Chi tiêu quốc phòng Trung Quốc năm nay sẽ tăng mạnh nhất kể từ 2019

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bắc Kinh dự kiến năm nay chi tiêu quốc phòng sẽ tăng 7,2% - mức cao nhất kể từ năm 2019 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ về một loạt vấn đề, bao gồm cả Đài Loan (Trung Quốc).

Chi tiêu quân sự dự kiến tăng lên 1.550 tỷ nhân dân tệ (225 tỷ USD) vào năm 2023, theo báo cáo thường niên của Bộ Tài chính Trung Quốc công bố hôm qua trước giờ khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 14, Bloomberg đưa tin ngày 5/3. Chi tiêu cho quân đội Trung Quốc đã tăng ít nhất 6,6% mỗi năm trong ba thập kỷ qua, bằng hoặc thường vượt tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tại cuộc họp báo ngày 4/3, ông Vương Siêu, phát ngôn viên của kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 14 (kéo dài từ sáng 5/3 tới sáng 13/3), nói rằng, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tính theo tỷ lệ GDP về cơ bản đã được giữ ổn định trong nhiều năm; thấp hơn mức trung bình của thế giới và mức tăng là phù hợp và hợp lý. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm cách xây dựng một “lực lượng tầm cỡ thế giới” vào năm 2027, trùng với dịp kỷ niệm 100 năm thành lập quân đội nước này.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14 khai mạc sáng 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đọc báo cáo công tác của chính phủ, trong đó có đoạn: “Chúng ta, chính quyền các cấp nên hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của quốc phòng và lực lượng vũ trang, đồng thời tiến hành các hoạt động sâu rộng để thúc đẩy sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các lĩnh vực dân sự và quân sự. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ mở ra một chương mới về sự đoàn kết giữa quân đội và chính phủ cũng như giữa quân đội và nhân dân”, Xinhua tường thuật trực tiếp.

Nhắm đến tăng trưởng GDP khoảng 5%

Theo báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc được trình bày trước Quốc hội sáng 5/3, nước này nên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức “khoảng 5%”, Xinhua đưa tin. Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu: “Chúng ta nên ưu tiên phục hồi và mở rộng tiêu dùng”. Tăng trưởng GDP năm ngoái của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ ở mức 3%, mức thấp thứ hai kể từ những năm 1970.

Năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc có kế hoạch xem xét 35 dự luật trong 8 lĩnh vực. Đó là duy trì và cải thiện hệ thống hội đồng nhân dân các cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tiêu chuẩn cao, tiếp thêm sinh lực cho đất nước thông qua khoa học và giáo dục, biến Trung Quốc thành một quốc gia có nền văn hóa xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ, cải thiện phúc lợi của người dân, theo đuổi phát triển xanh, hoàn thiện hệ thống quản trị xã hội và cải thiện hệ thống pháp luật vì an ninh quốc gia.

Báo cáo công tác của chính phủ không đề cập đến cuộc chiến Nga-Ukraine. “Chúng ta nên cam kết thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình độc lập”, báo cáo viết. Báo cáo kêu gọi “các bước kiên quyết để phản đối Đài Loan (Trung Quốc) độc lập, đồng thời bám sát lời kêu gọi “thống nhất hòa bình” của Bắc Kinh.

Đằng sau những con số

Ngân sách quốc phòng mà Trung Quốc công bố hằng năm là một trong số ít những thông báo chính thức đưa ra những dấu hiệu về sự tiến bộ mà quân đội nước này đang thực hiện trong quá trình cải tổ của mình. Các nhà phân tích cho rằng, ngân sách thực tế vượt xa số tiền công bố, một phần vì chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) không được tính đến. Mỹ chi tiêu cho quân sự nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Trung Quốc chỉ đứng ở vị trí thứ hai dù nước này có các cam kết an ninh rộng lớn hơn trên toàn thế giới.

Năm tài chính 2022, Mỹ chi 767 tỷ USD, tương đương 12% tổng ngân sách, cho quốc phòng, theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ. Năm tài chính trước đó, chi tiêu quốc phòng của Mỹ là 755 tỷ USD.

Trong một dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, Lầu Năm Góc gần đây cho biết các quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã không nói chuyện với nhau kể từ tháng 11/2022. Đầu tháng 2/2023, Trung Quốc đã từ chối nỗ lực của Mỹ trong việc sắp xếp một cuộc gọi mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin muốn gọi cho người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa để giải quyết vấn đề khinh khí cầu Trung Quốc mà Washington cho là do thám và ra lệnh bắn rơi ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này. Trung Quốc mô tả động thái đó là một “phản ứng thái quá” vì khí cầu đó chỉ là thiết bị dân sự thu thập dữ liệu thời tiết đã bị gió thổi đi lệch hướng.

Chi tiêu quốc phòng Trung Quốc năm nay sẽ tăng mạnh nhất kể từ 2019 ảnh 1

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc trong cuộc tập trận hải quân Trung Quốc-Nga kéo dài một tuần. Ảnh: AP

Sáng 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu trước Quốc hội rằng, các chính sách khoa học và công nghệ của Trung Quốc nên nhằm mục đích xây dựng sức mạnh và sự tự lực tự cường của đất nước, trong khi các công ty đi đầu trong việc thúc đẩy đổi mới. Trung Quốc đã chống lại một cách hiệu quả những nỗ lực từ bên ngoài nhằm ngăn chặn và kiềm chế sự phát triển của nước này trong 5 năm qua bằng cách thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thực thông qua đổi mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, Xinhua đưa tin.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 14 sẽ bầu nhân sự cấp cao, Chức danh chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội dự kiến được bầu sáng 10/3, chức danh thủ tướng được bầu sáng 11/3.

Vụ việc đã cắt đứt những nỗ lực của ông Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm cải thiện mối quan hệ bắt đầu có dấu hiệu tan băng sau cuộc gặp ở Bali, Indonesia vào tháng 11/2022. Mối quan hệ Mỹ-Trung xấu đi trông thấy vào tháng 8/2022, khi bà Nancy Pelosi trở thành Chủ viện Hạ viện Mỹ đầu tiên thăm Đài Loan (Trung Quốc) sau 25 năm. Người kế nhiệm bà, ông Kevin McCarthy, nói ông có ý định thăm Đài Loan vào một thời điểm nào đó.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan (Trung Quốc) hôm 2/3 thông báo, Trung Quốc đã điều 21 máy bay chiến đấu vào một khu vực nhạy cảm gần Đài Loan. Đó là con số cao nhất trong gần hai tháng qua. Vụ việc diễn ra sau khi Mỹ chấp thuận khả năng bán máy bay chiến đấu hiện đại F-16 và thiết bị liên quan trị giá 619 triệu USD cho Đài Loan (Trung Quốc).

MỚI - NÓNG