Chỉ cần dữ liệu là phát hiện ra nhiều tiêu cực

TP - Là người từng phụ trách mảng công nghệ thông tin của Bộ GD&ÐT, ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, có rất nhiều câu chuyện liên quan đến tiêu cực thi cử được phát hiện nhờ công nghệ thông tin và manh mối được đưa ra từ chính những cơ sở dữ liệu ban đầu.

Ông Quách Tuấn Ngọc cho biết hè 2004, tại hội nghị giao ban giám đốc sở các tỉnh miền núi, ông đã đứng lên phát biểu khẳng định một tỉnh miền núi nhưng gian lận thi tốt nghiệp nhất cả nước. Bằng chứng là cả nước có 1 thí sinh  đạt tổng điểm 6 môn là 59,5 điểm và 2 cháu đạt 59 điểm thì tỉnh này chiếm hết. Học sinh Hà Nội còn cách xa. “Sau này tôi ghé tai họ nói vui: Ðừng có dại vượt mặt Hà Nội (lúc Hà Nội chưa sáp nhập như hiện nay)” - ông Ngọc chia sẻ.

Ðến tầm năm 2007, ông Ngọc cho biết lãnh đạo một sở lên gặp Cục CNTT, Bộ GD&ÐT cầu cứu. Vì tại kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh không hiểu sao một huyện khó khăn lại đạt nhiều giải thế. Dư luận vỉa hè bảo có hiện tượng “mua” giải. Ngay tối hôm đó, một số thành viên của Cục CNTT khởi hành.  “Phải nói cả ban giám đốc sở và các phòng ban ngồi ngóng chờ chúng tôi vì nếu không tìm ra thì nổi lên nghi kỵ lẫn nhau.  Mất hai  tối “điều tra”, Cục CNTT kết luận: Chuyên viên tin học của sở đã can thiệp vào hệ thống. Ðể cho tâm phục khẩu phục thì chúng tôi ghé tai mách nước cách chứng minh. Sau đó triệu hồi cậu chuyên viên tin học lên. Cậu này gục ngay xuống bàn” - ông Ngọc kể.

Ông Quách Tuấn Ngọc cũng cho biết, ngày còn thi 3 chung, Cục CNTT rà soát dữ liệu và báo chuyển cho Thanh tra Bộ nhiều trường hợp nghi vấn thi hộ. Nghi vấn hồi đó dựa trên việc cùng một dữ liệu họ và tên, ngày tháng năm sinh, quê quán đến tận thôn xóm mà cùng ngày thi lại xuất hiện ở hai phòng thi khác nhau. Kết quả là bắt được gần chục trường hợp thi hộ như vậy. Cũng có trường hợp xác minh trùng nhau thật. 

Ông Ngọc chia sẻ thêm dữ liệu điểm thi của 1 phòng thi THPT mà toàn 9 với 10 thì chỉ có thể là tiêu cực cả phòng. Còn nhiều trường hợp khác nhưng trên đây là vài ví dụ. Chỉ cần có dữ liệu kết quả thi thôi cũng phát hiện rất nhiều việc. Sức mạnh của CNTT là thế. Ông Ngọc cho rằng nếu Bộ thu hết bài thi các thí sinh đạt 9, 10 về lưu, một học kỳ sau so lại kết quả học và so lại chữ viết là ra nhiều vấn đề.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".