cùng với việc tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng ngày càng trang trọng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư, tôn tạo Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng với nhiều dự án quan trọng lên tới hàng ngàn tỷ đồng.