Chỉ nên lấy phiếu chức danh chủ chốt

Chỉ nên lấy phiếu chức danh chủ chốt
TP - Thảo luận tại tổ dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (chiều 29-10), nhiều ĐB cho rằng chỉ nên lấy phiếu những chức danh chủ chốt.

> Lá phiếu của lòng dân

Phải làm thực chất

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, đây là việc mới và khó. Nhiều nước chỉ đánh giá tín nhiệm chung đối với Chính phủ, còn chúng ta đánh giá từng thành viên Chính phủ.

Phát huy dân chủ, thể hiện quyền làm chủ của ĐBQH, nhưng tránh đang từ cực này sang cực kia. Cần làm hết sức khoa học, công tâm.

“Hà Nội muốn đi đầu trong việc này nhưng không vì thế mà nôn nóng, phải đảm bảo khách quan, trung thực, không để lái đi sai lệch mục đích”- Ông Phạm Quang Nghị nói.

Theo Bí thư thành ủy Hà Nội, việc lấy phiếu cần đánh giá cả quá trình công tác của người được lấy phiếu. Có bộ trưởng khi mới nhận chức được báo chí dư luận đánh giá cao nhưng mấy tháng sau dư luận đã khác rồi.

Trước khi lấy phiếu, có cơn bão xảy ra gây thiệt hại lớn, bộ trưởng lĩnh vực đó rất dễ bị ảnh hưởng, cho dù trước đó đồng chí đó giải quyết nhiều việc thành công.

Hà Nội muốn đi đầu trong việc này nhưng không vì thế mà nôn nóng, phải đảm bảo khách quan, trung thực, không để lái đi sai lệch mục đích”- Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu thảo luận tại tổ dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh: Hồng Vĩnh
Hà Nội muốn đi đầu trong việc này nhưng không vì thế mà nôn nóng, phải đảm bảo khách quan, trung thực, không để lái đi sai lệch mục đích”- Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu thảo luận tại tổ dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh: Hồng Vĩnh.

“Có người làm bộ trưởng không hợp nhưng chuyển việc khác lại phát huy tốt. Vì thế, không được tín nhiệm ở vị trí bộ trưởng thì cũng có thể xem xét điều sang vị trí khác, cần theo dõi cả quá trình, chứ không phải cứ tín nhiệm thấp là cho nghỉ luôn. Như Bác Hồ nói “dụng nhân như dụng mộc” - ông Phạm Quang Nghị lưu ý.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, thực hiện nghị quyết nhằm đạt tới mục tiêu đội ngũ cán bộ trong sạch từ trung ương tới cơ sở, qua đó góp phần răn đe, thanh lọc những “hạt sạn, con sâu” trong bộ máy nhà nước.

Theo Bà An, cần quyết tâm làm và phải làm quyết liệt, bởi “đây là món nợ với dân” từ lâu chưa thực hiện được. Việc lấy phiếu, bỏ phiếu cần phải thực chất, như cấp QH chỉ nên lấy 49 vị trí chủ chốt, không nên trải rộng như dự thảo.

“Bên Chính phủ, nên lấy phiếu từ hàm bộ trưởng trở lên, bên Quốc hội thì từ chủ nhiệm các Ủy ban trở lên. Phải làm quyết liệt, ai không đủ tư cách, không hoàn thành công việc thì phải thay”- bà An nói.

ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) cũng cho rằng, nếu mở rộng phạm vi lấy phiếu sẽ dễ rơi vào hình thức. “Chúng ta làm gì cũng hình thức, vừa dàn trải, tốn kém vừa không có hiệu quả. Chỉ lấy phiếu những người thuộc bộ máy nhà nước và một số chức danh thuộc Quốc hội, HĐND và UBND mà thôi” - ông Thiện phát biểu.

Bỏ phiếu bất thường

Mot số ĐB cho rằng, thay vì 4 mức tín nhiệm quy định tại dự thảo (cao, thấp, trung bình và chưa có ý kiến) nên gọn lại hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.

Vì tín nhiệm cao hay thấp thể hiện qua số phiếu, do người bỏ phiếu quyết định. Không nên để mức độ “chưa có ý kiến” vì quá chung chung, không thể hiện được trách nhiệm của ĐB với dân.

“Lấy phiếu tín nhiệm nhưng lại ghi là chưa có ý kiến, vậy sẽ xử lý thế nào đối với những người có kết quả “đa số chưa có ý kiến?” - ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) băn khoăn.

“Nên quy định rõ là bỏ phiếu bất tín nhiệm để thể hiện rõ quy trình và mục đích của việc bỏ phiếu và chỉ cần quy định hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm” - ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) phát biểu.

 Những người mà sai phạm quá rõ, ĐBQH đề nghị bỏ phiếu thì phải tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm - thực chất là bất tín nhiệm ngay, không cần phải đợi đến kỳ họp cuối năm. Nghị quyết phải thể hiện rõ cơ chế này”  

Nhiều ĐB đồng tình với quy định tại dự thảo, sau hai lần lấy phiếu mà tín nhiệm thấp thì chuyển sang bước hai là bỏ phiếu tín nhiệm. Việc này có tác động rất lớn, góp phần thúc đẩy người được bỏ phiếu nỗ lực hơn trong cương vị của mình.

Làm rõ thêm vấn đề, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, nên quy định hình thức bỏ phiếu đột xuất khi cán bộ có sai phạm quá rõ ràng. Khi đó, qua thăm dò của UBTVQH hoặc qua kiến nghị của ĐB thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm bất thường.

Đi vào cụ thể, ĐB Trần Du Lịch cho biết, quy định cần 20% ĐB kiến nghị mới xem xét bỏ phiếu tín nhiệm (điều 12) là rất khó thực hiện. Cơ quan dự thảo nên giải trình cách gì để có được 20% số đại biểu theo quy định. Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, nên xem xét, bỏ quy định này của dự thảo.

Có cơ chế từ chức

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Kim Tiến bổ sung, cần có cơ chế đánh giá đối với người có phẩm chất tốt, không sai lầm gì nhưng hiệu quả công việc không tốt. Đấy là họ không muốn va chạm, cứ tròn vo không mất lòng ai, nhưng công việc trì trệ.

ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) lưu ý, các vị trí được lấy phiếu tín nhiệm đều là nhân sự cấp cao. Nhưng công tác cán bộ là thẩm quyền của Đảng.

Nếu qua bỏ phiếu, một người thôi chức vụ chính quyền thì có thôi trong cấp ủy không? Ví như, anh bị bỏ phiếu mất ghế bộ trưởng thì có thôi ủy viên trung ương không, hay lại chuyển vị trí khác?

Anh là bí thư tỉnh ủy kiêm chủ tịch HĐND, nếu mất tín nhiệm ở HĐND thì còn là Bí thư tỉnh ủy hay không, cần có quy định thống nhất. “Lần này làm phải nghiêm, làm thực chất, có hiệu quả thì mới đem lại lòng tin của nhân dân vì nhân dân rất trông đợi”- Ông Thạch nói.

Một số ĐB cho rằng, cần đề cao lòng tự trọng của cán bộ, công chức, nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì nên từ chức. ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) kiến nghị, nên mở ra một cơ chế, một hướng mới để người ta có thể rút lui khi thấy tín nhiệm của mình không còn. Nhưng cơ chế này chưa rõ trong nghị quyết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG