Trong những chất liệu truyền thống của sơn mài cổ, vỏ trứng là chất liệu thuần khiết và an lành nhất. Kỹ thuật cẩn trứng đòi hỏi tay nghề của những nghệ nhân xuất sắc, ngoài sự khéo léo, còn cần sự tỉ mỉ kỹ lưỡng, cũng như "cảm giác" rất tinh tế của những dịch chuyển về sắc độ. Với đôi bàn tay của người thợ cả, anh Ty của Hanoia đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật thực thụ, trong đó có những món anh chế tác được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chọn làm quà cho Tổng thống Pháp Holland khi ông thăm Việt Nam tháng 9 vừa qua. Trước đó, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng lựa chọn hộp trà sơn mài của Hanoia làm gửi tới Abdelaziz Bouteflika – Tổng thống Algeria.
Tại sao những món quà của Hanoia lại có sự giao thoa văn hóa và phù hợp cho công tác ngoại giao đến thế? Có lẽ sơn mài Hanoia chính là cuộc hội ngộ diệu kỳ nhất giữa sơn mài Việt và niềm cảm hứng châu Âu.
Năm 1997, tại một ngôi làng sơn mài cổ thuộc tỉnh Bình Dương, gần Sài Gòn, một nhóm nhỏ những nhà thiết kế châu Âu đã tìm thấy những sắc màu, những hiệu ứng, chất liệu và hoa văn mang đậm bóng hình quá khứ. Họ gặp gỡ những người thợ thủ công lành nghề, đã chứng kiến tình yêu, niềm đam mê và nỗ lực sống với nghề của những con người đó. Một ngày, họ quyết định cùng những người thợ sơn mài nhóm họp dưới một mái nhà để tạo nên những sản phẩm mới, góp phần hồi sinh và phát triển nghề sơn mài truyền thống Việt Nam. Hành trình đó không đơn thuần là bước theo con đường mang dấu chân của các bậc tiền bối, mà tạo nên một trải nghiệm mới, nơi chất lượng luôn được tôn vinh, nơi từng chi tiết mang tâm tình của người nghệ sĩ, nơi xúc cảm là đích đến cuối cùng.
Chiếc xe hoàn thiện với ánh sắc đẹp và đằm màu.
Trở lại với chiếc Vespa được cẩn trứng, người thợ cả Ty đã tuyển lựa những mảnh vỏ thật đều màu, gần như đồng nhất. Những mảnh vỏ mỏng manh ấy được bẻ vụn thành hàng triệu mảnh li ti có diện tích gần như nhau. rồi các "tế bào" vỏ trứng ấy lại được người nghệ nhân sơn mài dùng nhíp dính từng mảnh nhúng vào keo, dán đều khít lên bề mặt theo yêu cầu tạo hình. Sau 2 lớp keo, 2 lớp sơn, một nước màu nhuộm, một lớp vỏ trứng và sáu lớp bóng thì cuối cùng chiếc Vespa đã khoác lên một tấm áo ảo diệu.