Chiêm ngẫm trong dinh Độc Lập

Chăm sóc hòn non bộ trong khu sinh hoạt của gia đình tổng thống. Ảnh: T.N.A.
Chăm sóc hòn non bộ trong khu sinh hoạt của gia đình tổng thống. Ảnh: T.N.A.
TP - Kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, tôi theo chân du khách vào thăm di tích lịch sử dinh Thống Nhất, nơi mà trưa 30/4/1975, vượt qua những ổ đề kháng cuối cùng, những chiếc xe tăng của quân giải phóng đã húc đổ cánh cổng của tòa nhà hành chính vốn được hình thành từ năm 1871…

Ban đầu tôi quyết định đi vào dinh bằng cửa phụ ở phố Nguyễn Du bằng giấy giới thiệu làm việc. Sở dĩ tôi chọn lối này là vì hôm nọ mới cùng với anh bạn báo Tiền Phong ăn phở Bình, nơi tập kết để biệt động thành đánh chiếm dinh vào năm 1968. Quán phở nay vẫn còn, phở rất ngon, trong quán treo bảng di tích lịch sử.  Năm 2012, đại tá chỉ huy biệt động thành Tư Chu qua đời. Đêm Tết Mậu Thân ấy, Tư Chu đã ngồi ở quán phở Bình để chỉ huy chiến dịch.

Chính ông lên kế hoạch đánh chiếm dinh Độc Lập và người cháu ruột của ông tên là Hòa trực tiếp tham gia mũi tấn công này. Anh Hòa kể lại với tôi: “Chúng tôi gồm 15 người, đi xe tải nhỏ và xe máy đánh thẳng vào cổng dinh phía chợ Bến Thành. Địch rất đông, chiến đấu ác liệt. 8 anh em hy sinh. Sau hai ngày chiến đấu, chúng tôi hết đạn, rút đi trên các nóc nhà gần chợ Bến Thành và bị bắt”. Các chiến sĩ biệt động thành đã lọt được vào dinh, chính họ đã kiểm soát dinh Độc Lập cho đến khi hết đạn và rút ra ngoài sau hai ngày “thay tổng thống” làm chủ tòa nhà.

Theo mô tả của anh Hòa thì trước kia cửa phụ này rất kiên cố, phải công phá mới vào bên trong được, chính vậy đa số anh em hy sinh chính tại cổng phụ. Có người phải vượt tường để vào trong dinh. Lúc đang đánh cổng phụ, địch cho xe chở quân tới chi viện, ta dùng B40 ngăn chặn. Ngày nay, cửa luôn mở rộng, tuy vậy, những người gác cho biết chỉ ai vào làm việc mới đi cổng phụ. 

Tôi vòng ra ngoài, đi vào dinh theo cổng chính, hòa trong đoàn khách đến từ năm châu, đủ mọi màu da. Tôi vào Sài Gòn làm việc đã gần chục năm, nhưng chưa bao giờ vào dinh Độc Lập. Khi làm việc tại TTXVN, phòng làm việc của Ban địa phương chúng tôi nhìn thẳng sang dinh, chỉ cách con phố đường một chiều. Tôi thấy một khoảng không gian xanh mướt, yên tĩnh bên kia con phố đông người.

Vài lần, muốn bước qua con phố Nguyễn Thị Minh Khai để sang dinh, nhưng ngần ngừ rồi thôi. Tôi vẫn nhớ những chiến sĩ binh chủng tăng thiết giáp tập trận gần nhà khi tôi còn nhỏ. Tôi đi học về, chừng mười tuổi, thấy những chiếc xe tăng chạy trên đường làng, bộ binh ôm súng chạy bảo vệ xe. Sau lớn lên đi làm báo, tôi từng gặp anh hùng Bùi Quang Thận khi về thăm và ăn cơm tại sư đoàn của anh giữa một vùng đầy cây cọ và những ngôi nhà dân vách đất rất dày. 

Anh Thận khi đó mập hơn trong ảnh, nhưng cũng giản dị, gần gũi. Anh cũng mất năm 2012 tại quê nhà Thái Bình, thọ 64 tuổi. Tôi vẫn nhớ câu chuyện anh Thận kể về trưa 30/4/1975, rằng: “Tôi chỉ làm những công việc mà những người lính như tôi cần làm - cắm lá cờ chiến thắng của quân đội ta lên căn cứ của địch”. Chiến thắng tại Điện Biên Phủ năm 1954 cũng gắn với hình ảnh là cờ quyết thắng ấy, lá cờ được chính tay Bác Hồ đã trao cho quân đội trong nhiệm vụ giải phóng toàn bộ đất nước khỏi sự chiếm đóng của thực dân cũ và mới.

Ngày nay, những cánh cửa song sắt được mở liên tục để đón các xe khách du lịch đưa khách thẳng vào sân dinh. Dinh vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc hình chữ “Cát” (may mắn). Tiến sĩ lịch sử Nguyễn Nhã nói với tôi: “Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là người rất có tài. Kiến trúc dinh của ông không giống với bất kỳ công trình nào trên thế giới và thể hiện được tinh thần Việt Nam”. Trung tâm mặt trước của dinh thiết kế hình chữ “Vương” (vua) và chính lá cờ trên cùng đã tạo thành chữ “chủ”, với ý nghĩa người lãnh đạo quốc gia phải lấy đất nước làm chính.

Chiêm ngẫm trong dinh Độc Lập ảnh 1

Thiền định trong dinh Độc Lập.

Các phòng bên trong dinh được thiết kế khá phức tạp, có lẽ là theo yêu cầu của gia đình ông Diệm và những người lãnh đạo thời kỳ đó. Bởi nơi này có quá nhiều những phòng dùng cho tiệc tùng với phòng đại yến nằm ngay ở sảnh ra vào, phòng chiêu đãi của phu nhân tổng thống, phòng chiếu phim văn nghệ, phòng giải trí, phòng tiếp khách, phòng khánh tiết. Không gian chia nhỏ đã khiến dinh bị vụn ra.

Chẳng hạn bên phòng tiếp khách nước ngoài lại có phòng trình quốc thư, phòng tiếp khách trong nước. Anh Hoa, một người làm việc 20 năm tại dinh nói: “Tất cả các phòng đều có lối thoát và rất nhiều cầu thang công khai cũng như kín đáo. Rõ ràng tòa nhà được thiết kế với mục đích quốc phòng”. Anh chỉ cho tôi một sân bay trên tầng thượng nơi để sẵn một chiếc máy bay trực thăng.

“Tôi thực sự ấn tượng lúc vào làm việc tại đây- trong điều kiện chiến tranh mà người ta làm được công trình lớn như thế này, nếu thời bình hẳn sẽ còn làm lớn hơn”.

Anh Hoa, vốn là lính pháo binh

“Sức mạnh bí ẩn” của tòa dinh chính là các tầng ngầm với hệ thống phòng làm việc của ban tham mưu tác chiến, ban vô tuyến, trung tâm truyền tin, tổng đài, đài phát thanh dự phòng… Mặc dù tòa nhà được thiết kế có hình chữ “tam” (với ý nghĩa tam quyền phân lập), nhưng rút cục dinh được dùng “tất cả trong một”, vừa là nơi ở của gia đình tổng thống, vừa nơi điều hành quân đội, điều hành kinh tế, xã hội, ngoại giao. Những người lính hay công chức không thể cư ngụ ở dinh, bởi đây cũng là nơi ở của gia đình tổng thống với mấy phòng ngủ. Mậu Thân năm 1968, chỉ 15 chiến sĩ biệt động đã chiếm lĩnh và làm chủ được tòa dinh khổng lồ nhưng lại khá vắng vẻ này.

Theo anh Hoa, mỗi ngày có chừng 1.000 lượt khách tham quan dinh chưa kể khách đoàn ưu tiên như học sinh, sinh viên. Khách tới từ châu Âu, châu Á, Mỹ và cả châu Phi nữa. Tôi gặp khá nhiều du khách hồi giáo. Tất cả đều trầm trồ, đặc biệt khi họ vào những phòng ngủ, phòng ăn hay phòng làm việc của tổng thống.

Người ta khó phân định được dinh Độc Lập là một tư gia hay một tòa nhà công, chính sự đan xen giữa một cung điện với một tòa thị chính đã khiến người ta bất ngờ, khi vừa bước ra qua phòng tiếp khách với hai ngọn giáo uy nghi bằng thép thật, lại bước ngay vào sân sinh hoạt của gia đình vợ con tổng thống. Những công nhân vẫn miệt mài chăm sóc hòn non bộ. Họ nói với tôi: “Hòn non bộ vẫn xanh tốt. Nhiều năm nước không hề thấm xuống phòng khánh tiết bên dưới”.

Điểm đến cuối cùng của tôi trong tòa dinh chính là cột cờ mà anh Thận đã lên. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong buổi chiều mùa xuân ấm áp ở phương Nam. Những người làm việc ở tầng trên cùng nói với tôi: “Trước kia, phòng cao nhất nằm dưới cột cờ này là phòng tĩnh tâm, dành cho tổng thống, nhưng sau đó lại được biến thành phòng khiêu vũ”.

Sàn nhà được lát gỗ và chiếc piano đệm nhạc vẫn còn đó. Hẳn những người khi cầm lá cờ lên đỉnh của dinh phải bất ngờ bởi nơi linh thiêng nhất của tòa nhà, nơi người lính đứng kéo cờ, lại là phòng khiêu vũ với một quầy bar bằng gỗ đến nay vẫn nằm ở yên đó.

Trên đường ra khỏi dinh, tôi chợt nhìn thấy một đoàn tu sĩ và các nhà sư đang tĩnh tâm dưới gốc cây, bên cạnh hai chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh, chiếc máy bay đã ném bom vào dinh (những sản phẩm cùng loại được trưng bày chứ không phải hiện vật gốc). Một anh bảo vệ đạp xe đến hỏi tôi: “Bao giờ các sư thiền định xong vậy?”. Tôi trả lời rằng, không lâu nữa đâu và nên dành cho những vị du khách đường xa chút thời gian để thỏa được niềm mong ước lâu nay của họ đó là được ngồi thiền định trong dinh Độc Lập.

1/2015

Dinh Độc Lập vốn được thực dân Pháp xây dựng năm 1868, trên khoảnh đất 12 ha với cái tên là dinh Norodom, dinh toàn quyền. Năm 1954, đại diện chính quyền Sài Gòn tiếp nhận dinh này từ Pháp và đổi tên là dinh Độc Lập. Năm 1962 dinh cũ bị quân đảo chính ném bom sập một phần và kiến trúc sư Ngô Viết Thụ được mời thiết kế xây dựng mới dinh này như ngày nay. Mặc dù hai tòa dinh thiết kế khác hẳn nhau, nhưng hệ thống cổng chính không mấy thay đổi kể từ năm 1871.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG