'Chìa khóa' để thu hút, tập hợp thanh niên

TPO - “Đồng hành, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp vẫn luôn là 'chìa khóa' quan trọng, hữu hiệu để tổ chức Đoàn, Hội đến với thanh niên, thu hút họ tham gia các hoạt động, phong trào”, anh Nguyễn Trọng Thăng - Bí thư Đoàn xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, chia sẻ tại diễn đàn Đại hội Đoàn tỉnh Bắc Ninh.

Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2022 – 2027, các đại biểu thảo luận tại 4 diễn đàn với 4 chủ đề khác nhau. Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, làm thế nào để thanh niên ở lại làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, không phải xa phương làm ăn là những nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận.

Anh Nguyễn Kim Chức - Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng, cho biết, với mong muốn truyền cảm hứng, khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp trong thanh niên, Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn Bắc Ninh khóa XIV đã phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp tập trung triển khai nhiều hình thức hỗ trợ thanh niên. Trong đó, nhấn mạnh khuyến khích, tìm kiếm và phát triển các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên, đồng thời kết nối các nguồn vốn, quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp trong tỉnh để bảo trợ và đầu tư cho các ý tưởng xuất sắc để chuyển thành kinh doanh, đưa những ý tưởng đó vào thực tiễn.

'Chìa khóa' để thu hút, tập hợp thanh niên ảnh 1

Anh Nguyễn Kim Chức - Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng, chủ trì diễn đàn về "Thanh niên tiên phong trong chuyển đổi số và khởi nghiệp, lập nghiệp". Ảnh: Như Ý

Bắc Ninh là đơn vị đầu tiên trên ở khu vực phía Bắc xây dựng được nguồn vốn Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với tổng kinh phí 90 tỷ, mức lãi suất 5%/năm. Tính đến nay, đã có 107 dự án khởi nghiệp được nhận nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, với dư nợ gần 90 tỷ đồng; qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 800 lao động.

Anh Nguyễn Trọng Thăng - Bí thư Đoàn xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình chia sẻ, Gia Bình là một huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Bắc Ninh với nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Thực trạng thanh niên đi làm ăn xa ngày một tăng.

'Chìa khóa' để thu hút, tập hợp thanh niên ảnh 2

Các đại biểu trao đổi tại diễn đàn. Ảnh: Như Ý

Trong khi đó, nhiều mô hình kinh tế thanh niên trên địa bàn huyện còn thiếu tính bền vững. Một trong những nguyên nhân chính là việc phát triển mô hình không gắn với tình hình cụ thể tại địa phương, thiếu đầu ra.

“Thực tế cho thấy, không thiếu thanh niên sẵn sàng vượt qua khó khăn để lập thân, lập nghiệp thông qua xây dựng các mô hình kinh tế với các quy mô khác nhau. Tuy nhiên, điểm 'nghẽn' của họ là chưa tìm được nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, đầu vào và đầu ra cho sản phẩm”, anh Thăng nói.

Anh Thăng cho biết, nhận thức được điều này, các cấp bộ Đoàn tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thông qua các chương trình, dự án của Đoàn để tạo điều kiện cho thanh niên vươn lên.

'Chìa khóa' để thu hút, tập hợp thanh niên ảnh 3

Các đại biểu tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Như Ý

Vấn đề đặt ra đầu tiên là tìm nguồn vốn cho các mô hình. Tính từ năm 2018 đến nay, Huyện Đoàn Gia Bình đã tham mưu cho Tỉnh Đoàn Bắc Ninh giải ngân các mô hình thanh niên vay vốn khởi nghiệp với tổng nguồn vốn vay hơn 17 tỷ. Bên cạnh đó, tham gia vào chương trình ủy thác cho vay giữa Đoàn Thanh niên và Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, tổng dư nợ cho Đoàn Thanh niên toàn huyện quản lý là 25 tỷ đồng với 19 tổ tiết kiệm và vay vốn.

“Mặc dù vậy, nguồn vốn vay vẫn không đủ để đáp ứng được nhu cầu vay cho đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Quy định về tài sản thế chấp để vay vốn là một trong những rào cản lớn khiến cho thanh niên khó tiếp cận nguồn vay”, anh Thăng nói.

Từ thực tế đó, anh Thăng bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa các mô hình, chính sách từ các cấp, các ngành hỗ trợ nguồn vốn vay cho thanh niên dễ dàng tiếp cận để phát triển kinh tế.

'Chìa khóa' để thu hút, tập hợp thanh niên ảnh 4

Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn cho đoàn viên, thanh niên định hướng các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình đất đai cũng như nhu cầu thị trường; từ đó, tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình.

“Đồng hành, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp vẫn luôn là 'chìa khóa' quan trọng, hữu hiệu để tổ chức Đoàn, Hội đến với thanh niên, thu hút họ tham gia các hoạt động, phong trào” anh Thăng nói.

Vì thế, theo anh Thăng, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, mở nhiều hướng khác nhau để đồng hành với thanh niên phát triển kinh tế là nhiệm vụ lớn của tổ chức Đoàn hiện nay và tương lai. Qua đó, góp phần tạo công ăn, việc làm tại quê nhà, hạn chế tình trạng thanh niên thất nghiệp, thiếu việc làm phải đi làm thuê xa xứ.

Cùng quan điểm với anh Thăng, tại diễn đàn nhiều đại biểu cũng đề xuất, mở rộng nguồn vốn vay, cũng như kéo dài thời gian cho vay và hạn chế các thủ tục vay cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.

Tin liên quan