Tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch chung đô thị đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tóm tắt quy hoạch Thừa Thiên Huế trong 13 chữ: Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững.
Hai quy hoạch nói trên có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, tạo hành lang pháp lý trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, toàn diện và bền vững, tạo không gian phát triển mới, khơi thông nguồn lực và khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh khác biệt của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo quy hoạch, Thừa Thiên Huế xác định mục tiêu đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Trong ảnh là khu vực Kỳ đài, Quảng trường Ngọ Môn - Đại nội Huế.
Thừa Thiên Huế là vùng đất địa linh, nhân kiệt, văn hiến, cố đô lịch sử, thành phố di sản của thế giới, với 7 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, trong đó có 5 di sản là của riêng Huế, nhất là Quần thể di tích cố đô Huế với Hoàng thành và các lăng vua, chúa triều Nguyễn.
Trong ảnh là cụm công trình kiến trúc bên trong quần thể lăng vua Gia Long (Thiên Thọ Lăng), nằm tại xã Hương Thọ, thành phố Huế. Nơi đây vừa hoàn thành quá trình trùng tu, với kinh phí hơn 40 tỷ đồng.
Thiên Thọ Lăng là lăng tẩm của Gia Long hoàng đế (1762-1820), vị vua sáng lập triều Nguyễn. Đây là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến.
Cũng nằm tại địa bàn xã Hương Thọ, thành phố Huế là lăng vua Minh Mạng (Hiếu Lăng). Lăng nằm trên núi Cẩm Kê cách thành phố Huế khoảng 14km, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp nguồn tạo thành sông Hương.
Lăng được khởi công xây dựng vào tháng 9/1840 và được Vua Thiệu Trị tiếp tục xây dựng hoàn tất vào năm 1843.
Hiếu Lăng là một mô hình kiến trúc quy mô gồm 40 công trình lớn nhỏ, bao gồm cung điện, đền miếu và đài tạ... được bố trí trên một trục dọc theo đường Thần đạo dài 700m từ Đại Hồng môn ở ngoài cùng tới chân tường của la thành sau mộ vua.
Hình thế của lăng tựa dáng một người đang nằm nghỉ trong tư thế đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba sông trước mặt, hai nửa hồ Trừng Minh như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên.
Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) được xây dựng trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng (nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế). Đây là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn.
Lăng nằm trong một vòng La thành rộng khoảng 12ha, gồm gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ, dàn trải thành từng cụm trên những thế đất cao, thấp hơn nhau chừng 10m. Bố cục khu lăng gồm hai phần chính, trên hai trục song song, lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm Tiền án, núi Dương Xuân làm Hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố Minh Đường. Các công trình trong Lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm đặt tên gọi.
Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn. Qua cửa Vụ Khiêm, đến khu vực hồ Lưu Khiêm, trên hồ có Xung Khiêm tạ và Dũ Khiêm tạ, nơi nhà vua thường đến ngắm hoa, làm thơ và đọc sách.
Lăng Khải Định (Ứng Lăng) được xây dựng trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) thuộc xã Thủy Bằng, thành phố Huế. Lăng được khởi công ngày 4/9/1920 và kéo dài trong 11 năm mới hoàn thành.
Vua Khải Định (1916-1925) là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn và là người cuối cùng xây dựng lăng tẩm.
Để xây lăng, vua Khải Định cử người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói ác đoa; sang Trung Quốc, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh để kiến thiết công trình. So với các lăng trong hệ thống lăng tẩm ở Huế, lăng Khải Định có diện tích nhỏ nhưng rất công phu và tốn nhiều thời gian. Là kết quả hội nhập của nhiều dòng kiến trúc Á, Âu, Việt Nam cổ điển và hiện đại.
Lăng Đồng Khánh (Tư Lăng) được xây dựng trên vùng đất thuộc làng Cư Sĩ, nay là thôn Thượng Hai, phường Thủy Xuân, thành phố Huế.
Quá trình xây lăng Đồng Khánh diễn ra qua 4 đời vua (1888-1923) vì vậy lăng mang dấu ấn hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử khác nhau.
Cuối năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tu bổ tổng thể khu di tích lăng vua Đồng Khánh với kinh phí gần 30 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6/2022, việc trùng tu hoàn thành, mở cửa đón khách tham quan.
Theo các nhà nghiên cứu, triều đại nhà Nguyễn trải qua 143 năm với 13 vị vua, do biến cố của lịch sử nên chỉ có 7 khu lăng tẩm. Ngoài các lăng đã kể trên, còn có lăng vua Thiệu Trị (xương Lăng), Dục Đức (An Lăng, nơi an nghỉ của 3 vị vua). 7 khu lăng này đều nằm về hướng tây của Kinh thành Huế.
Bên cạnh đó còn có 9 lăng chúa Nguyễn, gồm: Trường Cơ (Nguyễn Hoàng), Trường Diễn (Nguyễn Phúc Nguyên), Trường Diên (Nguyễn Phúc Lan), Trường Hưng (Nguyễn Phúc Tần), Trường Mậu (Nguyễn Phúc Thái), Trường Thanh (Nguyễn Phúc Chu), Trường Phong (Nguyễn Phúc Chú), Trường Thái (Nguyễn Phúc Khoát), Trường Thiệu (Nguyễn Phúc Thuần), tất cả đều nằm ở xã Hương Thọ, thành phố Huế.
Ngoài ra còn có nhiều lăng tẩm cung tần của các chúa Nguyễn và lăng mộ hoàng hậu, hoàng thái hậu thời Nguyễn.
Ngoài hệ thống Kinh thành Huế và các lăng, tẩm triều Nguyễn, thành phố Huế còn có nhiều công trình kiến trúc độc đáo, nằm dọc 2 bờ sông Hương, như Hổ Quyền (trái) - đấu trường được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn dùng để tổ chức những trận tử chiến giữa voi và cọp.
Chùa Thiên Mụ (phải), hàng năm thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan, chiêm bái.
Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, sông Hương đóng vai trò là trục cảnh quan quan trọng nhất của thành phố Huế hiện nay cũng như thành phố Huế mở rộng trong tương lai. Do đó khi thực hiện bảo tồn và phát triển 2 bờ sông phải xem như một bản giao hưởng.
Tại khu vực trung tâm nội thành, bên bờ bắc sông Hương là quần thể di tích Cố đô Huế, các đền đài, chùa chiền, thiết chế văn hóa, còn phía bờ nam là khu di sản của Pháp để lại từ thế kỷ XX, cần được bảo tồn một cách cẩn thận. Thừa Thiên Huế cần tạo hành lang xanh dọc 2 bờ sông, với những công trình hài hòa, được quy hoạch cẩn trọng để tạo nên cảnh quan bài bản, thống nhất và hấp dẫn.
Bên cạnh đó, cần phát triển khu đô thị ven sông ở những khu vực còn lại. Theo ông Sơn, mỗi một đoạn sông sẽ thực hiện một giai đoạn phát triển trong mối tương quan hài hòa thống nhất với nhau.
Link gốc: https://dantri.com.vn/xa-hoi/chiem-nguong-do-thi-hue-voi-7-di-san-the-gioi-tu-tren-cao-20240407172458654.htm