Chi Cục Kiểm lâm nói gì về vụ phá rừng phòng hộ ở Quảng Nam?

Rừng phòng hộ tại xã Tiên Lãnh bị chặt phá trồng Keo trái phép.
Rừng phòng hộ tại xã Tiên Lãnh bị chặt phá trồng Keo trái phép.
TPO - Thống kê ban đầu của cơ quan chức năng, năm 2017 tại Tiên Lãnh xảy ra 10 vụ phá rừng phòng hộ với diện tích hơn 23 ha.

Trực tiếp lên hiện trường vụ phá rừng phòng hộ tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, ông Phan Tuấn – Chi Cục trưởng Chi Cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết: Nhiều diện tích rừng phòng hộ tại tiểu khu 556, 557 thuộc xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước bị chặt phá. Hiện số liệu vụ phá rừng vẫn đang tiếp tục được tổ công tác thống kê, rà soát để tổng hợp báo cáo chính thức.

“Hiện các thành viên của tổ công tác vẫn đang bám chốt ở hiện trường để rà soát đánh giá hết toàn bộ diện tích, đo đếm hiện trường của các năm theo tinh thần khẩn trương, xử lý theo quy định pháp luật. Riêng vụ phá rừng của năm 2017 hiện nay đã có hồ sơ rồi, khả năng sớm khởi tố vụ án” – ông Tuấn nói.

Về mức độ nghiêm trọng vụ việc, ông Tuấn cho rằng cần có số liệu tổng hợp đầy đủ mới có thế đánh giá nghiêm trọng hay không. Hiện tổ công tác vẫn đang bám hiện trường để đo đếm, rà soát cố gắng báo cáo kịp tiến độ.

Cùng ngày, Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết đã có báo cáo số 248/ BC-SNN&PTNT gửi UBND tỉnh Quảng Nam về tình hình phá rừng để trồng rừng trái phép tại xã Tiên Lãnh.

Theo đó, thống kê của Chi cục Kiểm lâm, từ đầu năm 2017 đến ngày 15/9/2017, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam (Trạm Kiểm lâm Tiên Phước) đã kiểm tra và phát hiện trên địa bàn xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước xảy ra 10 vụ phá rừng tự nhiên, chức năng phòng hộ; diện tích rừng thiệt hại 23,776 ha (thuộc các Tiểu khu 556, 557); trong đó có 21,996 ha nằm trong diện tích giao khoán bảo vệ rừng do Ban quản lý dự án trồng rừng huyện Tiên Phước làm chủ dự án.

Chi Cục Kiểm lâm nói gì về vụ phá rừng phòng hộ ở Quảng Nam? ảnh 1

Trong  10 vụ vi phạm nói trên, có 1 vụ vi phạm tại khu vực Dội Lớn, xã Tiên Lãnh (Tiểu khu 556), bước đầu đã xác định được đối tượng vi phạm là ông Phùng Văn Bảy (trú tại thôn 9, xã Tiên Lãnh). Ông Bảy đã thuê 7 người đồng bào dân tộc Ka Dong gieo hạt Keo trên diện tích rừng trái phép. 7 người được ông Bảy thuê gồm ông Đinh Hữu Tiến; Trịnh Văn Tiến; Trần Văn Mẫn; Ông Trần Văn Trích; Bà Nguyễn Thị Hoa; Nguyễn Thị Minh Thủy; Bà Nguyễn Thị Hiền (cùng trú tại địa chỉ thôn 1, xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My) gieo hạt trên diện tích phá rừng trái phép.

Ông Bảy khai nhận phá rừng trái pháp luật tại khu vực Dội Lớn (Khoảnh 5, Tiểu khu 556) diện tích khoảng 2 ha. Qua kiểm tra hiện trường ban đầu xác định diện tích rừng bị thiệt hại tại khu vực Dội Lớn (Khoảnh 5, 6, Tiểu Khu 556) là 4,965 ha (chức năng phòng hộ).

Hiện, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch về việc khám nghiệm hiện trường và phối hợp điều tra vụ phá rừng có dấu hiệu tội phạm tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước. Đồng thời, tiến hành mời các ngành chức năng huyện và UBND xã Tiên Lãnh để phối hợp khám nghiệm hiện trường, xác định diện tích, tài nguyên rừng thiệt hại để xử lý vụ vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Các vụ vi phạm còn lại Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng huyện và chính quyền địa phương xã Tiên Lãnh, xác minh hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự kiến ngày 22/9, đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh sẽ trực tiếp đến hiện trường và làm việc với cơ quan chức năng về vụ việc.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.