"Mẹ ơi, con muốn ăn thịt heo xào", chuyên gia công nghệ người Trung Quốc có tên Chu Duệ nói.
"Được rồi, mẹ sẽ chuẩn bị bữa ăn. Mẹ sẽ gọi con ngay khi làm xong", mẹ của Chu Duệ mỉm cười đáp lại. Người phụ nữ ngoài 60 tuổi này mặc một bộ đồ pijama màu hồng, ngồi trên ghế với 2 tay đan nhẹ vào nhau, đôi mắt bà nhìn con trai đầy trìu mến.
Tuy nhiên, thay vì ngồi đối diện với mẹ, Chu Duệ chỉ có thể nhìn bà qua màn hình máy tính.
Chu Duệ nói chuyện với "bản sao kỹ thuật số" của mẹ mình trên máy tính, như anh đang thực hiện cuộc gọi video với người mẹ đã khuất (Ảnh: Chu Duệ).
Đây là một cuộc trò chuyện nhỏ giữa Chu Duệ và "người mẹ kỹ thuật số" của mình, do chính anh tạo ra bằng phần mềm trí tuệ nhân tạo. Người mẹ ảo của Chu Duệ trông chân thật đến mức như thể anh đang gọi điện video với mẹ ruột của mình.
Mẹ của Chu Duệ đã qua đời vào năm ngoái, sau 5 năm chống chọi với căn bệnh ung thư. Tình yêu thương sâu sắc dành cho người mẹ của mình đã thôi thúc Chu Duệ tạo ra một bản sao kỹ thuật số của bà, thứ có thể giúp anh lưu giữ những ký ức và phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ.
Chu Duệ là một trong số ngày càng nhiều người Trung Quốc đang cố gắng tìm cách gặp lại những người thân yêu đã qua đời bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Trong khi Chu Duệ, một chuyên gia về công nghệ, đã có thể tạo ra bản sao kỹ thuật số của mẹ, nhiều gia đình tại Trung Quốc đã chi ra số tiền không hề nhỏ để thuê các công ty có thể giúp họ gặp lại người thân đã mất của mình.
Nhiều công ty công nghệ tại Trung Quốc đã nhanh chóng mở ra dịch vụ này để đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Hồi sinh kỹ thuật số" nhờ AI
Lần đầu tiên Chu Duệ nghe về khái niệm "hồi sinh kỹ thuật số" là vào mùa xuân năm 2023, khi mẹ anh đang vật lộn với căn bệnh ung thư. Vào thời điểm này, Chu Duệ đã nghĩ về việc sẽ tạo ra một bản sao kỹ thuật số của mẹ mình.
"Trong khi chăm sóc mẹ và biết rằng bà không còn nhiều thời gian, tôi đã nghĩ đến việc sẽ tạo ra một phiên bản kỹ thuật số của bà, như một kỷ niệm đặc biệt mà bà để lại cho những người thân yêu", Chu Duệ chia sẻ. "Tôi đã phải chạy đua với thời gian để hoàn thành việc này khi bà vẫn còn sống".
Công nghệ AI ngày nay có thể tạo ra những mô hình kỹ thuật số với gương mặt, giọng nói của bất kỳ ai (Ảnh: Xiaohongshu).
"Hồi sinh kỹ thuật số" là quá trình thu thập dữ liệu của những người sắp mất hoặc đã qua đời, như hình ảnh, giọng nói, thói quen, các động tác quen thuộc… sau đó sử dụng công nghệ AI để tạo ra một bản sao có những đặc điểm của người đã khuất.
Chu Duệ đã cố gắng chụp càng nhiều ảnh và quay video, thu âm giọng nói của mẹ mình càng tốt, mà theo anh những điều này sẽ là dữ liệu quan trọng để AI có thể tạo ra một bản sao giống mẹ của mình nhất có thể. Tuy nhiên, Chu đã phải mất một khoảng thời gian để thuyết phục mẹ mình cho anh thực hiện điều đó.
"Thế hệ lớn tuổi biết rất ít về công nghệ, đặc biệt là AI. Mẹ của tôi không biết "bản sao kỹ thuật số là gì" và bà cảm thấy kỳ lạ về khái niệm này. Nhưng dù sao, mẹ vẫn hoàn toàn tin tưởng tôi", Chu Duệ nói.
Dù với tư cách là chuyên gia công nghệ và nhà sáng lập một công ty về công nghệ, bản thân Chu Duệ cũng không quen thuộc với các công cụ AI ngay từ đầu. Anh đã phải từng bước học làm quen với các công cụ AI, từ các công cụ xử lý hình ảnh, video, tạo giọng nói bằng AI…
Tuy nhiên, nhờ những kỹ năng sẵn có, Chu Duệ chỉ mất 20 ngày để tạo ra phiên bản sơ bộ của "người mẹ kỹ thuật số" và dần dần hoàn thiện sản phẩm của mình theo thời gian, cho đến khi tạo ra một bản sao kỹ thuật số chân thực nhất.
Chu cho biết anh vẫn còn nhớ rõ lần đầu tiên anh gặp gỡ "người mẹ kỹ thuật số" của mình xuất hiện trên màn hình máy tính, đó là vào khoảng 5 giờ sáng, khi anh thức cả đêm để thực hiện một số điều chỉnh nhằm hoàn thiện sản phẩm.
Chu cho biết anh rất cảm động khi nhìn thấy mẹ trên màn hình, nhưng anh biết sản phẩm này vẫn chưa hoàn hảo và cần thêm thời gian để hoàn thiện tốt hơn.
Giờ đây, khi mẹ của Chu đã qua đời thì anh cũng đã hoàn thiện việc tạo ra bản sao kỹ thuật số của mẹ mình, với gương mặt, giọng nói và hành động giống hệt như bà. Bản sao kỹ thuật số này có thể giao tiếp và nói chuyện với Chu qua màn hình máy tính, giống như anh đang gọi điện video với mẹ.
Chu cho biết anh đã nhiều lần bật khóc khi nghe lại giọng nói của mẹ mình phát ra từ mô hình AI trên máy tính. Dù biết rằng đó chỉ là một sản phẩm kỹ thuật số, Chu vẫn có cảm giác như mẹ của anh đang ở cạnh bên.
Sau khi hoàn thành quá trình tạo ra bản sao kỹ thuật số mẹ của mình, Chu đang nghĩ đến một dự án phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ nhiều gia đình có thể gặp lại những người đã khuất bằng công nghệ AI, để người thân có thể giao tiếp và nói chuyện với họ.
Các bản sao kỹ thuật số của người đã khuất có phần nào giúp nguôi ngoai được người ở lại? (Ảnh: Enews).
"Tôi hy vọng rằng bản sao kỹ thuật số của những người đã khuất có thể giúp giảm bớt nỗi đau của những người ở lại. Đó là ý nghĩa thực sự của công nghệ AI", Chu chia sẻ về dự định của mình.
Dịch vụ "hồi sinh người chết" bằng công nghệ AI nở rộ tại Trung Quốc
Chu Duệ không phải là người duy nhất có ý tưởng tìm gặp những người thân đã khuất bằng công nghệ AI, mà trên thực tế, nhiều người cũng có chung ý tưởng như vậy. Điểm khác biệt đó là những người không có kiến thức công nghệ giống Chu Duệ sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của các công ty về AI.
Những dịch vụ này sẽ có giá dao động từ 5.000 nhân dân tệ (tương đương 17,2 triệu đồng) đến 10.000 nhân dân tệ (tương đương 34,4 triệu đồng), tùy thuộc vào khả năng tương tác của "bản sao kỹ thuật số" với người thật.
Chẳng hạn nếu chỉ tạo ra những đoạn video với gương mặt, giọng nói của người đã khuất sẽ có mức giá rẻ, trong khi đó tạo ra những chatbot, với gương mặt, giọng nói và khả năng nói chuyện trực tiếp với mọi người sẽ có mức giá cao hơn.
Trương Thạch Vĩ, người sáng lập công ty AI có tên "Siêu trí não", trụ sở tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, cho biết công ty của ông có thể tạo ra những "bản sao kỹ thuật số" của người đã khuất bằng phần mềm hoạt động trên máy tính, với gương mặt, cử chỉ và giọng nói giống như những dữ liệu do khách hàng cung cấp. Những bản sao này cũng có thể giao tiếp và nói chuyện như người thật.
Trương cho biết kể từ khi công ty được thành lập vào tháng 5/2023, lượng khách hàng tìm đến công ty của ông rất lớn, cho thấy nhu cầu gặp lại những người đã khuất bằng công nghệ AI của người Trung Quốc là rất nhiều, hơn một nửa trong số đó là những bậc phụ huynh đã bị mất con.
Ông Trương cho biết để tạo ra các "bản sao kỹ thuật số" của người đã khuất, khách hàng cần phải cung cấp hình ảnh, video, bản ghi âm giọng nói của những người đã qua đời.
"Chúng tôi càng có nhiều tài liệu cần thiết, kết quả tạo ra bản sao sẽ càng chính xác", ông Trương chia sẻ.
Chẳng hạn như trường hợp người đàn ông họ Ngô. Vợ chồng ông đã rất đau buồn sau khi con trai 22 tuổi của ông qua đời vì đột quỵ trong khi đang du học ở nước ngoài.
Thương tiếc vì con trai ra đi mà không gặp gỡ và nói lời chào tạm biệt với người thân, ông Ngô đã tìm tới công ty của Trương để nhờ hy vọng có thể gặp lại con trai đã khuất của mình lần cuối.
Ông Ngô được gặp lại con trai đã qua đời trong một đoạn video được tạo ra bằng AI, với giọng nói và gương mặt của anh này ̣̣̣̣(Ảnh: Douyin).
"Tạm biệt bố mẹ yêu quý. Con mong có thể ở bên bố mẹ mọi lúc, mọi nơi và mang đến cho bố mẹ sự ấm áp và tình yêu thương. Dù ở đâu, con vẫn rất yêu bố mẹ", đoạn video được tạo ra bằng AI với giọng nói và gương mặt của con trai ông Ngô, đã khiến vợ chồng ông rơi nước mắt và nguôi ngoai phần nào vì không thể gặp được con lần cuối.
Những tranh cãi trong dư luận và mạng xã hội
Công ty của Trương là một trong số ít các công ty sử dụng AI để giúp các khách hàng có thể gặp lại những người thân đã khuất tại Trung Quốc. Các công ty này nở rộ khi các công nghệ về AI ngày càng phát triển, giúp tạo ra những bản sao của con người giống thật cả về hình ảnh lẫn giọng nói.
Lượng khách hàng có nhu cầu gặp lại người đã khuất bằng AI ngày càng đông, giúp những công ty này đạt được doanh thu lớn.
Trương Thạch Vĩ tin rằng với những tiến bộ của công nghệ, khái niệm "hồi sinh" bằng AI sẽ được nâng tầm trong thời gian tới, không chỉ là những đoạn video ngắn hay chatbot với gương mặt và giọng nói của người đã khuất, Trương cho rằng con người sẽ trở thành "bất tử kỹ thuật số", nghĩa là có thể số hóa cả ký ức của họ để tạo ra một bản sao con người hoàn hảo bằng máy tính.
Tạo ra bản sao của người đã khuất bằng AI có phải là một việc nên làm, hay con người nên vượt qua nỗi đau để tiếp tục cuộc sống bình thường? (Ảnh: Copilot).
Tuy nhiên, những cuộc hội ngộ với người đã khuất bằng AI đã gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội và cộng đồng mạng tại Trung Quốc.
Nhiều ý kiến đã ủng hộ việc này, cho rằng đó là một hành động nhân văn, giúp những người đã sống có thể vượt qua được sự dằn vặt trong trường hợp họ không thể gặp gỡ người qua đời vào phút cuối.
Ngoài ra, việc gặp lại người đã khuất dù dưới hình dạng "bản sao kỹ thuật số" cũng sẽ giúp nhiều gia đình nguôi ngoai được nỗi nhớ người thân đã qua đời.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng việc nhiều gia đình cố gắng tìm cách để được gặp lại người đã khuất bằng công nghệ AI thực chất là hành động đánh lừa cảm xúc và dối lừa bản thân. Nhiều ý kiến cho rằng những người còn sống nên biết vượt qua nỗi đau để tiếp tục cuộc sống của mình, thay vì chìm đắm vào ký ức với những người đã khuất và phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ.