Chia sẻ với trẻ vùng cao

Chương trình Nhận đỡ đầu làm anh chị nuôi - Cơm trưa cho em.
Chương trình Nhận đỡ đầu làm anh chị nuôi - Cơm trưa cho em.
TP - Các bạn trẻ trong dự án The Human Library Việt Nam và Nhận chị em nuôi cùng các du học sinh tham gia chương trình gây quỹ “Tương lai trẻ em Việt” đã giúp cải thiện điều kiện học tập cho trẻ em tại những xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Từ những hành trình nhỏ

Từ tháng 9/2013 đến nay, dự án “The Schoolbag Việt Nam” của 5 sinh viên (SV) đội tuyển Enactus ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội trao tặng đồ dùng học tập tới tận tay hơn 600 em nhỏ là học sinh tại 10 trường và điểm trường tiểu học thuộc 4 tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn. 

Dự án còn mở rộng hoạt động khi tổ chức chương trình hè mỗi năm (trong khoảng thời gian một tuần đến một tháng) để dạy học, trang bị kỹ năng sống và vui chơi cho học sinh nghèo vùng cao. Mới đây, dự án tổ chức chương trình hè “Our dream, let’s fly hight” kéo dài 10 ngày tại hai điểm trường Nhạn Môn và Khuẩy Ô (xã Nhạn Môn, Pắc Nặm, Bắc Kạn) với các hoạt động tuyên truyền, diễn kịch tình huống để các em nhỏ biết cách ứng xử, bảo vệ bản thân trước người lạ, bắt cóc…

Nguyễn Thị Ngọc Hoài, SV ĐH Kinh tế quốc dân - Trưởng dự án cho biết, The Schoolbag Việt Nam là mô hình kinh doanh gây quỹ thông qua việc bán sản phẩm túi xách, sổ tay do các thành viên tự tay thiết kế, sản xuất. Toàn bộ số tiền thu được đều dùng để mua đồ dùng học tập trao cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục, điều kiện học tập cho trẻ em vùng cao. “Nhóm vẫn đang tiếp tục mở rộng phạm vi dự án, cũng như tìm ra những giải pháp thực sự hữu hiệu để mang lại những tác động cả về chiều rộng và chiều sâu cho càng nhiều em nhỏ càng tốt”, Hoài nói.

“Chúng tôi tổ chức chương trình với mong muốn các em sẽ có một bữa cơm trưa tươm tất hơn dù chỉ một chút, để giúp các em bớt đi phần nào nỗi lo về cái đói, để các em có thể tập trung hơn vào việc học, nhìn thấy được một thế giới rộng lớn hơn”. 

Chị Ngô Thị Hồng Nhung, Trưởng CLB Tình nguyện trẻ Hà Nội

Như tên gọi “Nhận làm anh chị đỡ đầu - Cơm trưa cho em tới trường”, dự án do CLB Tình nguyện trẻ Hà Nội kết hợp với Bộ đội Biên phòng Lai Châu tổ chức đã không ngừng phát triển, giúp đỡ nhiều học sinh nghèo tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Chị Ngô Thị Hồng Nhung, Trưởng CLB Tình nguyện trẻ Hà Nội cho biết, sau hơn ba năm hoạt động, dự án đang hỗ trợ 221 suất ăn cho trẻ tiểu học tại xã Ka Lăng và Tà Tổng (huyện Mường Tè, Lai Châu).

Hiện, dự án có 30 thành viên chính thức, cùng đông đảo các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu các em nhỏ với số tiền 150 nghìn đồng/tháng và quyên góp, ủng hộ thêm. Hàng tháng, CLB chuyển tiền cho nhà trường mua mỳ tôm, gạo và thực phẩm để đảm bảo hàng tuần trẻ có một bữa cơm trưa có thịt và 4 bữa mỳ tôm có rau.

 Các thành viên trong CLB còn tổ chức các hoạt động, chương trình đảm bảo giấc mơ đến trường của các em nhỏ bền vững hơn như: Tặng vật nuôi để làm quỹ khuyến học, tặng trang thiết bị, đồ dùng để học sinh ăn - ngủ trưa tại trường.

Đến xây trường cho trẻ nghèo

Nhân dịp nghỉ hè về thăm nước, du học sinh Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới đã kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ xây dựng điểm trường mới cho học sinh nghèo Điện Biên. Nguyễn Hà Duy (du học sinh tại Nga), thành viên trong BTC chương trình gây quỹ “Tương lai trẻ em Việt” cho biết, mục đích của việc gây quỹ là để xây điểm Trường Mầm non Huổi Lốt - Mường Mùn (huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Duy cho biết, ý tưởng xây dựng trường bắt đầu khi nhóm Du học sinh TV đọc bức thư kêu gọi của cô Hiệu trưởng Huổi Lốt và Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo về tình trạng lớp học mục nát, các em học sinh lo sợ trường sập.

Sau nhiều tháng quyên góp, tháng 7/2016, điểm Trường Mầm non Huổi Lốt được khởi công xây dựng. Hiện, đã xây xong 2 gian lớp học mát mẻ, sạch đẹp, một nhà vệ sinh, sân chơi cho học sinh (tổng kinh phí hơn 140 triệu đồng).

Cô Bùi Thị Lĩnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non An Bình cho biết, điểm Trường Huổi Lốt thuộc Trường Mầm non An Bình (xã Mường Mùn, Tuần Giáo) được thành lập năm 2009 hiện có 56 học sinh là con em bà con dân tộc. Trước khi được xây dựng, các em học sinh phải học tập trong tình trạng nơm nớp lo bị sập.

 “Thay mặt các em nhỏ, thầy cô giáo toàn trường cảm ơn Du học sinh TV và Tổ chức Tình nguyện vì Giáo dục đã xây dựng điểm trường mới, tạo điều kiện cho thầy cô, học sinh có môi trường học tập an toàn”, cô Lĩnh cảm động nói.

MỚI - NÓNG