Thông tin từ đường dây nóng

Chi tiết vụ chặt 'nhầm' cây rừng phòng hộ di sản Mỹ Sơn đem... bán

0:00 / 0:00
0:00
TP - Người dân bức xúc gửi đơn đến cơ quan chức năng phản ảnh nhiều cây lớn tại rừng phòng hộ cảnh quan thuộc khu Di sản văn hóa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị chặt hạ đem bán, trong khi Ban quản lý Di sản Mỹ Sơn cho rằng, số cây này bị chặt nhầm.

Ông Nguyễn Thanh Ba (62 tuổi, ở xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) cho hay, gia đình ông có 2 ha đất trồng keo xen kẽ xà cừ, được trồng từ năm 1994. Tuy nhiên sau đó khu vực này được chuyển thành rừng phòng hộ cảnh quan của Khu Di sản văn hóa Mỹ Sơn nên bị cấm khai thác.

Đến nay số cây đó đều trên 20 năm tuổi. Các đợt mưa bão dù cây ngã đổ nhưng người dân cũng không được phép chặt hạ mà chỉ cho phép tỉa cành, nhánh. Nhưng mới đây Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn cho chặt hạ cây để bán khiến người dân bức xúc.

Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực rừng phòng hộ cảnh quan Khu di sản văn hóa Mỹ Sơn có nhiều cây bị chặt hạ. Có những gốc cây lớn đường kính 40-50cm. Hiện trường vết cưa chặt còn mới, một số thân gỗ vẫn chưa mang đi. Trước phản ánh của người dân về việc này, ông Phan Hộ - Giám đốc Ban quản lý Khu Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho rằng số cây này bị “chặt nhầm”. 

Theo ông Hộ, cuối tháng 10/2020 sau cơn bão số 9 khiến nhiều cây bị đổ ngã. Đơn vị cho thu dọn những cây ngã do công đoàn cơ quan trồng có tuổi đời 20 năm dọc tuyến đường nội bộ đi vào khu di tích, nhưng trong quá trình thực hiện có một số cây trong khu vực rừng phòng hộ cảnh quan bị “chặt nhầm”.

Khảo sát có 130 cây lớn nhỏ, công đoàn cơ quan đã lập kế hoạch, hợp đồng nhân công tổ chức thu dọn. Số tiền thu được 180 triệu đồng, theo đó sẽ trả tiền cho công nhân thu gom và phát động trồng cây bản địa.

“Trong quá trình làm do chú tâm vào vấn đề nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão lũ, vì vậy so với các quy định về rừng thì chưa có báo cáo xin phép đầy đủ dẫn đến những sai sót. Nhưng về mặt bản chất chúng tôi không có tổ chức khai thác và cũng không có ý đồ chặt rừng để bán cây. Khi đưa ra chủ trương dọn dẹp cây đổ ngã người mua tranh thủ lợi dụng việc dọn dẹp cây của Mỹ Sơn đã nhầm lẫn một số cây của bà con cho nên họ bức xúc”, ông Hộ nói.

Ông Trần Văn Thu - Chi cục Trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, ông đã nắm thông tin sự việc, hiện đang mời ban quản lý làm việc để xem xét, xử lý. “Khi đơn vị xác lập hồ sơ, kết quả xử lý thế nào chúng tôi sẽ thông tin” - ông Thu nói.

Chi tiết vụ chặt 'nhầm' cây rừng phòng hộ di sản Mỹ Sơn đem... bán ảnh 1 Nhiều cây lớn trong rừng phòng hộ cảnh quan Di sản văn hóa Mỹ Sơn bị chặt hạ đem bán

Nhường đất 20 năm chưa được hỗ trợ

Rừng cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận ngày 13/8/2020, với diện tích 1160,05ha. Đáng nói, trong số đó nhiều diện tích đất sản xuất của dân nằm trong khu vực rừng phòng hộ cảnh quan nhưng nhiều năm nay chưa được hỗ trợ khiến người dân bức xúc.

Ông Ba cho hay, nhiều năm nay ông cùng nhóm hộ dân có đất trồng cây thuộc khu vực rừng phòng hộ cảnh quan cùng ký vào đơn đến các cơ quan chức năng mong được giải quyết quyền lợi của mình. Năm 2017 huyện Duy Xuyên cùng các ngành chức năng gồm phòng NN&PTNT, Phòng TN&MT, Kiểm lâm, UBND xã Duy Phú có mời các hộ dân vào để kiểm tra, kiểm kê đo đếm cụ thể và lập biên bản. Tuy nhiên sau đó  không phản hồi gì thêm.

“So với các hộ dân khác đi kinh tế mới cùng thời kỳ họ thu hoạch được 5 lần rồi, những hộ dân như chúng tôi lại quá thiệt thòi. Chúng tôi mong muốn được giải quyết thỏa đáng vì cả đất và cây của người dân chúng tôi nằm trong khu rừng phòng hộ của khu di sản, nhưng suốt hơn 20 năm nay không thể sản xuất và thu hoạch. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị vẫn chưa được giải quyết”, ông Ba nói.

Ngày 17/3, UBND huyện Duy Xuyên có văn bản về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 5899 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc giải quyết các quyền lợi cho người dân đối với đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp, đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người dân lâu nay thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn.

Ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, thống kê, xây dựng phương án giải quyết quyền lợi cho người dân đối với đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm thuộc quyền sử dụng hợp pháp.

MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.