Chiếc xe ân tình

“Giúp bà con có thêm tấm áo để mặc thì mình cũng ấm thêm”, cụ Nguyễn Công Long (bìa trái) nói. Ảnh: Giang Thanh
“Giúp bà con có thêm tấm áo để mặc thì mình cũng ấm thêm”, cụ Nguyễn Công Long (bìa trái) nói. Ảnh: Giang Thanh
TP - Người dân Đà Nẵng gọi chiếc xe in dòng chữ “Cũ cho, sạch cho, người cần dùng lấy dùng” có mặt khắp các ngả đường của cụ ông Nguyễn Công Long (77 tuổi,  quận Hải Châu, Đà Nẵng) là chiếc xe ân tình. Mỗi ngày, cụ cùng chiếc xe trên luồn lách hang cùng ngõ hẻm xin từng tấm áo cho người lao động nghèo.

Cũ cho, người cần lấy dùng

Đầu giờ chiều, con hẻm số 183 đường Hoàng Diệu đông người tới lựa quần áo cũ. Những chiếc áo ấm dày dặn, sạch sẽ được chị em bán vé số nhanh tay ướm thử lên người rồi bỏ vào bao mang về. Vài bác xe thồ chạy ngang qua cũng tấp xe vô lề kiếm chiếc áo gió, lựa cái áo len cho vợ con ở nhà. Cụ Long chân bước thấp bước cao căng tấm bảng in dòng chữ “Cũ cho, sạch cho, người cần dùng lấy dùng” ra phía trước. Thấy người lao động nghèo ngang qua, cụ lại móm mém kêu: “Áo ấm mùa đông, ghé vô lấy về mang đỡ lạnh bà con ơi. Muốn nhiêu lấy nhiêu, không mất tiền. Áo cũ dùng tốt bà con ơi!...”.

Thoáng chốc, núi đồ cũ hết hơn phân nửa, cụ Long bảo tuần vài lần, cụ mang áo quần tới con hẻm này để chờ bà con tới lấy. Những ngày còn lại, cụ chạy xe máy kéo theo thùng quyên góp in dòng chữ hệt như trên bảng cùng số điện thoại của mình luồn khắp thành phố xin đồ cũ. Tất tần tật đồ trẻ em, người lớn, người già cụ đều nhận, mang về phân loại rồi giặt giũ thơm tho mới đem cho. Cụ nói cứng: “Bộ nào cũ rách quá thì bỏ. Dù họ nghèo nhưng mình tặng quần áo cũng phải khiến họ cảm thấy được tôn trọng”.

“Trước khi đi là tui phải lên tiền trạm đã, để xem họ cần những gì. Có đợt vừa phát áo quần, tui vừa kèm vô vài thùng mì tôm vì bà con trên núi vẫn còn quay quắt với cái ăn lắm. Họ bảo tui già rồi đi xa làm chi cho cực, còn tui nghĩ đâu có người cần mình thì mình tới thôi”.

Cụ Nguyễn Công Long

Từ ngày kéo xe chạy, cụ hai lần bị tai nạn, một lần gãy xương sườn.  Con cháu trong nhà sợ cụ té nữa nên không cho cụ đi. Nhưng cụ nhất quyết  không chịu, “thỏa thuận” sẽ chạy ít lại, chỉ đứng ở cầu Rồng hoặc đường Phan Châu Trinh để nhận áo quần cũ. Cụ còn xin con gái lấy quán cà phê đầu kiệt 183 Hoàng Diệu làm điểm tiếp nhận và phát áo quần cho người nghèo. Vậy là hơn nửa năm nay, nơi ấy thành địa chỉ quen thuộc của chị vé số, bà ve chai. Mùa nắng có đồ mùa nắng, mùa mưa có đủ loại áo ấm để mọi người lựa chọn. Cầm chiếc áo phao còn dùng tốt trên tay, chị Nguyễn Thị Lai (38 tuổi, quê Điện Bàn, Quảng Nam), một người bán vé số, cảm kích: “Lần đầu ghé vô đây lấy áo tui cũng hơi ngại, nhưng cụ nói cứ lấy vì cụ đi xin về cho những người khó khăn như tụi tui. Bây giờ thỉnh thoảng tui lại rủ “đồng nghiệp” tới lựa đồ về mang.  Cảm thấy mình được chia sẻ, đồng cảm rất nhiều”.

“Đâu cần thì tôi đến”

Hai năm trước, cụ Long bắt đầu đi xin đồ cũ khi thấy nhiều người lao động khó khăn mang tấm áo rách bươm đi làm. Miễn có nơi nào gọi tới lấy đồ cũ thì xa mấy cụ cũng đi, khỏe tự chạy xe, ốm thì bỏ tiền túi bắt taxi. Dù cật lực nhưng số áo quần gom được không nhiều, cụ đánh liều vét hết mấy tháng lương làm bảo vệ đóng một cái thùng xe, buộc vào yên sau xe máy có ghi rõ nội dung xin áo quần rồi chạy khắp thành phố. Chiếc xe “cũ cho, sach cho” của ông bỗng “nổi tiếng”, nhờ vậy số áo quần gom được nhiều vô kể.

 “Đây là bao đồ của người dân trong TPHCM gửi ra. Họ thấy tui trên “phây búc” (Facebook), rứa là điện ra ngỏ ý sẽ gửi tặng áo quần cũ cho bà con. Còn nhiều bao của người dân Khánh Hòa, Kiên Giang… nữa”, cụ chỉ vào những bao tải áo quần to căng dựng bên góc nhà. Số đồ cũ phát tại “trạm” không hết, cụ lại đóng gói để ngược lên vùng núi, xuống miền biển chia cho bà con khó khăn.

Đầu năm nay, một mạnh thường quân cảm kích trước việc làm của cụ nên đã tài trợ cho xe vận chuyển áo quần đi vùng sâu, vùng xa. Cụ nhẩm tính, trước giờ đã đem áo quần lên tới huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang của tỉnh Quảng Nam. “Trước khi đi là tui phải lên tiền trạm đã, để xem họ cần những gì. Có đợt vừa phát áo quần, tui vừa kèm vô vài thùng mì tôm vì bà con trên núi vẫn còn quay quắt với cái ăn lắm. Họ bảo tui già rồi đi xa làm chi cho cực, còn tui nghĩ đâu có người cần mình thì mình tới thôi”.

MỚI - NÓNG